Kiến nghị sửa đổi, bổ sung khái niệm pháp lý về người bị hại

Một phần của tài liệu Luận án Quyền của người bị hại trong tố tụng hình sự Việt nam (Trang 143 - 144)

Nhiều vướng mắc về lý luận và thực tiễn trong thực hiện quyền của NBH là do khái niệm pháp lý về NBH qui định tại Điều 51 còn nhiều thiếu sót. Vì vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung, sửa đổi khái niệm NBH (Điều 51) trong BLTTHS như sau:

“Điều 51. Người bị hại

1. NBH là cá nhân, tổ chức bị tội phạm trực tiếp gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc các quyền và lợi ích hợp pháp khác.

NBH được cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền công nhận khi xác định có dấu hiệu thiệt hại”.

2…”

Cụ thể, các kiến nghị mà chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung về khái niệm NBH qui định tại Điều 51 BLTTHS bao gồm:

Thứ nhất, quy định bổ sung chủ thể tổ chức trong khái niệm NBH.

Tổ chức (bao gồm tổ chức có tư cách pháp nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân) bị tội phạm trực tiếp gây thiệt hại là “NBH” và có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của NBH. Do cách hiểu thu hẹp nghĩa của khái niệm NBH, không công nhận pháp nhân là NBH, đã vi phạm đến nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án. Hạn chế này dẫn đến hệ quả là pháp nhân không được sử dụng quyền của NBH mà phải có đơn mới được tham gia với tư cách là nguyên đơn dân sự, gây bất bình đẳng giữa người tham gia tố tụng là cá nhân và pháp nhân. Hơn nữa, thực tế ở Việt Nam hiện nay, như đã phân tích tại Chương 3, khi có xung đột do quan điểm NBH không thể là pháp nhân không giải quyết được, nhiều địa phương trong quá trình giải quyết VAHS đã thừa nhận các công ty. Đây cũng là kinh nghiệm lập pháp tiến bộ của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nga.

Thứ hai, đề nghị bổ sung dấu hiệu “bị tội phạm trực tiếp gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại”.

Việc phân chia những người bị thiệt hại do tội phạm gây ra thành hai chủ thể độc lập là “NBH” với “nguyên đơn dân sự” là một trong những đặc điểm của luật TTHS Việt Nam. Vì thế, cần thiết bổ sung dấu hiệu “bị tội phạm trực tiếp gây ra thiệt hại” đối

với NBH nhằm phân biệt NBH với nguyên đơn dân sự. Riêng dấu hiệu “bị đe dọa gây ra thiệt hại” được bổ sung có ý nghĩa xác định đầy đủ hơn phạm vi những chủ thể được coi là NBH. Bởi vì sẽ có những NBH mặc dù chưa có thiệt hại nhưng khả năng thực tế sẽ bị thiệt hại nếu không được ngăn chặn kịp thời. Những người chỉ bị đe dọa gây ra thiệt hại có khả năng cung cấp thông tin về vụ án với địa vị pháp lý NBH mà không thể là người làm chứng theo luật TTHS Việt Nam. Kiến nghị này phù hợp với ý kiến của đa số những cán bộ hoạt động thực tiễn.

Thứ ba, đề nghị bổ sung quy định “NBH được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng công nhận khi xác định có dấu hiệu thiệt hại”.

Để đảm bảo quyền của NBH, các cơ quan có thẩm quyền THTT, cụ thể là CQĐT và một số cơ quan có thẩm quyền điều tra khác có nghĩa vụ công nhận tư cách NBH khi xác định sơ bộ có dấu hiệu thiệt hại do tội phạm gây ra. Khoảng thời gian có thể tiến hành công nhận tư cách NBH hợp lý là sau khi khởi tố VAHS cho đến trước ngày quyết định đưa vụ án ra xét xử. Việc thừa nhận NBH phải được thể hiện bằng văn bản (thông báo hoặc quyết định), trong đó có nêu rõ họ tên, là NBH trong vụ án gì, quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quy định pháp luật. Trước khi vụ án được khởi tố không thể xác định bất kỳ một tư cách tố tụng nào. Sau khi vụ án được khởi tố NBH cần được sự công nhận chính thức bằng văn bản về tư cách tham gia tố tụng để họ chủ động thực hiện các quyền tố tụng đồng thời cũng phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật TTHS. Người bị thiệt hại không thể chờ cho đến khi cơ quan THTT triệu tập để lấy lời khai, lúc đó mới xác định tư cách tham gia tố tụng là NBH và được giải thích quyền, nghĩa vụ. Kiến nghị bổ sung hình thức công nhận và nghĩa vụ công nhận NBH từ phía cơ quan THTT sẽ khắc phục được tình trạng người bị thiệt hại bị “bỏ quên”, không được triệu tập tham gia tố tụng mà họ cũng không thể biết mình có quyền tham gia tố tụng không, với địa vị tố tụng gì.

Một phần của tài liệu Luận án Quyền của người bị hại trong tố tụng hình sự Việt nam (Trang 143 - 144)