Các quyền của người bị hại và phân loại quyền của người bị hại trong tố tụng hình sự Việt

Một phần của tài liệu Luận án Quyền của người bị hại trong tố tụng hình sự Việt nam (Trang 79 - 80)

tụng hình sự Việt Nam

Các quyền và nghĩa vụ của NBH trong TTHS Việt Nam chủ yếu được qui định tại Bộ luật TTHS 2003, trong đó tập trung nhất là qui định tại Điều 51 (qui định về NBH và quyền, nghĩa vụ của NBH), Điều 59 (nhờ người bảo vệ quyền lợi), Điều 68 (lời khai của NBH), Điều 105 (khởi tố VAHS theo yêu cầu của NBH), Điều 191 (sự có mặt của NBH tại phiên tòa), Điều 207 (quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa xét hỏi), Điều 210 (hỏi người bị hại), Điều 231 (quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm). Trong BLTTHS 2003, NBH còn được nhắc đến trong tổng số 31/346 điều luật (chiếm 8,95%). Tuy nhiên các điều luật này không thể hiện rõ vai trò, địa vị pháp lý cũng như không khẳng định được quyền tố tụng của NBH. Ngoài ra, NBH và quyền của NBH trong TTHS còn được qui định rải rác ở các văn bản pháp luật khác có liên quan như đã được đề cập ở phần e, mục 2.3.2.1 nêu trên.

Như phần tổng quan đã phân tích, hiện chưa có nhiều công trình nghiên cứu về các quyền và nghĩa vụ của NBH, việc phân loại các quyền, nghĩa vụ của NBH hầu hết cũng chỉ mới dựa vào qui định tại Khoản 2 Điều 51 BLTTHS 2003. Việc này dẫn đến kết quả là các quyền của NBH không được thống kê đầy đủ, bỏ sót các quyền của NBH. Ví dụ như tại công trình nghiên cứu mới nhất hiện nay về NBH là Luận án tiến sĩ luật học của Lê Nguyên Thanh: “Người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong TTHS Việt Nam” (2012). Công trình này có thống kê và phân loại các quyền, nghĩa vụ của NBH trong TTHS thành 4 loại, bao gồm: (1) Quyền buộc tội, (2) Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, (3) Nghĩa vụ khai báo trung thực, và (4) Các quyền và nghĩa vụ khác của NBH, bao gồm: quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; quyền tham gia phiên tòa; quyền phát biểu, tranh luận tại phiên tòa; quyền được thông báo kết quả điều tra, quyền đề nghị thay đổi người THTT, quyền khiếu nại các quyết định, hành vi của cơ quan THTT, người THTT, quyền có người đại diện hợp pháp; quyền nhờ người bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.

Theo đánh giá của chúng tôi, cách phân loại và đánh giá các quyền của NBH như trên là chưa đầy đủ, vẫn còn bỏ sót rất nhiều quyền của NBH. Để giúp tiếp cận đúng, đầy đủ và sâu sắc hơn các quyền của NBH, chúng tôi phân loại NBH dựa theo 2 cách tiếp cận khác nhau: Tiếp cận theo trình tự tham gia tố tụng và tiếp cận dựa trên quyền.

Một phần của tài liệu Luận án Quyền của người bị hại trong tố tụng hình sự Việt nam (Trang 79 - 80)