Đại nam thực lục tiền biên q. 12, lại nói rằng khi Nguyễn Huệđánh Gia Định, Nguyễn Phúc Dương sai Lý Tài đem quân ra Hóc Môn để cự chiến.
Ở đây chúng tôi theo tài liệu của liệt truyện mà không theo thực lục. Bởi vì thủy quân của Nguyễn Huệ từ phía cửa biển Cần Giờ, tức là từ phía đông nam Sài Gòn tiến đánh Sài Gòn, mà Lý Tài lại đem quân ra Hóc môn, ở phía tây bắc cách Sài Gòn 20 ki-lô-mét để nghênh chiến thì không hợp lý. Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí nói rằng thủy quân của Nguyễn Huệ đã
đóng ở Bến Nghé, đương tiến công thành Gia Định, mà Lý Tài lại đem quân chủ lực ra Hóc Môn
đểđón đánh bộ binh Tây Sơn ở phía Trần Biên tiếp xuống. Điều đó cũng không hợp lý.
Nguyễn Huệ vào thành Gia Định và cho một đạo quân tiến về phía Hóc Môn truy kích bọn Lý Tài, Nguyễn Phúc Dương. Tại đây, trong khi Lý Tài đang tác chiến tuyệt vọng với quân Tây Sơn thì ở phía sau lưng, một đạo quân khác lao mình tiến tới. Lý Tài hoảng sợ, cho là Đỗ Thanh Nhân đem quân Đông Sơn đến đánh úp mình, vội vàng đem quân bản bộ chạy khỏi Hóc Môn, bỏ mặc Nguyễn Phúc Dương, Nguyễn Phúc Thuần ở lại đối phó với nghĩa quân Tây Sơn. Nhưng đạo quân mới tới lại chính là quân Nguyễn. Tướng Nguyễn Trương Phúc Thận đem quân từ Cần Vọt (Kampot) đi gấp về Gia Định để cứu viện cho bọn chúa Nguyễn và Lý Tài. Được quân Trương Phúc Thận tới cứu, Nguyễn Phúc Dương và Nguyên Phúc Thuần cùng Trương Phúc Thận chạy về Tranh Giang (thuộc Định Tường).
Đạo quân Lý Tài sau khi rời khỏi trận địa Hóc Môn, không còn con đường nào khác ngoài con đường chạy về phía Ba Giòng, vì các ngảđường đều bị quân Tây Sơn chặn giữ. Mà chạy về Ba Giòng thì nguy hiểm cho Lý Tài, vì Ba Giòng là căn cứ của quân Đông Sơn. Nhưng cùng đường, Lý Tài đánh liều đem quân chạy về phía Ba Giòng, và quả nhiên, chạy gần tới Ba Giòng, quân Lý Tài bị quân Đông Sơn đón
đánh và tiêu diệt gọn. Lý Tài cũng bị giết chết. Sau khi tiêu diệt quân Lý Tài, Đỗ
Thanh Nhân cùng Nguyễn Ánh đem 4.000 quân Đông Sơn đi tìm bọn chúa Nguyễn. Gặp quân Đông Sơn, Nguyễn Phúc Thuần liền tách khỏi bọn Nguyễn Phúc Dương,
26
đi theo quân Đông Sơn về Tài Phụ (thuộc Định Tường) và trao quyền tướng súy cho
Đỗ Thanh Nhân.
Lý Tài đã chết, mối xung đột trong nội bộ chúa và tướng nhà Nguyễn tạm hòa hoãn. Đỗ Thanh Nhân và Nguyễn Phúc Thuần chủ trương phối hợp tác chiến với Trương Phúc Thận và Nguyễn Phúc Dương. Kế hoạch dự định là: hai cánh quân lấy sông Tranh Giang làm ranh giới dựa lưng vào nhau để cùng chống đỡ cuộc tiến công của quân tây Sơn.
Trương Phúc Thận và Nguyễn Phúc Dương chỉ huy hướng Tranh Giang. Nguyễn Phúc Thuần chỉ huy hướng Tài Phụ, Đỗ Thanh Nhân đóng quân tại Giá Khê. Tháng Tư âm lịch, Nguyễn Huệ cho quân tiến đánh cả hai hướng: Tài Phụ và Tranh Giang. Tại mặt trận Tài Phụ, quân Đông Sơn đại bại. Nguyễn Phúc Thuần chạy bạt sang Long Hưng (thuộc Định Tường). Từ Giá Khê, Đỗ Thanh Nhân cũng
đem quân chạy theo sang Long Hưng.
