Từ khi luật Đất đai có hiệu lực ngày 01/7/2014 đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực quản lý đất đai theo cả hai hướng: vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với đất đai, vừa bảo đảm lợi ích tốt hơn cho người sử dụng đất, xét trên nhiều phương diện, cụ thể:
- Bảo đảm thiết thực về mặt lợi ích nói trên cho người sử dụng đất là đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có quyền lựa chọn hình thức công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Theo Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai năm 2013, quy định việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau: “Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này”.
Với việc quy định như trên, luật Đất đai năm 2013 đã tạo ra một cơ chế rất thuận lợi cho người sử dụng đất trong việc thực hiện các quyền của mình khi tiến hành các giao dịch liên quan đến đất đai. Thuận lợi đầu tiên có thể thấy đó là những trường hợp bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực được Luật quy định ít hơn nhiều so với những trường hợp được tùy nghi lựa chọn; thuận lợi thứ hai là khi buộc phải công chứng hoặc chứng thực thì đương sự lại có quyền lựa chọn việc đến các tổ chức hành nghề công chứng để yêu cầu công chứng hoặc đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để yêu cầu chứng thực. Hợp đồng được công chứng hoặc được chứng thực đều có giá trị pháp lý như nhau.
- Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ phạm vi tài sản bảo đảm, cụ thể tại Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 “người sử dụng đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất”.
- Việc đăng ký giao dịch bảo đảm “thế chấp quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất” được ghi vào trang 4 trang cuối cùng, hoặc trang bổ xung giấy
chứng nhận (theo Thông tư 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường) Điều này thể hiện sự minh bạch hoá quá trình dịch chuyển quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, khi tham gia các giao dịch bảo đảm, các bên (đặc biệt là bên nhận bảo đảm) có thể đánh giá được tình trạng của tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự khác chưa, đã được giải chấp chưa?