- Theo pháp luật của Mỹ thì GDBĐ cũng là giao dịch xác lập lợi ích bảo đảm. Tất cả các giao dịch dù theo hình thức nào, xác lập lợi ích bảo đảm trên động sản và vật gắn liền với bất động sản (Lê Thị Thu Thủy, Đỗ Minh Tuấn, 2016).
- Việc tổ chức quản lý và hoạt động giao dịch bảo đảm được diễn ra theo mô hình đăng ký tập trung đối với cầm cố động sản và đăng ký thế chấp bất động sản ở những cơ quan đăng ký quyền sở hữu bất động sản. Theo mô hình này, việc đăng ký thế chấp và đăng ký các lợi ích khác liên quan đến bất động sản được thực hiện tại chính cơ quan đăng ký quyền sở hữu bất động sản được tổ chức theo đơn vị hành chính lãnh thổ, còn việc cầm cố và các lợi ích khác liên quan đến động sản thì được đăng ký tại duy nhất một cơ quan trung ương với các chi nhánh đặt tại địa phương.
- Chủ thể tham gia giao dịch bảo đảm: Các bên tham gia GDBĐ bao gồm bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm (chủ nợ có bảo đảm). Ngoài ra trong thực tiễn giao dịch có bảo đảm còn xuất hiện những bên thứ ba như bên quản lý tài sản bảo đảm, người đại diện của bên nhận bảo đảm, bên xử lý tài sản mà không phải là bên nhận bảo đảm.
- Về biện pháp bảo đảm: Ở Mỹ cũng có các BPBĐ tồn tại dưới hình thức cầm cố, thế chấp, bảo lãnh… Theo pháp luật Mỹ thì biện pháp thế chấp chủ yếu được áp dụng cho bất động sản, quy định thế chấp là một BPBĐ trao cho bên nhận bảo lãnh một lợi ích trên bất động sản để bảo đảm cho một nghĩa vụ “Thế chấp được chứng minh bởi một chứng thư độc lập với hối phiếu nhận nợ hoặc hợp đồng vay nợ. Lợi ích bảo đảm dành cho người cầm giữ quyền tịch biên tài sản bảo đảm trong trường hợp không trả nợ hoặc quyền được thanh toán trước so với các chủ nợ có quyền ưu tiên thấp hơn…”. Như vậy, pháp luật của Mỹ không bắt buộc phải chuyển dịch quyền sở hữu bất động sản mà trao cho người nhận thế chấp quyền xử lý tài sản thế chấp và quyền ưu tiên thanh toán. Ở Mỹ cũng tồn tại khái niệm “ Đặc quyền”. Đặc quyền là một quyền hoặc lợi ích pháp lý mà chủ nợ có được trên một tài sản của một người khác tồn tại cho đến khi nghĩa vụ được bảo đảm bởi đặc quyền này được hoàn thành.
- Hiệu lực giao dịch bảo đảm: Áp dụng BPBĐ sẽ đem lại cho chủ nợ đặc quyền xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp phát sinh vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, để chủ nợ có thể thực thi được đặc quyền của mình đòi hỏi GDBĐ phải xác lập theo những căn cứ và thủ tục pháp lý nhất định. Pháp luật Mỹ đưa ra các phương thức “hoàn thiện GDBĐ” là: Đăng ký GDBĐ, chiếm hữu/kiểm soát tài sản bảo đảm, và GDBĐ tự động hoàn thiện áp dụng cho một số tài sản bảo đảm nhất định.
- Về quyền ưu tiên: Cũng như khoa học pháp lý trên thế giới đều thừa nhận một nguyên tắc chung trong việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán, đó là nguyên tắc “thứ tự về thời gian” pháp luật của Mỹ cũng quy định bên nhận bảo đảm đăng ký trước được hưởng quyền ưu tiên so với các bên nhận bảo đảm đăng ký sau trên cùng một tài sản bảo đảm.
- Việc xử lý tài sản bảo đảm: Trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán, chủ nợ buộc phải xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật cũng như thừa nhận quyền tự xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm mà không phải thông qua thủ tục tòa án. Tài sản bảo đảm có thể được bán, bên nhận bảo đảm nhận tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm nhận thanh toán từ bên thứ ba trong trường hợp tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ hoặc phương thức khác do các bên thỏa thuận. Tài sản bảo đảm phải được bán trong điều kiện thương mại hợp lý.