7. Tóm tắt phần mở đầu
2.3.2 Cơ sở đánh giá sự cố công trình
2.3.2.1. Nguyên nhân chủ yếu của sự cố:
Cùng với sự bùng nổ về việc xây dựng các công trình, nguy cơ xảy ra sự cố công trình xây dựng ngày càng tăng. Nhiều sự cố gây tổn thất kinh tế rất lớn và hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng con người, điển hình như: Kho, cảng Thị Vải, Hầm chui Văn Thánh, 2 nhịp cầu treo Cần Thơ, đường hầm Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí minh), đập Cửa Đạt (Thanh Hóa), mỏ đá D3 thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An)…
Theo ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc xảy ra sự cố trong các công trình xây dựng là khó tránh khỏi. Dù có đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của pháp luật, sự quan tâm của người quản lý, nhưng chỉ cần một sơ suất của người khảo sát, thiết kế, sự thiếu kiểm tra của người giám sát, sự vi phạm quy trình kỹ thuật của cán bộ, công nhân trực tiếp thi công… đều có thể dẫn đến sự cố.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, chất lượng công trình (CLCT) vẫn phụ thuộc chủ yếu vào quá trình thiết kế và thi công. Ông Bùi Trung Dung - Phó cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về CLCT xây dựng cho rằng, hầu hết các sự cố công trình đều có nguyên nhân từ năng lực của nhà thầu không thoả mãn quy mô công trình.
Còn theo PGS.TS Trần Chủng, ngoài các nguyên nhân cơ bản trong khảo sát, thiết kế… giai đoạn thi công đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng hiện nay, nhiều nhà thầu đã hạ cấp chất lượng vật liệu do bỏ thầu thấp hơn rất nhiều so với chi phí cần thiết. Việc hạ cấp chất lượng vật liệu rất khó kiểm soát khi không có các mô hình giám sát quản lý chất lượng hiệu quả
Có nhiều cách phân loại các nguyên nhân để có thể thống kê, phân tích tổng hợp. Theo tôi, cần phân loại các nguyên nhân theo các giai đoạn hoạt động xây dựng và các yếu tố khách quan và chủ quan như sau:
Năng lực nhà thầu thi công không đáp ứng, nhà thầu có hệ thống quản lý chất lượng chưa đạt, năng lực chuyên môn của tư vấn giám sát công trình và nhà thầu kém. Sử dụng các nguồn vật liệu xây dựng không theo chỉ dẫn yêu cầu kỹ thuật của thiết kế. Không áp dụng công nghệ thi công phù hợp, không tính toán lường trước khả năng điều kiện sử dụng. Biện pháp thi công không được phê duyệt chi tiết dẫn đến việc xảy ra sự cố ngoài ý muốn.
2.3.2.2. Phân loại sự cố:
Để cho việc tổng hợp, phân tích rút kinh nghiệm được hiệu quả, cần phải phân loại sự cố theo các dạng như sau:
- Sự cố sập đổ theo hạng mục công trình hoặc toàn bộ công trình. - Sự cố sai lệch vị trí hình học.
- Sự cố phần ngầm của công trình: Gồm chất lượng cường độ bê tông móng, gia cố nền móng.
- Sự cố khả năng chịu tải của kết cấu: do tính toán khả năng chịu lực không đúng, do thi công đặt thép không đúng thiết kế và yêu cầu chỉ dẫn kỹ thuật …)
- Sự cố nứt: do tiết diện các cấu kiện kết cấu không đảm bảo (bê tông khối lớn không đủ hàm lượng thép, diện tích bề mặt xây lớn,….)
- Sự cố liên quan đến biện pháp thi công không chi tiết, rõ ràng.