Trước sức truy kích mạnh mẽ của nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Phúc Thuần và
Đỗ Thanh Nhân phải chạy sang Cần Thơ mong dựa vào quân đội của Mạc Thiên Tứ đểđối phó với quân Tây Sơn.
Tại mặt trận Tranh Giang, Nguyễn Phúc Dương và Trường Phúc Thận cũng không đương nổi sức tiến công mãnh liệt của nghĩa quân Tây Sơn và phải rút chạy xuống Trà Tân (thuộc Định Tường) rồi cùng thủy quân do chưởng cơ Thiêm Lộc chỉ
huy rút về Ba Việt (tức Ba Vát, ở phía bắc cù lao Mỏ Cày, trên sông Cái Mơng, thuộc địa phận tỉnh Bến Tre ngày nay). Tại đây, Nguyễn Phúc Dương cử Tống Phước Hựu đem quân giữ Mỹ Lung, Thiêm Lộc giữ Hương Đôi, còn Nguyễn Phúc Dương và Tống Phước Hòa đóng quân tại Ba Việt.
Ở phía Cần Thơ, sau khi Nguyễn Phúc Thuần chạy tới, Mạc Thiên Tứ cho con là Mạc Tử Duyên đem quân tiến ra đạo Đông Khẩu nhằm chặn đứng cuộc tiến công vũ
bão của quân Tây Sơn. Nhưng Mạc Tử Duyên đã thất bại nặng nề, phải chạy về Cần Thơ, cùng Mạc Thiên Tứ lo kế phòng thủ1
. Quân của Mạc Thiên Tứ cũng như quân
Đông Sơn của Đỗ Thành Nhân và toàn thể quân Nguyễn ở Gia Định, đều khiếp sợ
tinh thần và sức mạnh chiến đấu của quân đội Nguyễn Huệ và sợ cả một thứ vũ khí riêng của quân đội Nguyễn Huệ là hỏa hổ.
Giữa lúc chiến tranh đương diễn ra ác liệt như thế, một giáo sĩ ở Gia Định đã viết thư truyền tin cho giáo hội của họ biết về thứ vũ khí lợi hại đó. Theo miêu tả của giáo sĩ này thì hỏa hổ giống như một cái lao2, gồm hai bộ phận. Một bộ phận tựa như
một cái gậy ngắn làm bằng loại gỗ cây có nhiều gai dài, những gai đó được uốn cong như những lưỡi câu. Gậy gai lưỡi câu ấy buộc nối vào một bộ phận thứ hai, dài như
cái sào. Phía trên đầu sào trát dày một thứ nhựa đốt, bên ngoài quấn lá, làm thành một thứ đuốc đặc biệt, vừa là đuốc vừa là lao. Khi ra trận, nghĩa quân đốt đầu đuốc nhựa và khua sào ra phía trước, nhựa đuốc đốt cháy, vung bắn vào địch, bắt cháy,
địch sẽ bị chết cháy, nếu không thì cũng bị cháy bỏng nghiêm trọng. Khi tới gần
địch, nghĩa quân khua sào, lao đầu gậy gai lưỡi câu vào người địch, gai lưỡi câu móc vào quần áo địch. Địch lúng túng không gỡ ra được, đành chịu chết cháy vì nhựa
đuốc hoặc đành để nghĩa quân bắt sống tại trận3.
Thấy Mạc Thiên Tứ không thể đương đầu nổi với nghĩa quân Tây Sơn. Nguyễn Phúc Thuần sai Đỗ Thanh Nhân và thuộc tướng Nguyễn Quân tìm đường lẻn ra Bình
27
Thuận, Phú Yên, gọi bọn Chu Văn Tiếp, Trần Văn Thức vào cứu. Tháng Bảy âm lịch, Đỗ Thanh Nhân tới Bình Thuận, Trần Văn Thức đem quân tiến vào cứu bọn chúa Nguyễn. Chu Văn Tiếp ở lại Bình Thuận đối phó với bộ binh Tây Sơn đang
đánh phá suốt miền Phú Yên, Bình Thuận, Biên Hòa... Nhưng quân cứu viện của Trần Văn Thức chưa ra khỏi địa phận Bình Thuận thì bộ binh Tây Sơn ở phía Biên Hòa đã tiến lên chặn đánh và tiêu diệt toàn bộđạo quân cứu viện này.
---