Gia-cơ nhắc đến tiên tri Ê-li như một mẫu mực về người công bình với những lời cầu nguyện đầy ơn. “Người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện thật có linh nghiệm nhiều” (Gia 5:16).
Câu chuyện về Ê-li được chép ở IVua 17:1-18:46). Những kẻ tội lỗi như vua A-háp và hoàng hậu Giê-sa-bên đã khiến dân Y-sơ-ra-ên chống nghịch Đức Chúa Trời để thờ phượng thần Ba-anh. Đức Chúa Trời đoán phạt dân sự qua cơn hạn hán trong xứ (Phu 28:12,23). Suốt 3 năm rưỡi, trời đóng lại và đất không sinh hoa màu cần thiết cho sự sống. Tiên tri Ê-li đã thách thức cùng các tiên tri Ba-anh trên núi Cạt-mên. Họ kêu cầu thần mình cả ngày nhưng không được trả lời. Vào giờ dâng của lễ chiều, Ê-li sửa lại bàn thờ cũ và chuẩn bị của lễ. Khi Ê-li cầu nguyện, lửa từ trời liền giáng xuống thiêu đốt của lễ. Ê-li đã chứng minh cho dân sự thấy Đức Giê-hô-va thật là Đức Chúa Trời.
Khi dân sự cần có mưa, Ê-li lên đỉnh núi Cạt-mên và quỳ gối cầu nguyện trước mặt Đức Chúa Trời. Bảy lần ông gọi tôi tớ mình nhìn xem dấu hiệu của mưa (một cụm mây nhỏ). Một cơn mưa lớn đã đổ xuống và dân sự được cứu.
Hôm nay chúng ta có cần một cơn mưa phước hạnh như vậy không? Chắc hẳn chúng ta rất cần! Nhưng chúng ta có thể lý luận. “Nhưng Ê-li là một tiên tri đặc biệt của Đức Chúa Trời. Chúng ta thừa biết Đức Chúa Trời sẽ nhậm lời ông một cách kỳ diệu”. Gia-cơ khẳng định “Ê-li vốn là người yếu đuối như chúng ta” (Gia 5:17). Thật ra, sau chiến thắng trên núi Cạt-mên, ông vẫn không phải là con người hoàn hảo, ... vì sau đó đã sợ hãi, nản lòng và chạy trốn. Dù vậy, ông là “người công bình” vì vâng phục Chúa và tin cậy Ngài. Đức Chúa Trời hứa nhậm lời cầu nguyện cho tất cả các con cái Ngài, chớ không chỉ riêng cho những con người ưu tú trong thuộc linh.
Ê-li cầu nguyện bằng đức tin vì đã được Đức Chúa Trời bảo trước rằng Ngài sẽ khiến mưa sa xuống đất (IVua 18:1). Robert Law nói: “Cầu nguyện không phải là để ý muốn con người được thực hiện trên trời nhưng để ý chỉ Đức Chúa Trời được làm trọn trên đất”. Bạn không thể tách rời Lời Đức Chúa Trời với sự cầu nguyện, vì qua Lời Ngài chúng ta có những lời hứa chắc chắn khi chúng ta cầu nguyện.
Khi cầu nguyện, Ê-li không chỉ tin cậy Chúa mà còn bền đỗ trong sự cầu xin ấy. “Người cầu nguyện, cố xin... Đoạn, người cầu nguyện lại...” (Gia 5:17-18). Trên núi Cạt-mên, Ê-li cứ kiên nhẫn cầu xin Chúa giáng mưa cho đến khi nghe kẻ tôi tớ mình thuật lại “Tôi thấy ở phía
biển lên một cụm mây nhỏ như lòng bàn tay”. Nhiều lần, chúng ta không nhận được những lời hứa quý báu của Đức Chúa Trời vì không chịu cầu nguyện. Mặc dù chúng ta không nên nói nhiều khi cầu nguyện (Mat 6:7), nhưng có một sự khác biệt rõ rệt giữa việc lặp đi lặp lại những lời vô ích và tinh thần bền đỗ đầy lòng tin thật trong sự cầu nguyện. Trong vườn Ghết- sê-ma-nê, Chúa chúng ta đã cầu nguyện 3 lần. Phao-lô cũng 3 lần cầu nguyện xin Đức Chúa Trời nhổ cái giằm xóc khỏi xác thịt ông.
Ê-li có thái độ chuyên tâm trong sự cầu nguyện của mình “Người cầu nguyện, cố xin...” (Gia 5:17). Theo ngôn ngữ Hy Lạp, câu Kinh Thánh này được hiểu là “người cầu nguyện trong sự cầu nguyện”. Có rất nhiều người không có tinh thần “cầu nguyện” trong sự cầu nguyện. Họ chỉ nói ra những lời có tính giáo điều một cách uể oải khi cầu nguyện, chớ không thật tâm đặt lòng mình vào đó.
Có một thuộc viên Hội Thánh đã cầu nguyện rất dông dài trong một buổi nhóm cầu nguyện, khiến một người hiện diện trong buổi nhóm trở nên chán nản mệt mỏi. Cuối cùng, không kiềm chế nổi, anh ta la lên: “Hãy cầu xin Chúa cái gì đi chớ!”. Đúng là nội dung cầu nguyện phải nhằm vào mục đích “cầu xin Chúa một điều gì”.
Hôm nay, sức mạnh của sự cầu nguyện là sức mạnh vĩ đại nhất trên đời. “Người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều” (5:16). Lịch sử cũng chứng minh thể nào con người đã phát triển nhanh chóng từ chỗ sức người đến sức ngựa, rồi đến thuốc nổ đi- na-mít, TNT và hôm nay đã đạt đến sức mạnh nguyên tử!
Thế nhưng mạnh hơn cả lực nguyên tử là sức mạnh của sự cầu nguyện. Ê-li cầu nguyện cho đồng bào mình và được Đức Chúa Trời nhậm lời. Hôm nay, chúng ta cũng cần cầu nguyện cho đồng bào mình, để Đức Chúa Trời khiến họ nhận biết tội lỗi mình, cứu rỗi họ và ban những cơn mưa phước hạnh trên đất. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Hội Thánh là phải cầu nguyện cho các bậc cầm quyền (ITi 2:1-3).