Sức điều khiển hàm thiếc và bánh lái (Gia 3:1-4)

Một phần của tài liệu gia-co_-_warren_w._wiersbe (Trang 37 - 38)

Rõ ràng, mọi người trong cộng đồng này đều muốn dạy dỗ kẻ khác hoặc muốn làm người lãnh đạo thuộc linh, nên Gia-cơ phải khuyên họ “Trong vòng anh em chớ có nhiều người tự lập làm thầy” (Gia 3:1). Có lẽ họ đều chú trọng quá mức đến thẩm quyền về uy tín của chức vụ mà quên đi những trọng trách nặng nề. Những ai dạy dỗ lời Chúa phải chịu sự đoán xét khe khắt hơn. Các thầy giáo phải dùng “cái lưỡi” mình để chia sẻ chân lý của Đức Chúa Trời nên dễ bị vướng phải tội của lưỡi. Hơn thế, người dạy đạo phải thực hành những điều mình dạy kẻ khác. Thế nhưng, lời dạy dỗ của các tín hữu đương thời là giả dối. Bạn hãy nghĩ đến những hiểm hoạ có thể xảy ra nếu người dạy đạo không được trang bị sự hiểu biết hoặc đời sống thuộc linh không nêu gương tốt!

Nhưng không riêng gì những người dạy đạo bị cám dỗ và phạm tội mà mọi tín đồ phải thừa nhận rằng “chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm” (3:2a). Và tội của lưỡi dường như là tội hàng đầu của họ. Người nào biết kiềm chế cái lưỡi, chứng tỏ người ấy điều khiển được cả thân thể mình. Người ấy đúng là một con người trưởng thành.

Phải chăng Gia-cơ lầm lẫn khi gắn liền tội của lưỡi với tội của cả thân thể? Không, bởi vì lời nói thường dẫn đến hành động. Trong thế chiến II, tôi thường thấy những áp phích ghi dòng chữ: “Môi hở đắm tàu”. “Môi hở” còn huỷ hoại đời người nữa. Người nào lở “sẩy miệng” sẽ lập tức thấy mình rơi vào một trận chiến”. Cái lưỡi người ấy đã ép mọi quan thể còn lại trong thân phải bảo vệ nó.

Khi dùng hình ảnh về hàm thiếc và bánh lái, Gia-cơ muốn trình bày hai vật thể có hình dáng nhỏ bé nhưng có sức mạnh vĩ đại cũng như cái lưỡi: Hàm thiếc nhỏ bé giúp người cỡi ngựa điều khiển được con ngựa to lớn, còn cái bánh lái nhỏ giúp hoa tiêu điều khiển cả một con tàu khổng lồ. Cái lưỡi là quan thể nhỏ trong thân, nhưng vẫn có sức mạnh để làm những việc vĩ đại!

Cả hàm thiếc và bánh lái đều chế ngự được những đối lực. Hàm thiếc phải hãm được thú tính của con ngựa, bánh lái phải chống chọi gió và những dòng nước có thể làm con tàu đi lệch hướng. Cái lưỡi của con người cũng phải chế ngự được những đối lực. Bản chất cũ trong chúng ta luôn muốn điều khiển và xui chúng ta phạm tội. Có những hoàn cảnh xảy ra quanh chúng ta, khiến chúng ta thốt ra những lời không phải lẽ. Tội lỗi bên trong và áp lực bên ngoài cứ tìm thế điều khiển cái lưỡi chúng ta.

Minh hoạ trên cho thấy hàm thiếc và bánh lái phải ở dưới quyền điều khiển của một bàn tay mạnh mẽ. Người nài ngựa thuần thục hãm sức mạnh của con ngựa dưới sự điều kiển của mình. Vị hoa tiêu đầy kinh nghiệm can đảm lái con tàu vượt cơn sóng gió. Khi Chúa Giê-xu Christ nắm quyền điều khiển cái lưỡi, chúng ta sẽ không còn sợ nói ra những điều không hay, thậm chí nói ra những điều đúng đắn nhưng không đúng lúc. Vua Sa-lô-môn khuyên rằng: “Sống chết ở nơi quyền của lưỡi” (Ch 18:21). Đa-vít cũng cầu nguyện. “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy giữ miệng tôi, và canh cửa môi tôi. Xin chớ để lòng tôi hướng về điều gì xấu xa” (Thi 141:3-4a). Đa-vít biết rằng tấm lòng là chìa khoá mở ra những lời nói thích hợp. “Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” (Mat 12:34b). Khi Chúa Giê-xu Christ là chủ trong lòng con người, Ngài cũng làm chủ cả môi miệng nữa.

Hàm thiếc và bánh lái có sức mạnh điều khiển, nghĩa là chúng ảnh hưởng đến sự sống của nhiều người khác. Con ngựa lồng lên sẽ làm tổn hại khách bộ hành, còn con tàu bị trôi dạt sẽ gây tử vong cho hành khách. Lời chúng ta nói ra cũng ảnh hưởng đến cuộc đời kẻ khác. Lời quan toà phán quyết “có tội” hay “trắng án” sẽ ảnh hưởng đến số phận của tù nhân, gia đình và bạn hữu họ. Khi vị tổng thống Hoa-kỳ phát biểu đôi lời, ký vào vài tờ giấy, thì quốc gia này đối mặt ngay với chiến tranh. Ngay cả một từ “vâng” hoặc “không” thật đơn giản từ cửa miệng của cha mẹ nhưng cũng ảnh hưởng đến cuộc đời của đứa con họ.

Bạn đừng bao giờ coi thường những lời đã nói ra. Chúa Giê-xu Christ phán với một người phụ nữ bên giếng nước khiến cuộc đời bà và những người lân cận kinh nghiệm một đổi thay kỳ diệu (Gi 4:1-54). Phi-e-rơ giảng đạo trong ngày lễ Ngũ Tuần đã khiến 3.000 linh hồn được cứu bởi đức tin trong Đấng Christ (Cong 2:1-26).

Vào ngày 21/4/1855, Edward Kimball đi vào tiệm giày ở Boston và đã dẫn dắt thiếu niên Dwight L. Moody đến với Đấng Christ. Sau này, Moody đã trở thành một trong những truyền giáo lừng danh. Cái lưỡi có quyền hướng dẫn kẻ khác bước vào những lựa chọn đúng đắn.

Đọc sách Châm ngôn rất có ích cho chúng ta, đặc biệt bạn hãy chú ý những chi tiết về lời nói “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận. Còn lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm” (Ch 15:1) “Môi miệng nói dối giả lấy làm gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va” (Ch 12:22) “Hễ lắm lời, vi phạm nào có thiếu nhưng ai cầm giữ miệng mình là khôn ngoan” (Ch 10:19) Thật vậy, cái lưỡi giống như hàm thiếc và bánh lái có sức mạnh điều khiển. Thật ý nghĩa thay, khi cái lưỡi của chúng ta có thể hướng dẫn kẻ khác đi trong con đường chính đáng!

Một phần của tài liệu gia-co_-_warren_w._wiersbe (Trang 37 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)