Hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo

Một phần của tài liệu Xây dựng sự tự tin cho trẻ 4 - 5 tuổi thông qua hoạt động vui chơi tại các trường mầm non quận Cẩm Lệ thành phố Đà Nẵng (Trang 28 - 33)

8. Cấu trúc luận văn

1.3.1. Hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo

Hoạt động vui chơi là một trong các loại hoạt động của trẻ ở trường mầm non, là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo được người lớn tổ chức hướng dẫn nhằm giúp trẻ thỏa mãn các nhu cầu vui chơi và nhận thức, đồng thời nhằm giáo dục và phát triển toàn diện cho trẻ ở lứa tuổi này.

Các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng, vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo. Đó là hoạt động phù hợp với nhu cầu, khả năng và hứng thú của trẻ đồng thời nó tạo nên những nét tâm lý đặc trưng cho lứa tuổi. Trong hoạt động vui chơi trẻ chơi nhiều loại trò chơi khác nhau như: trò chơi đóng vai theo chủ đề, trò chơi đóng kịch, trò chơi xây dựng, lắp ghép, trò chơi học tập…trong đó trò chơi đóng vai theo chủ đề là trò chơi trung tâm của trẻ.

1.3.1.1. Nguồn gốc và bản chất của hoạt động vui chơi.

Chơi là hoạt động rất tự nhiên trong cuộc sống của mỗi người, nó đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em. Không chơi trẻ không thể phát triển, không chơi đứa trẻ chỉ tồn tại chứ không phải là đang sống đó là một thực tế mang tính quy luật.

Hoạt động vui chơi chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tuổi thơ của mỗi người. Chính vì lẽ đó mà hoạt động vui chơi từ lâu đã lôi cuốn, thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau: Sinh học, xã hội học, tâm lý học, giáo dục học…họ cùng đi tìm lời giải đáp như: Chơi là gì? Nó có nguồn gốc từ đâu? Kết quả nghiên cứu của một số nhà khoa học trên thế giới như:

G.V. Plekhanov, Đ.B. Elcônhin, F.Siller, V.Vunt, K. Groos, S.Hall… cho thấy chơi là hoạt động của con người, xuất hiện trong đời sống xã hội từ xa xưa. Song việc giải thích về nguồn gốc và bản chất của trò chơi theo nhiều hướng khác nhau.

Nhiều nhà tâm lý học tiến bộ trên thế giới, đứng đầu là các nhà tâm lý học mác xít cho rằng, hoạt động vui chơi của trẻ em mang bản chất xã hội, nó phản ánh lao động và cuộc sống của người lớn, coi trò chơi là sợi dây nối liền các thế hệ với nhau để truyền đạt kinh nghiệm và văn hóa từ đời này sang đời khác. Hoạt động vui chơi xuất hiện sau lao động và trên cơ sở của lao động, cùng với sự thay đổi vị trí của chính trẻ em trong các mối quan hệ xã hội. Từ đó trò chơi được coi là một phương tiện giáo dục trẻ em một cách nhẹ nhàng, thích thú và hữu hiệu.

Trò chơi trẻ em xuất hiện khi loài người đạt tới một trình độ nhất định, thoát qua thời kì hái lượm, khi mà công cụ lao động đã trở lên phức tạp, trẻ em không thể sử dụng để làm việc được như người lớn, do đó cần phải được tập, được làm thử trên những đồ vật thay thế (tức là đồ chơi) và lúc này đứa trẻ chỉ chơi chứ chưa làm việc thực sự.

Một số nhà tâm lý giáo dục học theo trường phái sinh học như K. Groos, S.Hall, V. Stern…cho rằng: Chơi của trẻ là do bản năng quy định, chơi chính là sự giải tỏa năng lượng dư thừa, là sự luyện tập trước những chức năng mà trẻ em phải đảm nhận trong xã hội khi chúng đến tuổi trưởng thành. Họ coi hoạt động chơi của trẻ cũng giống như trò chơi của các động vật con như: Chó, Mèo… Từ đó họ phủ nhận ảnh hưởng của môi trường xã hội đến nội dung chơi của trẻ em.

Một số nhà tâm lý giáo dục học theo trường phái phân tâm như: S. Freud A Atller…coi chơi là những giấc mơ, mộng ảo mang tính vô thức, trong trò chơi của trẻ chứa đựng những ý nghĩa thầm kín và những mong muốn vô thức của trẻ em. Theo họ đứa trẻ giống như một sinh vật mỏng manh, yếu ớt luôn luôn phải chịu sự thiếu hụt đó của mình một cách bệnh hoạn. Và trò chơi dường như giúp trẻ giải tỏa được những tình cảm và mong muốn ngu ngốc ấy. Từ đó các tác giả này cho rằng trò chơi là phương tiện, con đường duy nhất giúp trẻ em bù đắp lại những thiếu hụt của mình và để “trả thù” những người lớn chung quanh luôn cấm đoán trẻ.

