Có lần tôi đi qua những tiệm sách cũ dọc đường Charning Cross ở Luân đôn. Tôi đưa ra nhận xét với người trông quầy sách rằng ở đây không có nhiều tiệm sách như tôi tưởng. Người ấy đáp: “Bởi vì trong một đêm vào thế chiến II, những quả bom lửa đã rơi xuống đốt cháy ít nhất một triệu cuốn sách”.
Một dịp khác, tôi và nhà tôi cùng một người bạn đi tham quan những khu rừng xinh đẹp ở California. Chúng tôi đến một khu vực đổ nát hoang tàn vì lửa cháy. Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên mang vết hoang tàn, mà những cây gỗ quý trị giá hằng triệu mỹ-kim cũng bị cháy sạch. Khi chúng tôi đi qua khu vực cháy đen này, bạn tôi nhận xét: “Chắc có ai đó đã bật lửa để hút thuốc”.
Ngọn lửa có thể phát sinh từ một tia lửa nhỏ, nhưng sau đó có thể bùng lên và thiêu huỷ cả một thành phố. Một nguồn tin cho biết có một ngọn lửa xuất phát từ kho thóc O Leary ở Chicago lúc 8:30 tối ngày 8/10/1871. Do ngọn lửa lan nhanh, 100.000 người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất 17.500 toà nhà bị phá huỷ 300 người thiệt mạng. Thành phố này bị tổn thất trên 400 triệu Mỹ kim.
Lời nói chúng ta có thể khởi phát như những ngọn lửa! “Lửa tắt tại thiếu củi cũng vậy khi chẳng có ai thèo lẻo cuộc tranh cạnh bèn nguôi. Than chụm cho than đỏ, và củi để chụm lửa, người hay tranh cạnh xui nóng cãi cọ cũng vậy” (Ch 26:20-21). Trong một số Hội Thánh, có những thuộc viên hoặc những người hữu sự không làm chủ được lời nói mình, gây ra những cuộc bất hoà. Hãy đặt cái lưỡi vào đúng chỗ đứng của nó, thì tinh thần hoà thuận và tình yêu thương sẽ điều khiển được nó.
Giống như ngọn lửa, cái lưỡi “có thể đốt cháy lên” mọi thứ. Đa-vít nói: “Tôi nói rằng tôi sẽ giữ các đường lối tôi, để tôi không dùng lưỡi mình mà phạm tội... lòng tôi nóng nảy trong mình tôi đương khi tôi suy ngẫm, lửa cháy lên, bấy giờ lưỡi tôi nói...” (Thi 39:1,3). Bạn trải qua kinh nghiệm này chưa? Chắc là vậy. Cái đầu nóng nảy cùng với tấm lòng nóng nảy sẽ dẫn đến những lời nói nóng nảy để sau đó chúng ta phải hối tiếc. Đa-vít cũng nóng tính nên ông phải cầu xin Chúa giúp đỡ mình kiềm chế tính khí. Thật không có gì lạ khi Sa-lô-môn nói rằng: “Người nào kiêng lời nói mình có tri thức” (Ch 17:27) “Kẻ nào chậm nóng giận có thông sáng lớn nhưng ai hay nóng nảy tôn lên sự điên cuồng” (Ch 14:29)
Tầng hầm trong nhà bạn tôi bị phát hoả. Khói lửa làm hư hại căn nhà khiến cả gia đình họ phải dọn ra ngoài để sửa sang lại căn nhà. Lời nói nóng nảy của chúng ta có thể huỷ hoại một gia đình, một lớp Trường Chúa Nhật hoặc một Hội Thánh. Phương cách duy nhất để phục hồi lại đổ vỡ chỉ bởi huyết của Đấng Christ.
Lửa cháy lên huỷ hoại tất cả, còn lời nói chúng ta thốt ra có thể gây nhiều tai hại. Một trong những sự buồn bực Chúa chúng ta phải gánh chịu khi Ngài hiện diện trên đất là thái độ kẻ thù nói về Ngài. Họ gọi Ngài là “người ham mê ăn uống” (Mat 11:19) vì Ngài đã ân cần nhận lời mời dùng bữa với những con người bị các người Pha-ri-si khinh ghét. Khi Chúa làm phép lạ, họ cho rằng Ngài là Chúa quỉ. Thậm chí lúc chịu chết trên thập tự, Chúa cũng bị kẻ thù khuấy rối và ném vào mặt Ngài những lời mắng nhiếc cay nghiệt.
