Mọi người thuộc Cơ Đốc giáo chính thống đều tin sự trở lại của Chúa Giê-xu Christ và sự đoán xét cuối cùng, không phải mọi Cơ Đốc nhân đều tán đồng nhau về những chi tiết của các sự kiện ấy. Không ai chối cãi sự quan trọng của ngày đoán xét cuối cùng. Chúa Giê-xu Christ (Gi 5:24) và Phao-lô (Ro 8:1) đều đoan chắc với chúng ta rằng Cơ Đốc nhân sẽ không bị đoán xét tội lỗi nhưng mọi công việc họ sẽ được khai trình ra và được trả công xứng đáng (Ro 14:10-13 IICo 5:9-10).
- Lời nói của chúng ta sẽ bị đoán xét: Hãy để ý những lời nói dành cho hai vị khách ở Gia 2:3 Lời lẽ cùng thái độ chúng ta đối với kẻ khác sẽ bày tỏ ra trước mặt Đức Chúa Trời. Cả những lời thầm kín cũng bị đoán xét (Mat 12:36) vì đó là những lời nói xuất phát từ trong lòng. Vì vậy, khi Đức Chúa Trời đoán xét lời nói, là lúc Ngài đoán xét lòng người (Mat 12:34-37). Chúa Giê-xu Christ đã lưu ý vấn đề này trong Bài Giảng Trên Núi của Ngài (Mat 5:21-26,33- 37 7:1-5,21-23).
- Hành động chúng ta sẽ bị đoán xét: Mời bạn đọc Co 3:22-25 để hiểu rõ hơn. Chúa thật sự không “nhớ đến tội lỗi” của chúng ta nữa (Gie 31:34 He 10:17), nhưng tội lỗi ảnh hưởng đến đạo đức và hành động của chúng ta. Chúng ta không thể tự do phạm tội mà vẫn hầu việc Chúa
trung tín được. Đức Chúa Trời tha thứ tội khi chúng ta xưng nhận trước mặt Ngài, nhưng Chúa không thể thay đổi được hậu quả của tội lỗi.
- Thái độ của chúng ta sẽ bị xét đoán: (Gia 2:13) Gia-cơ so sánh hai thái độ: bày tỏ lòng thương xót kẻ khác và không có lòng thương xót. Nếu chúng ta thương xót kẻ khác, sẽ được Đức Chúa Trời thương xót. Tuy vậy, chúng ta không nên bóp méo chân lý này. Không phải bằng cách bày tỏ lòng thương xót là chúng ta đã “mua” được lòng thương xót. Vì nếu lòng thương xót có thể mua được, đó không phải là lòng thương xót thật! Cũng không có nghĩa rằng chúng ta phải “nhẹ tay” với tội lỗi và chẳng bao giờ xét đến tội lỗi trọn đời sống kẻ khác. Có một người nói với tôi: “Tôi không lên án ai, vậy Đức Chúa Trời sẽ không xét đoán tôi”. Nhưng người ấy đã suy nghĩ sai lầm biết bao!
Sự thương xót và sự công bình đều đến từ Đức Chúa Trời nên không hề mâu thuẫn nhau. Nơi đâu Đức Chúa Trời nhìn thấy sự ăn năn và lòng tin cậy, Ngài sẽ bày tỏ sự thương xót. Nơi đâu Ngài nhìn thấy sự chống nghịch và lòng vô tín, Ngài sẽ thi hành sự đoán xét công bình. Chính tấm lòng tội nhân sẽ quyết định cho cách Đức Chúa Trời đối xử với họ. Câu chuyện Chúa kể trong Mat 18:21-25 minh hoạ cho chân lý trên. Câu chuyện không nói về sự cứu rỗi, nhưng đề cập sự tha thứ giữa các đầy tớ. Nếu chúng ta tha thứ anh em mình, vậy tấm lòng chúng ta đang rộng mở để có thể đón nhận sự tha thứ của Đức Chúa Trời.
Chúng ta sẽ bị xét đoán bởi “luật của sự tự do”. Khi làm theo luật pháp Chúa, chúng ta được buông tha khỏi tội lỗi và bước đi cách thong dong (Thi 119:45). Luật pháp Chúa cũng trang bị cho chúng ta sự tự do. Một đứa trẻ phải ở dưới những luật lệ và qui tắc vì nó chưa đủ trưởng thành để có thể quyết định hoặc đáp ứng những yêu cầu của cuộc sống. Nó được dạy cho kỷ luật bên ngoài để có thể phát triển kỷ luật bên trong và sẽ được tự do trong tương lai khi nó trưởng thành.
Sự tự do không phải là một “giấy phép” để hành động theo ý riêng, nếu vậy đó sẽ là một xiềng xích nô lệ khủng khiếp nhất. Sự tự do là quyền chúng ta có thể trở nên tất cả những gì chúng ta có thể trong Chúa Giê-xu Christ. “Giấy phép” chỉ là sự hạn chế, còn tự do là sự hoàn thành.
Cuối cùng lời Đức Chúa Trời được gọi là “luật pháp của sự tự do” vì Đức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng chúng ta và biết những điều chúng ta sẽ làm trong sự tự do. Sinh viên Cơ Đốc nào làm điều tốt chỉ vì nhà trường đã định ra kỷ luật hẳn hoi, sinh viên ấy chưa thật sự trưởng thành. Cậu ta sẽ làm gì khi rời ghế nhà trường? Lời Đức Chúa Trời có thể thay đổi lòng chúng ta và ban cho chúng ta ước muốn làm theo ý Đức Chúa Trời, để chung ta vâng lời Ngài do sự thôi thúc trong lòng, chớ không do áp lực bên ngoài.
Có một sứ điệp hiển hiện trong phân đoạn này: đó là niềm tin của chúng ta phải điều khiển hành vi chúng ta. Nếu chúng ta thật sự tin rằng Chúa Giê-xu Christ là Con Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời là Đấng nhân từ, lời Ngài là chân lý và ngày kia Ngài sẽ xét đoán chúng ta, vậy hành vi của chúng ta sẽ phản ánh sự tin quyết của chúng ta. Trước khi cãi lẽ với những người không nhận biết giáo lý này, chúng ta cần biết chắc rằng mình có đang hành động theo những chân lý được biện hộ chăng. Giô-na hiểu biết một thần học kỳ diệu, nhưng lại thù ghét kẻ khác và nổi giận với Đức Chúa Trời (Gion 4:1-11)
Một trong những cuộc trắc nghiệm đức tin chúng ta là cách chúng ta cư xử với người khác. Liệu bạn có thể vượt qua cuộc trắc nghiệm này không?