Trên quan điểm Macxit các nhà tâm lý học và giáo dục học khẳng định rằng, trò chơi có nguồn gốc lao động và mang bản chất xã hội, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác chủ yếu bằng con đường giáo dục.

Plêkhanov là người đầu tiên giải thích về nguồn gốc trò chơi góc độ Macxit. Tác giả cho rằng trong lịch sử loài người, trò chơi và nghệ thuật đều có nguồn gốc từ lao động và phản ánh lao động: “Trò chơi là con đẻ của lao động, xét về mặt thời gian thì lao động có trước và trò chơi có sau” và trò chơi là một sợi dây nối liền các thế hệ với

nhau, cụ thể hơn là trò chơi truyền thụ những thành tựu văn hóa từ đời này sang đời khác.

Các công trình nghiên cứu của một số nhà tâm lý giáo dục học xô viết như L.X Vưgơtxki, A.N. Lêônchép, Đ.B. Encônhin…đã chứng minh rằng, trò chơi của trẻ em khác về căn bản so với những trò chơi của động vật con về nội dung cũng như cấu trúc của nó. Trò chơi của trẻ em không có nguồn gốc sinh học mà lại có nguồn gốc xã hội trò chơi được xã hội bày ra và vun trồng nhằm giáo dục và chuẩn bị cho trẻ đến với hoạt động lao động trong tương lai.

Như vậy, các nhà tâm lý –giáo dục học Xô viết và phương Tây tiến bộ đều xem xét trò chơi của trẻ em như là một hoạt động xã hội. Trò chơi có nguồn gốc từ lao động và chuẩn bị cho thế hệ trẻ đến với lao động. Trò chơi mang bản chất xã hội, nội dung chơi của trẻ em phản ánh cuộc sống hiện thực xung quanh. Trò chơi không nảy sinh một cách tự phát mà do ảnh hưởng có ý thức hoặc không có ý thức từ phía người lớn và bạn bè, giao tiếp xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển trò chơi.

1.3.1.2. Đặc điểm hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo

Các công trình nghiên cứu khoa học của LVưgôtxki, Lêônchép, Uxôva… về hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo đã chỉ ra những nét đặc thù hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo. Đây chính là hoạt động luôn giữ vị trí đặc biệt nó chiếm ưu thế so với các hình thức hoạt động khác. Sở dĩ hoạt động vui chơi khác với tất cả các hoạt động khác vì các lý do sau:

- Trò chơi mang tính tự do, tự nguyện và độc lập của trẻ được thể hiện rất cao

trong trò chơi.

Tính tự do và độc lập cuả trẻ trong các loại trò chơi khác nhau được biểu hiện cũng khác nhau. Khi bàn về tính độc lập của trẻ trong trò chơi, K.Đ.U sinki đã cho rằng, trò chơi của trẻ mang tính độc lập cao bởi lẽ trẻ có hứng thú đặc biệt với nó. Trẻ chơi vì trẻ thích chơi, vì chơi là một hoạt động độc lập của chúng. Nếu chơi mà bị ép buộc thì lúc ấy không còn là trò chơi nữa…trò chơi hấp dẫn đối với trẻ, bởi vì trẻ hiểu nó, trẻ tự tạo ra nó. Trong cuộc sống thực trẻ hoàn toàn là trẻ con, chúng chưa có tính tự lực nào cả, chúng bị lôi cuốn theo dòng chảy của cuộc sống một cách mù quáng và thờ ơ, nhưng ở trong trò chơi chúng là những con người trưởng thành đang thử sức mình và tự tổ chức sự sáng tạo của mình…không nên bắt buộc trẻ chơi. Trò chơi bắt buộc thì không còn là trò chơi nữa.

- Trò chơi là hành động mang tính tự điều khiển.

