Kinh Thánh không cấm đoán việc làm giàu. Trong luật Môi-se, có những điều kiện cụ thể về vấn đề tạo ra và gìn giữ của cải. Người Do Thái ở Ca-na-an được quyền làm chủ tài sản mình, sử dụng và làm lợi ra. Trong nhiều ví dụ của Chúa Giê-xu Christ, Ngài bày tỏ sự tôn trọng đối với tài sản và lợi tức riêng, không có chi tiết nào trong các thư tín mâu thuẫn với quyền sở hữu tài sản và lợi tức của con người.
Điều Kinh Thánh lên án là cách làm giàu bất chính với những mục đích xấu xa. Tiên tri A-mốt đã rao ra sứ điệp về sự đoán phạt trên tầng lớp thượng lưu giàu có, họ là những kẻ bóc lột người nghèo cũng như dùng của cắp để phung phí xa hoa. Tiên tri Ê-sai và Giê-rê-mi cũng phơi trần sự ích kỷ của người giàu và cho họ biết rằng sự đoán phạt sắp xảy đến. Đây là tinh thần Gia-cơ muốn viết cho những người giàu trong Hội Thánh. Ông đưa ra hai minh hoạ về cách người giàu có được của cải.
- Họ ăn gian tiền công (5:4). Thời bấy giờ người làm công được thuê mướn và trả lương mà không hề dựa trên hợp đồng pháp lý nào với chủ. Câu chuyện về người làm công ở Mat 20:1-16 cũng thể hiện một ý niệm nào đó trong xã hội thời bấy giờ. Trong luật pháp Đức Chúa Trời, Ngài đã đưa ra những điều khoản cụ thể liên quan đến người làm công hầu bảo vệ họ khỏi tay những người chủ bóc lột.
“Ngươi chớ hà hiếp kẻ làm mướn nghèo khổ và túng cùng, bất luận anh em mình hay là khách lạ kiều ngụ trong xứ và trong thành ngươi. Phải phát công giá cho người nội trong ngày đó, trước khi mặt trời lặn, vì người vốn nghèo khổ, trông mong lãnh công giá ấy. Bằng không, người sẽ kêu đến Đức Giê-hô-va về ngươi, và ngươi sẽ mắc tội” (Phu 24:14-15). “Khốn thay cho kẻ xây nhà trái lẽ công bình, làm phòng bởi sự bất nghĩa, dùng kẻ lân cận mình làm việc vô lương, và chẳng trả tiền công” (Gie 22:13). Những người giàu này mướn người làm công và hứa trả cho họ một khoản tiền cụ thể. Người làm công đã hoàn tất công việc nhưng không được trả thù lao. Theo ngôn ngữ Hy Lạp, động từ “giữ lại” được hiểu rằng người làm công sẽ chẳng bao giờ giờ nhận được tiền công của mình.
“Ngươi chớ trộm cướp” vẫn luôn là luật pháp của Đức Chúa Trời buộc con người phải tuân theo. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta có nhiệm vụ phải trả những khoản nợ của mình. Là mục sư tôi cảm thấy e ngại vô cùng khi có những người chưa tin Chúa cho tôi biết về những Cơ Đốc nhân trong Hội Thánh mắc nợ họ mà không muốn trả.
Tôi nhớ có lần đã gặp một người bạn bác sĩ khi tôi thăm bệnh viện của anh ta. Tôi hỏi “công việc của anh ra sao?” Anh đáp: “Ồ mọi việc đều tốt đẹp”. Tôi muốn khích lệ anh nên cho anh biết rằng tôi đang cầu nguyện cho anh. Anh đáp: “Cảm ơn mục sư. Nhưng khi cầu nguyện, xin mục sư cũng hãy cầu nguyện cho tất cả những người đã nợ tiền của tôi. Nếu họ chịu trả tiền cho tôi thì tốt biết mấy!”
- Họ điều khiển toà án (Gia 5:6a). Thời bấy giờ thường có trường hợp người giàu cũng nắm quyền lực về chính trị và có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Một nhân vật trong truyện tranh vui hỏi bạn mình “luật vàng là gì?” Bạn anh ta trả lời: “Bất cứ ai có vàng thì làm ra luật!” Gia-cơ lại đặt câu hỏi: “Há chẳng phải kẻ giàu đã hà hiếp anh em, kéo anh em đến trước toà án sao?” (2:6).
Khi cái tên “Watergate” được nhắc đến không còn ai nghĩ đến một toà nhà xinh đẹp nữa. Đối với người dân Hoa-kỳ, từ watergate nhắc lại một giai đoạn chẳng mấy đẹp mặt trong lịch sử nước Mỹ, nó phơi bày những sự giả dối khiến Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ phải từ chức.
Khi Đức Chúa Trời ổn định nơi ở của dân Y-sơ-ra-ên, Ngài ban cho dân này luật về sự kiện tụng (Phu 17:8-13). Ngài khuyên các quan xét không được tham lợi (Xu 18:21), không được thiên vị người nghèo hoặc nể nang kẻ quyền thế (Le 19:15), không dung túng cho lời khai man (Phu 19:16-21). Tội hối lộ sẽ bị Đức Chúa Trời đoán phạt (Es 33:15 Mi 3:117:3). Trong thời mình, tiên tri A-mốt cũng nói về tội hối lộ của các quan xét cũng như tội “bẻ cong” sự thật của họ (Am 5:12-15).
Trong thời Gia-cơ, thật dễ dàng “xoay chuyển” các phiên toà nếu bạn có tiền. Người lao động nghèo không đủ tiền trả cho những vụ kiện tụng “đắt giá’ nên họ phải ‘gõ cửa’ khắp nơi để cầu xin được cứu xét. Vụ kiện của họ rất công bình nhưng không được phân xử thoả đáng. Ngược lại, lắm lúc họ còn bị nhiếc mắng và bị xử tệ. (Chữ “giết” có lẽ được dùng theo nghĩa bóng như ở Gia 4:2, mặc dù có khả năng là người giàu bóc lột người nghèo đến mức họ phải chết). Người nghèo vô phương chống cự người giàu vì họ không có vũ khí chống trả. Họ chỉ biết kêu cầu cùng Chúa để Ngài xét lẽ công bình cho mình.
Kinh Thánh khuyên chúng ta không nên vơ vét của cải bằng thủ đoạn bất chính. Đức Chúa Trời là chủ của mọi tài nguyên của cải trên đất (Thi 50:10). Ngài cho phép chúng ta cai quản của cải để qui vinh hiển danh Ngài. “Hoạch tài ắt phải hao bớt, còn ai lấy tay thâu góp sẽ được thêm của nhiều lên” (Ch 13:11). “Tay kẻ siêng năng làm cho được giàu có” (Ch 10:4). “Con chớ chịu vật vã đặng làm giàu” (Ch 23:4). Chúng ta phải đặt Đức Chúa Trời trên hết mọi sự trong đời sống mình Ngài sẽ luôn ban cho chúng ta mọi điều cần thiết (Mat 6:33)