Không làm theo ý muốn Đức Chúa Trời (Gia 4:17)

Một phần của tài liệu gia-co_-_warren_w._wiersbe (Trang 56 - 57)

Đây là những người biết ý muốn Đức Chúa Trời nhưng không chịu vâng theo. Thái độ này còn kiêu ngạo hơn thái độ ban đầu, vì con người nói với Đức Chúa Trời: “Con biết Ngài muốn con làm gì, nhưng con không thích làm vậy. Về điều này, con biết rõ hơn Ngài!” “Chúng nó đã biết đường công bình, rồi lại lui đi về lời răn thánh đã truyền cho mình” (IIPhi 2:21).

Tại sao con người biết ý muốn Đức Chúa Trời nhưng lại cố tình không làm theo? Theo tôi, lý do là: lòng kiêu ngạo. Con người muốn khoe mình là kẻ làm chủ vận mệnh và điều khiển được linh hồn! Con người đã thực hiện được nhiều kỳ công nên cho rằng mình có thể làm được bất cứ điều gì.

Lý do thứ hai xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của con người về bản chất của ý muốn Đức Chúa Trời. Con người hành động như thể ý muốn Đức Chúa Trời là điều mình có thể tiếp nhận hoặc khước từ. Thật ra, ý muốn Đức Chúa Trời không phải là một sự lựa chọn, nhưng là một nhiệm vụ. Chúng ta không thể “tiếp nhận hoặc bỏ qua” theo ý mình. Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá còn chúng ta là vật thọ tạo của Ngài, nên chúng ta phải vâng lời Ngài. Vì Ngài là Đấng Christ còn chúng ta là con cái và tôi tớ Ngài nên chúng ta phải vâng lời Ngài. Xử sự ý muốn Đức Chúa Trời một cách thiếu nghiêm túc là đồng nghĩa với việc “rước” sự đoán phạt của Đức Chúa Trời vào đời sống chúng ta.

Nhiều người lầm tưởng ý muốn Đức Chúa Trời là con đường dẫn đến những đau khổ, nhưng thực tế ngược lại! Chính sự bất tuân ý muốn Đức Chúa Trời mới dẫn đến những đau khổ, bất hạnh. Kinh Thánh và từng trải của con người minh chứng cho chân lý này. Dù có Cơ Đốc nhân nào bất tuân ý Chúa mà dường như vẫn không gặp rắc rối gì trong đời sống, nhưng người ấy sẽ nói gì khi đối diện với Chúa? “Đầy tớ này đã biết ý chủ mình, mà không sửa soạn sẵn và không theo ý ấy, thì sẽ bị đòn nhiều. Nhưng đầy tớ không biết ý chủ, mà làm việc đáng phạt, thì bị đòn ít” (Lu 12:47-48).

Điều gì sẽ xảy ra cho những Cơ Đốc nhân cố tình làm trái ý muốn Đức Chúa Trời dù đã biết rõ? Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương sẽ quở phạt họ cho đến khi họ chịu đầu phục (He 12:5-11). Nếu người nào tin nhận Chúa mà không bị quở phạt, chứng tỏ người ấy chưa bao giờ được tái sinh. Đó chỉ là kẻ giả hình. Sự quở phạt của Đức Chúa Trời là bằng chứng của tình yêu Ngài, chớ không phải sự ghét bỏ. Như người cha trên đất đánh phạt con cái mình để chúng hiếu kính và vâng lời, thì Cha chúng ta trên trời cũng quở phạt con cái Ngài. Dù sự sửa phạt khiến con người khó lòng tiếp nhận, nhưng đó là chân lý khích lệ người tin Chúa nhận biết địa vị làm con cái của Cha trên trời.

Bất tuân ý muốn Chúa là nguy cơ đánh mất phần thưởng trên trời. Ở ICo 9:24-27 Phao-lô ví sánh Cơ Đốc nhân như vận động viên chạy thi trong trường đua. Để xứng đáng đón nhận mão triều thiên người ấy phải tuân theo mọi luật lệ của cuộc thi. Nếu ứng viên nào bị phát hiện đã phạm luật thi, người ấy sẽ bị đánh rớt và chuốc sự xấu hổ. Từ “bị bỏ” ở ICo 9:27 không đề cập đến việc đánh mất sự cứu rỗi, nhưng chỉ về việc đánh mất phần thưởng.

Bất tuân ý muốn Đức Chúa Trời dường như là điều chẳng mấy nghiêm trọng đối với con người hôm nay, nhưng nó sẽ nghiêm trọng khi Chúa tái lâm và xét đoán mọi việc chúng ta làm (Co 3:22-25).

Một phần của tài liệu gia-co_-_warren_w._wiersbe (Trang 56 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)