Đánh giá nguyên nhân của thực trạng bất cập trong bảo đảm quyền của NBH chúng tôi cho rằng nguyên nhân chính, cơ bản nhất là do xuất phát từ chính nhận thức không đầy đủ về quyền cuả người bị hại từ chính cơ quan lập pháp, từ phía cơ quan THTT, người THTT và từ chính NBH.
4.1.1.1. Từ phía cơ quan lập pháp
Chúng tôi cho rằng từ phía cơ quan lập pháp, các nhà làm luật ở Việt Nam hiện nay chưa nhận thức đầy đủ lý luận về quyền của NBH cũng như tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về quyền của NBH. Do chính lý luận về mục tiêu của hệ thống tư pháp hình sự ở Việt Nam chưa hướng đến NBH mà chỉ tập trung vào việc nhằm chứng minh tội phạm, chứng minh người phạm tội và đấu tranh phòng, chống, thông qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và công dân.
4.1.1.2. Từ phía người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng
Điều tra viên trong quá trình chứng minh, tìm sự thật VAHS chỉ chú trọng đến bị can, lỗi của bị can, cũng như diễn biến quá trình, hành vi phạm tội. NBH vì thế, trong quan niệm của người THTT, đóng vai trò như là một “đối tượng tác động nhằm gây thiệt hại” của hành vi phạm tội.
Phần lớn ĐTV và KSV vì muốn thuận lợi cho hoạt động tố tụng của mình, không muốn mất thời gian nên chỉ “quan tâm” và triệu tập NBH khi cần lời khai của họ như là một nhân chứng mà không thực hiện các nghĩa vụ như: không thông báo kết quả điều tra, không ghi nhận và thực hiện các yêu cầu điều tra từ phía NBH. CQĐT thường quan
niệm NBH như là một “nguồn chứng cứ trực tiếp” và “phổ biến” phục vụ đắc lực cho việc chứng minh tội phạm; NBH là chủ thể “có nghĩa vụ khai báo”, hơn là một “chủ thể mang quyền”; NBH là người “phải có mặt khi có giấy triệu tập” hơn là một chủ thể “được tham gia vào quá trình giải quyết VAHS” để được yêu cầu bồi thường do những thiệt hại mà tội phạm đã gây ra cho họ.
Trong khi đó, thẩm phán trong quá trình xét xử cũng không quan tâm nhiều đến quyền tham gia phiên tòa của NBH, phần giải thích quyền và nghĩa vụ của người TGTT cũng chỉ quan tâm đến quyền và nghĩa vụ của Bị cáo. Nếu được triệu tập tham gia, NBH cũng ít có cơ hội được trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa, thường thì họ chỉ được hỏi về yêu cầu bồi thường thiệt hại. NBH hầu như không được Thẩm phán đề nghị đối đáp trong phần tranh luận về việc truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như đánh giá thiệt hại như một bên tranh tụng.
Các nguyên nhân dẫn đến nhận thức hạn chế của ĐTV, KSV và cán bộ tòa án về quyền của NBH thường do:
+ Người tiến hành tố tụng không được đào tạo và hiểu biết về quyền con người trong TTHS, trong đó có yêu cầu bảo đảm quyền của NBH.
+ Người tiến hành tố tụng quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm, coi thường NBH và quyền của NBH.
+ Thiếu qui định ràng buộc, không có cơ chế về trách nhiệm bảo đảm thực hiện các quyền của NBH.
4.1.1.3. Từ phía người bị hại
Hạn chế về nhận thức quyền của NBH biểu hiện rõ nhất là NBH không ý thức được mình là một chủ thể có quyền (quyền nhiều hơn nghĩa vụ) khi tham gia tố tụng. Tâm lý “sợ sệt”, né tránh tội phạm đồng thời phải “mang ơn” ĐTV, KSV, cán bộ tòa án và cơ quan THTT có tính phổ biến khi NBH tham gia TTHS. Hầu hết NBH không nhận thức hết được quyền và nghĩa vụ của mình trong TTHS nên khá thụ động khi tham gia tố tụng. Một phần nguyên nhân là do NBH và nguyên đơn dân sự không được giải thích quyền, nghĩa vụ một cách đầy đủ, kịp thời, mặt khác trình độ hiểu biết pháp luật hạn chế nên họ e ngại tiếp xúc với cơ quan tiến hành tố tụng. Vì thế, người hại và nguyên đơn dân sự không chủ động cung cấp thông tin về vụ án và không biết để thực hiện quyền
hoặc đòi hỏi thực hiện quyền của mình.