Hơn bất cứ hoạt động nào, khi tham gia vào trò chơi đứa trẻ bộc lộ hết mình một cách tích cực và chủ động, chơi là hoạt động độc lập và tự chủ đầu tiên của trẻ

em. Trong trò chơi chứa đựng các luật chơi, đó là những quy định mà nhất thiết trẻ phải tuân thủ trong khi chơi, nếu phá vỡ chúng thì trò chơi cũng bị phá vỡ theo. Khi chơi trẻ tự nguyện chấp nhận và thực hiện chúng, chúng tỏ ra rất kiên trì và tập trung chú ý khi thực hiện các quy tắc ấy hơn cả khi thực hiện những yêu cầu của cuộc sống thực. Có thể nói các luật chơi đã tạo lên cơ chế tự điều khiển hành vi của trẻ. Chính sự độc lập tự điều khiển hành vi đó đã tạo cho trẻ không những niềm vui sướng và lòng tự tin trong khi chơi mà còn giúp trẻ phát huy khả năng tự lập của mình trong cuộc sống sau này.

- Trò chơi có khả năng kích thích sự sáng tạo.

Một số nhà tâm lý học cho rằng, không nên coi trò chơi của trẻ là một hoạt động sáng tạo, bởi lẽ trong trò chơi trẻ em không tạo ra cái gì mới cả. Thật sự đúng như vậy, nếu chúng ta coi trò chơi của trẻ em giống như hoạt động sáng tạo của người lớn thì thuật ngữ “sáng tạo” dùng ở đây là không thích hợp. Song nếu như chúng ta xem xét dưới góc độ phát triển của trẻ em thì thuật ngữ đó có thể chấp nhận được. Vưgơtxki đã chỉ ra rằng, khi trong đầu đứa trẻ xuất hiện một dự định hay một kế hoạch nào đó và chúng có ý muốn thực hiện nó thì có nghĩa là trẻ đã chuyển sang hoạt động sáng tạo. Nhà đạo diễn phim nổi tiếng Rôsanh đã viết: “Tất cả các loại trò chơi trẻ em đều là thế giới huyền ảo. Trong thế giới huyền ảo những đứa trẻ không bao giờ đánh mất “cái tôi” thực của mình, trẻ giống như một người nghệ sỹ…Như vậy, trò chơi trẻ em có thể gọi là trò chơi nghệ thuật, còn sự huyền ảo của trò chơi trẻ em có thể gọi là sự huyền ảo của nghệ thuật.

Những nghiên cứu của các nhà tâm lý học và giáo dục học xô viết đã khẳng định, trong trò chơi sự bắt chước gắn liền với trí tưởng tượng sáng tạo của trẻ. Nhưng óc sáng tạo không ngẫu nhiên xuất hiện mà nó phải được sự giáo dục, nó được phát triển là nhờ kết quả của sự tác động liên tục có hệ thống của nhà giáo dục. Óc sáng tạo, sáng kiến trong các trò chơi thuộc nhiều thể loại khác nhau được biểu hiện cũng khác nhau.

Loại trò chơi này có liên quan với cấu trúc cốt truyện, với việc lựa chọn nội dung, lựa chọn các vai với sự sáng kiến khi xây dựng hoàn cảnh chơi (trò chơi đóng vai). Ở các thể loại trò chơi khác, tính sáng tạo thể hiện trong sự biểu hiện trong việc lựa chọn các phương thức hành động, trong các tình huống chơi (trò chơi đánh cờ, chơi đôminô, trò chơi xếp hình, xếp tranh…) Ở loại thứ ba có thể hiện trong việc vận dụng một cách thông minh những hiểu biết, kỹ năng , kỹ xảo của mình để phán đoán trước được tình huống có thể xẩy ra nhằm thay đổi chiến thuật của mình. Như vậy mầm mống sáng tạo của trẻ mẫu giáo được hình thành ngay trong trò chơi.

Đứa trẻ lao vào cuộc chơi với tất cả sự say mê nhiệt tình vốn có của nó. Trò chơi tác động mạnh mẽ đến trẻ em chính vì nó thâm nhập một cách dễ dàng hơn cả vào thế giới tình cảm của trẻ em mà tình cảm đối với chúng lại là động cơ hành động mạnh mẽ nhất. Dẫu biết rằng trong trò chơi mọi cái đều mang ý nghĩa tượng trưng đều là không có thật, nhưng tình cảm mà trẻ em biểu hiện trong đó là tình cảm chân thực, hồn nhiên và thẳng thắn, không hề mang tính giả tạo một chút nào. Bởi vì không bao giờ đứa trẻ lại thờ ở với những gì mình thể hiện. Sắc thái xúc cảm chân thật mà trẻ bộc lộ trong trò chơi là một đặc điểm mà trẻ dễ nhận ra, khiến nhiều nghệ sĩ tài ba cũng mong muốn có được, vì chính nhờ nó mà họ dễ đạt tới thành công trong nghệ thuật.