- Sự cố an toàn lao động (điện giật, ngã dàn giáo, đổ tường, sạt lở, đổ cẩu…) 2.3.2.3. Một số hình ảnh sự cố công trình tại Việt Nam:
+ Sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ do lún lệch đài móng trụ tạm vào ngày 26 tháng 9 năm 2007:
Theo PGS.TS Trần Chủng - Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng: Cầu Cần Thơ xảy ra sự cố là do hệ thống giàn giáo đã bị chuyển vị trong lúc công tác bê tông của cầu chỉ mới đổ và chưa đạt đến cường độ ninh kết của bê tông, chưa đủ độ liên kết.
Sự cố thảm khốc này hoàn toàn tránh được nếu các nhà thầu khoan thăm dò địa chất kỹ lưỡng khu vực móng trụ tạm và tổ chức thử tải nghiêm túc trước khi đưa hệ trụ tạm vào vận hành. Tuy nhiên, ngay trong tiêu chuẩn xây dựng cầu của Mỹ cũng không bắt buộc phải khoan thăm dò nhiều mũi cho một vị trí trụ tạm. Trong quá trình thu thập hồ sơ, Ủy ban điều tra phát hiện một lá thư của chủ đầu tư ngày 07 tháng 3
năm 2007 có yêu cầu thử tải. Tuy nhiên, lá thư không nói rõ phải thử ở những trụ nào. Thực tế, ngày 11 tháng 3 năm 2007, nhà thầu có thử tải nhưng ở vị trí khác nhưng đến tháng 8 năm 2017, khi thi công móng trụ họ lại không thử tải nữa. Dự án cầu Cần Thơ nơi xảy ra sự cố do Công ty Liên doanh TNK Nhật Bản (Taisei - Kajima - Nippon) thi công.
Hình 2.1
+ Sự cố sập giàn giáo Toà nhà Kim Minh tại thành phố Vũng Tàu:
Khoảng 9 giờ 30 ngày 11 tháng 6 năm 2016 tại công trình xây dựng tòa nhà Kim Minh House, tại ngã tư Ba Cu - Trần Hưng Đạo, phường 1, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xảy ra vụ sập giàn giáo khiến 2 công nhân tử vong và 2 công nhân khác thị thương. Theo ông Đặng Văn Tàu - Chủ đầu tư cho biết giàn giáo bị sập được tiến hành đổ bê tông vào lúc 4 giờ sáng, theo đúng kế hoạch sẽ đổ 6 xe, tuy nhiên khi đổ xong xe thứ 6 thì xảy ra vụ tai nạn. Đây là công trình nhà ở 5 tầng và 1 tầng hầm, tổng diện tích xây dựng 1.604m2, chiều cao 20,5m. Toàn bộ công trình đã được chủ đầu tư mua bảo hiểm với giá khoảng 20 tỷ đồng. Công trình được khởi công vài tháng thì xảy ra sự cố.
Trực tiếp kiểm tra, ông Phan Vũ Anh, Trưởng phòng Giám định 1 - Cục Giám định Nhà nước nhận định, đơn vị thi công thiếu chuyên nghiệp, không tính được sự ổn định của giàn giáo. Ông cũng chỉ ra những nguy cơ tai nạn khi các trụ bê tông còn lại của tòa nhà bị nghiêng và đề nghị lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu phải lên các phương án khắc phục.
Hình 2.2
+ Sự cố sập giàn giáo ở Trường Cao đẳng nghề tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2017:
Sự cố xãy ra lúc 08 giờ 45 phút ngày 22 tháng 3 năm 2017 tại Trường Cao đẳng nghề tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2017 trên đường 3/2, phường 11, thành phố Vũng Tàu. Đây là công trình cổng vòm của Trường Cao đẳng nghề tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại hiện trường, cổng trường dài khoảng 40 mét, cao khoảng 7 mét, khi thi công phần chóp của công trình thì hệ thống giàn giáo bất ngờ đổ sập, khiến 6 công nhân bị thương. Đơn vị thi công công trình là Công ty TNHH Hiệp Thành, đơn vị giám sát là Công ty Cổ phần Tư vấn Kiểm định tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hình 2.3