Lời Đức Chúa Trời (Gia 2:8-11)

Một phần của tài liệu gia-co_-_warren_w._wiersbe (Trang 28 - 29)

Những năm gần đây, các tín hữu trong Hội Thánh có những cuộc thảo luận về quyền phép của Lời Đức Chúa Trời. Bảo vệ chân lý của lời Chúa là tinh thần lành mạnh, nhưng chúng ta đừng quên rằng đời sống và chức vụ của chúng ta là sự bảo vệ hữu hiệu nhất. Moody nói: “Mọi quyển Kinh Thánh phải được đóng bìa bằng da giày!”

Gia-cơ nhắc lại một điều răn trong luật pháp Chúa thời Cựu Ước “Hãy yêu người lân cận như mình” (Le 19:18). Trong câu chuyện Chúa Giê-xu Christ kể về người Sa-ma-ri nhân lành, Ngài cho biết người lân cận là bất cứ những ai cần sự giúp đỡ của chúng ta (Lu 10:25-37). Đây là một vấn đề về cơ hội, chớ không liên quan đến nơi chốn. Câu hỏi cần đặt ra không phải là “Ai là người lân cận tôi?”, nhưng phải là “Tôi sẽ là người lân cận của ai?”

Vì sao điều răn “Hãy yêu người lân cận như mình” được gọi là “luật hoàng gia”? Trên một phương diện điều răn này được Vua muôn vua là Đức Chúa Trời định trong luật pháp Ngài và được Con Ngài là Chúa Giê-xu Christ truyền lại cho các môn đệ (Gi 13:34). Thánh Linh Đức Chúa Trời cảm động sâu xa trong lòng chúng ta tình yêu Ngài để chia sẻ tình yêu ấy cho người khác (Ro 5:5). Người tin Chúa thật là người “đã học nơi Đức Chúa Trời, phải yêu thương nhau” (ITe 4:9). Lý do thứ hai, điều răn này được gọi là “luật hoàng gia” vì là điều răn lớn nhất trong luật pháp. “Yêu thương là sự làm trọn luật pháp” (Ro 13:10). Nếu mọi công dân thật sự yêu thương nhau: có lẽ sẽ chẳng cần phải lập ra hằng ngàn điều khoản phức tạp trong luật pháp!

Tuy nhiên, lý do chính tại sao luật này được gọi là “luật hoàng gia” vì ai vâng phục nó, nó sẽ khiến bạn thành một vị vua. Lòng thù hận biến con người thành kẻ nô lệ, nhưng tình yêu thương buông tha chúng ta khỏi những toan tính ích kỷ, giúp ta cai trị như một vị vua. Tình

yêu thương giúp chúng ta vâng lời Đức Chúa Trời và cư xử với tha nhân theo ý muốn Ngài. Chúng ta vâng theo luật pháp Chúa không phải vì sợ hãi nhưng vì tình yêu.

Lòng thiên vị sẽ khiến con người bất tuân mọi điều răn trong luật pháp Đức Chúa Trời. Bạn có thể phạm bất cứ điều răn nào trong 10 điều răn Chúa ban nếu bạn coi trọng địa vị xã hội hoặc tiền tài vật chất của kẻ khác. Lòng thiên vị con người sẽ biến bạn thành kẻ giả dối, lâu dần trở nên kẻ thờ thần tượng (muốn có nhiều tiền để được giàu sang) hoặc là kẻ bất hiếu với cha mẹ. Một khi đã bắt đầu hành động theo lòng tư kỷ và chối bỏ lời Đức Chúa Trời, chúng ta đang đối diện với nan đề. Không nhất thiết phạm mọi điều răn của Chúa mới gọi là phạm tội. Chỉ có một Đấng ban luật pháp nên mọi điều răn đều từ tâm trí và lòng Ngài được ban ra. Nếu bạn phạm một điều răn nào, nghĩa là bạn có khả năng phạm mọi điều răn và với tư tưởng bất tuân, bạn sẽ sẵn sàng phạm lỗi như vậy!

Tình yêu thương của Cơ Đốc nhân không có nghĩa là bạn phải cảm mến một người nào đó và chìu theo mọi ý muốn người ấy. Có thể bạn không thích lời lẽ và cá tính người ấy nên không xem người ấy như người bạn gương mẫu. Tình yêu thương của Cơ Đốc nhân được thể hiện qua cách chúng ta đối xử với người khác giống như Đức Chúa Trời đã đối xử với chúng ta. Đây là hành động của lý trí chớ không phải của cảm xúc tự tạo. Mục đích của hành động yêu thương nhằm quy vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Phương tiện của lòng yêu thương là quyền năng Đức Thánh Linh hành động trong con người (“Vì trái của Thánh Linh là lòng yêu thương”), khi cư xử với ai bằng tình yêu, có thể bạn sẽ bị “lôi cuốn” khi quan tâm đến người ấy và nhìn thấy nơi người ấy (qua Đấng Christ) những phẩm chất bạn chưa từng biết.

Tương tự như trên, tình yêu thương của Cơ Đốc nhân không để con người ở hiện trạng của họ. Lòng yêu thương khiến người nghèo khó được an ủi nhiều, dạy người giàu có biết sử dụng đúng những nguồn lợi Đức Chúa Trời ban cho. Tình yêu thương luôn làm gương tốt (ICo 8:1), còn lòng ghen ghét luôn gây ra những vi phạm.

Chúng ta phải sống theo lời Kinh Thánh đã học. Nếu không làm theo điều răn quan trọng nhất “hãy yêu người lân cận như mình”, vậy chúng ta sẽ không làm được những lời dạy khác trong lời Chúa. Đây là vi phạm công khai của người Pha-ri-si khi họ quá chú trọng những vấn đề chi tiết mà bỏ qua những điều hệ trọng của luật pháp (Mat 23:23). Họ là kẻ vi phạm luật pháp nhưng cứ nghĩ mình đang bảo vệ cho luật pháp!

Một phần của tài liệu gia-co_-_warren_w._wiersbe (Trang 28 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)