Nhiều nhà nghiên cứu về trò chơi của trẻ mẫu giáo đã ghi nhận sức mạnh và tính chân thật của các xúc cảm được thể hiện trong trò chơi. Những xúc cảm đó thật phong phú và đa dạng, niềm vui trong trò chơi là niềm vui của sự chiến thắng, niềm vui của sự sáng tạo. Trong trò chơi không những trẻ chỉ thể hiện những xúc cảm tích cực mà còn bị dằn vặt, đau buồn và sự thất bại, không thỏa mãm với kết quả chơi, buồn giận các bạn chơi…Nhưng một trong những điều “trái ngược” của trò chơi là dù có sự hiện diện của những cảm xúc tiêu cực ấy trong một số trường hợp thì trò chơi bao giờ cũng vẫn mang đến cho trẻ niềm vui , sự thỏa mãn vì đã được chơi hết mình trong thế giới diệu kỳ của chúng.

Hoạt động vui chơi của trẻ mang tính chất vô tư

Hoạt động vui chơi của trẻ mang tính chất vô tư, nghĩa là trong khi chơi trẻ không chủ tâm nhằm tới một lợi ích thiết thực nào cả. Trong học tập người hoạt động chủ tâm nắm vững tri thức, kĩ năng kĩ xảo cần thiết. Trong lao động người hoạt động chủ tâm tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội và bản thân. Còn nguyên cớ thúc đẩy đứa trẻ vào trò chơi chính là sự hấp dẫn của bản thân quá trình chơi chứ không phải là kết quả đạt được của hoạt động đó.

Chính sự hấp dẫn của quá trình chơi thúc đẩy trẻ tham gia trò chơi. Trẻ chơi chỉ cốt cho vui, chơi đem lại cho trẻ niềm vui sướng. Chính vì lẽ đó mà hoạt động chơi của trẻ thường gọi là hoạt động vui chơi.Usinxki cho rằng: “Trẻ chơi vì là để chơi, chơi để mà chơi, chơi mang lại niềm vui cho trẻ. Khi trẻ phải chơi theo sự áp đặt của người lớn thì lúc ấy trò chơi không còn là trò chơi theo đúng nghĩa của nó”

Vì hoạt động vui chơi của trẻ mang tính chất vô tư nên khi tổ chức hướng dẫn cho trẻ chơi người lớn cần tránh áp đặt vào trò chơi những lợi ích thiết thực buộc trẻ phải cố gắng cho bằng được. Vì mỗi khi đã gieo vào đầu óc đứa trẻ một sự vu lợi nào đó thì lập tức cũng tước đi ở chúng tính hồn nhiên và niềm vui sướng trong khi chơi.

- Động cơ chơi không nằm trong kết quả mà nó nằm ngay trong bản thân hành động chơi.

Trong trò chơi, trẻ không bị phụ thuộc vào nhu cầu thực tiễn. Chúng xuất phát từ nhu cầu và hứng thú của bản thân. S.L Rubinstein cho rằng: Động cơ chơi chủ yếu là phục vụ cho việc bắt chước một mặt nào đó của cuộc sống thực có ý nghĩa đối với trẻ.

- Hoạt động vui chơi của trẻ là một hoạt động mô phỏng lại cuộc sống của con

người.

Mô phỏng lại những mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Do đó hoạt động này mang tính chất tượng trưng, trong khi chơi trẻ có thể dùng các đồ vật thay thế tượng trưng cho người thật, vật thật.

Ví dụ: Trong trò chơi bác sỹ có thể lấy bao diêm để khám bệnh, dùng que để làm kim tiêm…Chính sự mô phỏng đó là điều kiện cần thiết giúp trẻ có được những hành động tự do, thoải mái, trẻ say sưa với trò chơi cũng từ đó làm nảy sinh và phát triển trí tưởng tượng. Từ đó mà hình thành chức năng ký hiệu – tượng trưng rất cần thiết cho cuộc sống sau này của trẻ (một chức năng tâm lý mới cần thiết cho cuộc sống sau này của trẻ). Khác với động vật con người nhận thức thế giới nhờ những hệ thống kí hiệu (Toán học, vật lý , hóa học, âm nhạc, hội họa...) mới có thể đi sâu vào bản chất của sự vật và hiện tượng xung quanh và sáng tạo ra những điều kì diệu ngày càng phong phú đáp ứng cuộc sống của con người ngày càng cao.

Một phần của tài liệu Xây dựng sự tự tin cho trẻ 4 - 5 tuổi thông qua hoạt động vui chơi tại các trường mầm non quận Cẩm Lệ thành phố Đà Nẵng (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)