Lửa vốn hay lan nhanh, nếu bạn thêm vào nhiên liệu nó sẽ càng lan xa. Cái lưỡi “đốt cháy cả đời người” (Gia 3:6) Gia-cơ muốn nói rằng cả đời người như được gắn với một bánh xe, nên ta không thể giữ mọi điều đứng tại chỗ. Cả đời người có thể bị huỷ hoại bởi cái lưỡi. Thời gian cũng không sửa lại được lỗi lầm do cái lưỡi gây nên. Chúng ta có thể xưng ra tội lỗi mình trong lời nói, nhưng ngọn lửa đã cháy vẫn cứ tiếp tục lan ra!
Khi lửa lan ra, nó sẽ thiêu huỷ mọi thứ quanh nó. Lời nói chúng ta cũng có sức huỷ hoại như vậy. Cứ một chữ được viết trong cuốn sách của Hitler (Mein Kampf) là có 125 sinh mạng bị cướp đi trong thế chiến II. Có thể lời nói chúng ta không gây ra chiến tranh hay làm huỷ hoại một thành phố, nhưng có thể làm tan nát lòng người khác và huỷ hoại thanh danh họ. Lời nói cũng có thể huỷ hoại linh hồn con người nếu khiến họ đi vào cõi vĩnh hằng không có Đấng Christ. Chúng ta cần phải để lời nói mình “có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối” (Co 4:6).
Cái lưỡi không chỉ như ngọn lửa, mà còn như một con thú nguy hiểm. Con thú ấy chẳng chịu ở yên và không dễ gì thuần phục được nó. Nó luôn tìm kiếm con mồi để vồ lấy cắn xé. Tôi và nhà tôi có lần lái xe đến công viên có thú hoang được thả ngoài trời, để xem chúng đi tới lui quanh môi trường tự nhiên này. Nhưng trên cửa công viên gắn những biển báo ghi dòng chữ “Đừng rời khỏi xe hơi của bạn! Đừng mở cửa kính!” Những “con thú hiền hoà” này có khả năng gây tai hoạ, thậm chí giết người.
Có một số thú vật mang nọc độc và lưỡi chúng phun ra nọc độc. Nó sẽ ngấm vào từ từ và giết chết con người. Có bao lần kẻ độc ác nào đó đã đưa “nọc độc” vào cuộc nói chuyện, hòng làm cho ‘chất độc” ấy lan nhanh để cuối cùng gây tổn thương cho đối tượng người ấy muốn
hại? Là mục sư, tôi từng chứng kiến những cái lưỡi độc địa gây tai hại lớn cho những cá nhân, gia đình, các lớp học và cả Hội Thánh. Bạn có muốn thả lỏng những con sư tử đói hay những con rắn độc trong buổi thờ phượng sáng Chúa nhật? Dĩ nhiên là không! Nhưng những cái lưỡi ương bướng có thể gây những tai hại như vậy.
Gia-cơ nhắc chúng ta rằng thú vật có thể được thuần hoá và lửa có thể được chế ngự. Khi thuần hoá một con vật, bạn có trong tay một “kẻ giúp việc” chớ không phải là kẻ huỷ diệt. Khi chế ngự được lửa, bạn tạo ra được năng lượng. Con người không thể kiềm hãm được cái lưỡi, mà chỉ Đức Chúa Trời mới làm được điều ấy. Cái lưỡi của bạn không cần phải “bị lửa địa ngục đốt cháy” (Gia 3:6). Giống như những sứ đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, cái lưỡi có thể “bị lửa thiên đàng đốt cháy”! Nếu Đức Chúa Trời thắp lên ngọn lửa và điều khiển được lửa ấy, thì cái lưỡi có thể làm một công cụ mạnh mẽ để đưa tội nhân hư mất đến sự cứu rỗi và gây dựng Hội Thánh Chúa. Dĩ nhiên, yếu tố quan trọng chính là tấm lòng, vì “do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” (Mat 12:34). Nếu tấm lòng chất chứa những thù hận, Sa-tan sẽ thắp lên ngọn lửa. Nhưng nếu tấm lòng tràn ngập tình yêu thương, Đức Chúa Trời sẽ thắp lên ngọn lửa!