Có một danh hài đã phát biểu: “Nếu đồng tiền biết nói, nó cũng chỉ nói với tôi rằng: Tạm biệt!” Tuy nhiên, tiền bạc không muốn nói lời “tạm biệt” với những người được Gia-cơ nhắc đến trong thư tín này. Họ là những người giàu có và của cải họ có đầy dẫy dáng dấp tội lỗi. Họ dùng tiền bạc vào những mục đích vị kỷ hoặc để vu cáo bắt bớ kẻ nghèo khó.
Một trong những chủ đề xuyên suốt ở Gia-cơ đoạn 5 là sự hoạn nạn. Ở đây chúng ta sẽ gặp những con người bị bóc lột tiền công lao động (Gia 5:4) cũng như có những người bị bệnh tật về thể chất (5:13-16) và sa đoạ thuộc linh (5:19-20). Chủ đề thứ hai được Gia-cơ trình bày là sự cầu nguyện. Người lao động nghèo khổ đã kêu khóc cùng Đức Chúa Trời (5:4). Người bệnh hoạn đau yếu cần phải cầu nguyện (5:13-16). Gia-cơ nêu điển hình về ông Ê-li là người cầu nguyện với Đức Chúa Trời bằng đức tin (5:17-18).
Nếu kết nối hai chủ đề này lại với nhau, bạn sẽ thấy một đặc điểm thứ 5 của Cơ Đốc nhân trưởng thành, đó là: luôn cầu nguyện trong hoạn nạn. Thay vì ngã lòng khi hoạn nạn xảy đến, người tin Chúa trưởng thành sẽ đến với Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện và tìm kiếm sự giúp đỡ từ trên. Người không trưởng thành chỉ cậy sức mình, những kinh nghiệm và khả năng riêng, hoặc nhờ cậy những người khác. Thật ra, Đức Chúa Trời luôn đáp ứng mọi nhu cầu chúng ta qua sự giúp đỡ của những người khác và đó là kết quả của sự cầu nguyện.
Gia-cơ không có ý cho rằng giàu có là tội lỗi. Vì xét cho cùng, Áp-ra-ham là người rất giàu có nhưng ông vẫn đồng đi với Đức Chúa Trời, được Ngài sử dụng để đem nguồn phước cho cả thế giới. Gia-cơ muốn nói đến lòng ích kỷ của người giàu và khuyên họ “khóc lóc, kêu la”. Ông nêu 3 lý do về sự kêu gọi của mình: