Phao-lô cũng dùng từ “chịu khổ” để mô tả những hoàn cảnh ông bị hoạn nạn vì danh Chúa (IITi 2:9). Con cái Đức Chúa Trời thường phải chịu hoạn nạn trong đời sống không do hậu quả của tội lỗi họ hay do sự quở phạt của Đức Chúa Trời.
Chúng ta nên làm gì khi ở trong những hoàn cảnh thử thách ấy? Chúng ta không nên so đo chỉ trích những tín đồ gặp điều kiện sống dễ chịu hơn (5:9), cũng không nên oán trách Chúa. Chúng ta cần cầu nguyện, xin Chúa ban cho mình sự khôn ngoan để hiểu biết và sử dụng mọi hoàn cảnh để làm vinh hiển danh Chúa (1:5).
Sự cầu nguyện có thể thay đổi được những hoạn nạn nếu điều đó đẹp ý Chúa. Sự cầu nguyện cũng ban cho chúng ta có ơn cần thiết khi chịu đựng những hoạn nạn và sử dụng chúng để hoàn tất ý chỉ trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời có thể biến đổi những khó khăn thành ra đắc thắng. “Ngài lại ban cho tạ ơn lớn hơn nữa” (Gia 4:6). Phao-lô cầu xin Chúa thay đổi hoàn cảnh, nhưng Đức Chúa Trời lại ban cho ông ơn phước cần thiết để ông biến yếu đuối của mình ra mạnh mẽ (IICo 12:7-10). Ở vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giê-xu Christ cầu xin Cha cất khỏi Ngài chén đắng nếu có thể được, nhưng Cha trên trời đã ban cho Ngài sức mạnh để Ngài đủ sức bước lên thập tự giá chết thay tội lỗi chúng ta.
Gia-cơ bày tỏ rằng không phải mọi người đều gặp hoạn nạn cùng một lúc: “Có ai vui mừng chăng? Hãy hát ngợi khen” (Gia 5:13). Đức Chúa Trời muốn quân bình đời sống chúng ta nên Ngài cho chúng ta những giây phút hoạn nạn cũng như những ngày vui mừng hoan hỉ. Cơ Đốc nhân trưởng thành cũng là người biết vui mừng ca ngợi Chúa đang khi chịu khổ. (Lẽ dĩ nhiên ai cũng có thể vui mừng sau khi trải qua hoạn nạn). Đức Chúa Trời có thể ban cho chúng ta những bài ca “vui mừng trong ban đêm” (Giop 35:10). Ngài đã ban điều này cho Phao-lô và Si-la khi họ bị giam trong ngục tại thành Phi-líp: “Lối nửa đêm, Phao-lô và Si-la đương cầu nguyện hát ngợi khen Đức Chúa Trời...” (Cong 16:25).
Cầu nguyện và ngợi khen là những yếu tố quan trọng không thể thiếu trong buổi nhóm thờ phượng ở Hội Thánh ban đầu. Chúng ta hôm nay cần noi theo gương của họ. Sự ngợi khen Chúa của chúng ta phải phản ảnh được đời sống thuộc linh bên trong của mình. Sự ngợi khen của người tin Chúa phải xuất phát từ “tâm thần” (ICo 14:15) chớ không phải chỉ từ lời ở môi miệng hay những tư tưởng vô nghĩa. Sự ngợi khen phải xuất phát từ tấm lòng (Eph 5:19) và đầy dẫy Đức Chúa Trời (Eph 5:18). Sự ngợi khen Chúa của Cơ Đốc nhân phải dựa trên nền tảng của Lời Đức Chúa Trời (Co 3:16), chớ không phải những tư tưởng khôn ngoan của loài người. Nếu sự ngợi ca không mang tinh thần Kinh Thánh, vậy nó không thể được Đức Chúa Trời chấp nhận.