Tiếp cận theo trình tự tham gia tố tụng

Một phần của tài liệu Luận án Quyền của người bị hại trong tố tụng hình sự Việt nam (Trang 80 - 81)

Theo các qui định tại các văn bản pháp luật hiện hành, các quyền và nghĩa vụ của NBH trong TTHS Việt Nam được nghiên cứu và phân loại dựa vào trình tự tham gia tố tụng (hoặc theo các giai đoạn của TTHS) chủ yếu phân loại dựa vào qui định tại Điều 51, BLTTHS 2003, gồm:

- Trong giai đoạn khởi tố VAHS, NBH có các quyền: Quyền tố giác tội phạm, được thông báo kết quả giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm; Quyền yêu cầu khởi tố, quyền rút yêu cầu khởi tố VAHS (đối với một số trường hợp được qui định tại Điều 105, BLTTHS)

- Trong giai đoạn điều tra VAHS, NBH có các quyền: Quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch; được thông báo về kết quả điều tra.

- Trong giai đoạn xét xử và thi hành án, NBH có các quyền: Tham gia phiên toà; trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên toà và/ hoặc trình bày lời buộc tội tại phiên toà (đối với trường hợp NBH có yêu cầu khởi tố VAHS); quyền đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; kháng cáo bản án, quyết định của Toà án về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bị cáo.

- Ngoài ra, NBH có nghĩa vụ khai báo và nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập trong suốt quá trình tham gia tố tụng.

Theo đánh giá của chúng tôi, cách phân loại quyền và nghĩa vụ dựa vào trình tự tố tụng như trên có ưu điểm là dễ theo dõi và so sánh trong trình tự giải quyết VAHS. Tuy nhiên, cách tiếp cận phân loại này lại bỏ sót một số quyền rất quan trọng mang tính cơ bản và được bảo đảm suốt quá trình TTHS của NBH như: quyền được công nhận là NBH, quyền được tham gia vào tiến trình giải quyết VAHS, quyền được bảo vệ, quyền được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu trong bất kỳ giai đoạn nào của tố tụng.v.v… Đây là cách tiếp cận mà chúng tôi gọi là “nhìn thấy cây, mà không thấy rừng”, nó giúp nhận diện ngay một số quyền tiêu biểu ở tại một giai đoạn tố tụng đặc thù nhưng lại dễ bỏ sót các quyền tố tụng mang tính cơ bản và thiết thân đối với NBH.

Một phần của tài liệu Luận án Quyền của người bị hại trong tố tụng hình sự Việt nam (Trang 80 - 81)