Phần 2 Tổng quan các vấn đề nghiên cứu
2.3. Nhận thức của người dân và giải pháp thích ứng với hạn hán trong sản
2.3.2. Nhận thức về ảnh hưởngcủa hạn hán đến cây trồng
Khi hạn hán xảy ra, nông nghiệp là ngành phải gánh chịu hậu quả đầu tiên vì đặc trưng của ngành là sản xuất phụ thuộc vào lượng nước dự trữ trong đất (kể cả nguồn nước trên mặt đất lẫn nguồn nước ngầm). Lượng nước dự trữ trong đất sẽ nhanh chóng cạn kiệt nếu thời gian hạn hán kéo dài. Thông thường, trong thời kỳ hạn hán, nguồn nước dự trữ trong đất phải được bổ sung đầu tiên, sau đó mới đến các dòng chảy, hồ chứa, ao hồ và nước ngầm. Nếu lượng mưa tiếp tục giảm thì những đối tượng phụ thuộc vào các nguồn nước bắt đầu cảm nhận được tác động của tình trạng thiếu nước. Những đối tượng tồn tại dựa vào nguồn nước trên mặt đất (chẳng hạn như bể chứa và ao hồ) và nguồn nước ngầm thường chịu tác động cuối cùng.
Sau thời kỳ hạn hán, những đối tượng sống phụ thuộc nguồn nước ngầm thường phải trải qua thời gian khôi phục trở lại của mực nước bình thường lâu
nhất. Thời gian để phục hồi trở lại tình trạng ban đầu dài hay ngắn tuỳ thuộc vào mức độ, thời gian hạn hán và lượng nước mưa nhận được. Nhu cầu nước của cây trồng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: môi trường đất, kỹ thuật chăm sóc, đặc điểm thời tiết khí tượng, các quá trình sinh hóa trong cây. Theo nguyên lý chung, nhu cầu nước càng lớn thì sinh khối và năng suất cây trồng càng cao.
Những yếu tố sinh thái có thể chia thành các nhóm ảnh hưởng như các yếu tố khí hậu, dinh dưỡng khoáng trong đất và các sinh vật sống cạnh tranh khác. Tất cả những yếu tố sinh thái này có thể làm giảm năng suất thông qua việc làm rối loạn sinh lý trong cây.
Trong cả vụ, nhu cầu nước đối với cây đậu tương dao động trong khoảng 350 - 800mm. Nhưng nhu cầu nước phụ thuộc vào độ dài thời gian sinh trưởng, tốc độ phát triển của cây trước khi phủ kín đất và lượng nước có sẵn trong đất. Trong suốt thời gian sinh trưởng, nhu cầu nước của cây không đồng đều qua các giai đoạn (Phạm Văn Thuận, 2000). Ở giai đoạn nảy mầm và cây con, tỷ lệ sử dụng nước thấp do tán cây còn nhỏ và phần lớn số nước mất đi do bay hơi trên mặt đất. Nhu cầu nước của cây đậu tương tăng dần khi cây ở giai đoạn từ 3 - 5 lá kép, tăng nhanh và cao nhất ở giai đoạn sinh trưởng, sinh thực từ khi cây ra hoa đến khi quả vào chắc. Giai đoạn quả bắt đầu chín, nhu cầu nước lại giảm đi cùng với sự tàn của lá và lượng nước bay hơi giảm. Nước ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây bao gồm về cả sinh lý, sinh hóa, hình thái và giải phẫu của cây dẫn đến làm giảm năng suất. Hạt nảy mầm đòi hỏi độ ẩm đất trong khoảng 60 - 65% (Trần Văn Điềm, 2007).
Cây ngô có nhu cầu nước rất lớn, trong quá trình sinh trưởng và phát triển của ngô cây trồng đã hút và thoát hàng ngày khoảng 1800 tấn/ha cả giai đoạn, tương đương lượng mưa 175mm. Ngô là cây trồng cạn cần nhiều nước, song cũng rất nhạy cảm với độ ẩm đất cao, đặc biệt ở giai đoạn cây còn nhỏ khi điểm sinh trưởng còn nằm dưới mặt đất. Mức độ thuận lợi của độ ẩm không khí và độ ẩm đất đối với cây ngô giai đoạn hình thành năng suất là:độ ẩm không khí trong khoảng 71 - 85%, độ ẩm đất từ 61 - 85% (Nguyễn Huy Hoàng, 2016).
Ánh sáng ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng qua quang hợp. Toàn bộ năng lượng đi vào cây trồng phụ thuộc một phần vào sự hấp thụ bức xạ hoạt tính quang hợp của toàn bộ diện tích lá. Thời gian chiếu sáng ngắn ở giai đoạn đầu sinh trưởng có thể làm giảm sinh trưởng của cây trồng, giảm tích lũy chất
khô trên diện tích lá, tốc độ phát triển lá giảm. Ánh sáng là yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến hình thái của cây do nó làm thay đổi thời gian nở hoa và chín, từ đó ảnh hưởng đến chiều cao cây và diện tích lá và nhiều đặc tính khác của cây, cuối cùng là năng suất hạt.
Cường độ ánh sáng và số giờ nắng/ngày có ảnh hưởng rõ rệt tới sự sinh trưởng và phát dục của lạc. Ở các tỉnh phía Bắc, trong điều kiện vụ Xuân nên bố trí thời vụ để lạc ra hoa vào tháng 4. Nếu lạc ra hoa sớm , số giờ nắng thấp làm giảm số hoa nở/ngày và kéo dài thời gian ra hoa, làm giảm tổng số hóa. Đậu tương có phản ứng chặt chẽ với độ dài ngày, nhưng cũng có ít giống nhạy cảm với quang chu kỳ. Để ra hoa kết quả được, cây đậu tương yêu cầu phải có ngày ngắn. Nhưng các giống khác nhau cũng phản ứng với độ dài ngày khác nhau (Nguyễn Huy Hoàng, 2016).
Nắm rõ đặc điểm sinh thái của cây trồng khiến người dân chủ động trong việc thay đổi mùa vụ, tích trữ nguồn nước tưới và sử dụng giống cây trồng phù hợp khi xảy ra tình trạng hạn hán. Giảm thiểu tác động xấu của hạn hán đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong trồng trọt.