Chủ thể của quyền được xác định là NBH và những người có các quyền của NBH. Bao gồm:
+ NBH: Là người bị hành vi tội phạm trực tiếp gây thiệt hại, được Cơ quan THTT công nhận là NBH.
+ Người đại diện hợp pháp của NBH là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất (sau đây gọi tắt là người đại diện hợp pháp của NBH)
Về NBH đã được Luận án định nghĩa và phân tích các đặc điểm tại các mục 2.1. Đối vớingười đại diện hợp pháp của NBH cần làm rõ thêm một số vấn đề sau:
Người đại diện hợp pháp của NBH là người mà theo quy định của pháp luật hoặc theo uỷ quyền họ tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NBH hoặc của chính bản thân họ. Người đại diện hợp pháp của NBH phải là một con người cụ thể chứ không thể là cơ quan, tổ chức. Họ phải là người đã thành niên và đủ năng lực hành vi để tham gia tố tụng và không thuộc trường hợp pháp luật cấm.
Thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp Toà án xác định người đại diện hợp pháp của NBH không đúng nên bản án đã bị Toà án cấp phúc thẩm hoặc Toà án cấp giám đốc thẩm huỷ để xét xử lại như: xác định một người mới 9 tuổi là người đại diện hợp pháp của NBH đã chết; xác định anh, chị, em ruột của NBH là người đại diện hợp pháp, trong khi NBH đã chết nhưng còn có vợ hoặc chồng, bố, mẹ hoặc con đã thành niên; xác định không đầy đủ người đại diện hợp pháp của NBH trong trường hợp có nhiều cùng là người đại diện hợp pháp và những người này không uỷ quyền cho bất cứ người nào làm đại diện như: chỉ xác định một người là người đại diện hợp pháp của NBH, trong khi còn có những người khác cũng là người đại diện hợp pháp đương nhiên của NBH.v.v…
Người đại diện hợp pháp của NBH bao gồm: Người đại diện đương nhiên và người đại diện do được uỷ quyền.
+ Người đại diện hợp pháp đương nhiên của NBH: Người đại diện hợp pháp đương nhiên của NBH là người mà theo pháp luật họ đương nhiên được tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NBH hoặc của chính bản thân họ.
Theo quy định của BLTTHS thì trong các trường hợp NBH chết, NBH là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì phải có người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích của NBH hoặc của chính bản thân người đại diện.
+ Người đại diện hợp pháp theo uỷ quyền của NBH: Người đại diện hợp pháp của
NBH theo uỷ quyền là người được NBH hoặc người đại diện hợp pháp đương nhiên của NBH uỷ quyền tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NBH hoặc của chính mình.
Khác với người đại diện hợp pháp dương nhiên của NBH, người đại diện hợp pháp theo uỷ quyền khi tham gia tố tụng chỉ được thực hiện những quyền và nghĩa vụ trong phạm vị được uỷ quyền. NBH hoặc Người đại diện hợp pháp đương nhiên có thể uỷ quyền toàn bộ quyền và nghĩa vụ của mình cho người đại diện hợp pháp được uỷ quyền, nhưng cũng có thể chỉ uỷ quyền một số quyền và nghĩa vụ nhất định. Đây là vấn đề thực tiễn xét xử các Toà án thường mắc sai lầm, cứ cho rằng NBH hoặc người đại diện hợp pháp dương nhiên đã uỷ quyền cho người khác thì người được uỷ quyền có tất cả các quyền và nghĩa vụ của người đã uỷ quyền nên khi giải quyết vụ án đã không chú ý đến phạm vi được uỷ quyền.
Trường hợp có nhiều NBH hoặc nhiều người đại diện hợp pháp đương nhiên của NBH, trong đó có người uỷ quyền cho người khác có người tự mình tham gia tố tụng thì người được uỷ quyền chỉ được thực hiện phạm vi quyền và nghĩa vụ của người đã uỷ quyền cho mình, chứ không được thực hiện quyền và nghĩa vụ của tất cả những người đại diện đương nhiên của NBH.