Trong màn đêm của hận thù, hủ tục

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thiều qua tập mùa hoa cải bên sông (Trang 30 - 34)

5. Bố cục của luận văn

2.1.1.Trong màn đêm của hận thù, hủ tục

Đối với một đất nước có nền văn hoá gốc nông nghiệp điển hình như Việt Nam thì làng quê có vai trò hết sức quan trọng. Đó không chỉ là cái nôi của văn hoá mà còn là đỉnh cao của nền văn minh nông nghiệp chạy suốt chiều dài lịch sử. Với hai đặc trưng cơ bản là tính cộng đồng và tính tự trị, cho đến nay, nông thôn Việt Nam vẫn bộc lộ hai mặt đối lập tốt / xấu không thể tách rời. Tính cộng đồng ăn sâu vào đời sống văn hoá làm thủ tiêu vai trò cá nhân, thể hiện thói dựa dẫm, ỷ lại và quan điểm “cào bằng” giá trị. Tính tự trị với một tinh thần “độc sáng”, tự cung tự cấp, cũng bộc lộ không ít những phiền hà ngăn cản sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Đó là óc tư hữu, thói ích kỉ, gia trưởng, tôn ti, bè phái, địa phương. Tất cả tạo nên một màn đen bao trùm lên không khí làng quê vốn yên bình, êm ả. Và đi vào văn chương, trở thành một đề tài lớn, viết thành công và sâu sắc trên nhiều cây bút như: Tạ Duy Anh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thiều … Với một nhà văn luôn đau đáu ngưỡng vọng về quê hương như Nguyễn Quang Thiều, đề tài nông thôn là một đề tài trụ cột trong suốt quá trình sáng tác. Nguyễn Quang Thiều đã “lắng nghe những đổ vỡ sâu sắc trong đời sống tâm linh văn hoá”, đã quằn quại, day dứt trước bóng tối tàn độc của hủ tục, hận thù còn tồn đọng hàng thế kỉ nơi “ao làng” của nông thôn Việt Nam. Lấy cảm hứng từ làng Chùa – nơi Nguyễn Quang Thiều sinh ra và luôn ao ước

hương tôi( Bài hát về cố hương) ông đã viết nên những trang văn đầy thống thiết.

Khảo sát 37 truyện ngắn trong tập Mùa hoa cải bên sông, chúng tôi

nhận thấy có tới 8/37 truyện ngắn (Chiếm 21,6%) viết về sự hận thù và hủ tục. Trong đó, có 3 truyện ngắn viết về lòng hận thù, 5 truyện ngắn viết về những mê muội, ấu trĩ, lạc hậu trong lối suy nghĩ và hành động của con người nông thôn. Sự hận thù và hủ tục được nhà văn thể hiện trong mối quan hệ hết sức chặt chẽ, lúc là nguyên nhân – kết quả của nhau, lúc lại song song tồn tại trong cùng một tác phẩm.

Lòng hận thù đa phần đều xuất phát từ những hiểu lầm trong quá khứ, từ sự độc ác, vị kỉ, từ lòng tham cố hữu của con người. Trong truyện ngắn

Mùa hoa cải bên sông lòng hận thù của ông Lư bắt nguồn từ một một kí ức đau thương về người vợ bị chối từ ngay cả mảnh đất an thân cuối cùng. Từ sự ám ảnh đó, ông Lư luôn có định kiến rằng người trên mặt đất độc ác và bẩn thỉu và ông cấm đoán “tất cả những người trong gia đình ông không bao giờ

đặt chân lên mặt đất”. Trong Đứa con của hai dòng họ mối thù xuất phát từ

sự phẫn uất của Chánh Hợi do thất tình đã nguỵ tạo chứng cớ vu oan giá hoạ cho gia đình Mặc, khiến gia đình Mặc bị lăng nhục, phải tha hương. Câu chuyện truyền tai nhau “cụ anh kể lại cho ông anh. Ông anh kể lại cho bố anh. Bố anh kể lại cho anh”[46, tr.180] tạo thành một mối hận truyền kiếp.

Dù có khác nhau về nguyên nhân đi nữa, lòng thù hận luôn khiến con

người rơi vào bi kịch. Trong Mùa hoa cải bên sông, ông Lư gói gọn cuộc

sống của gia đình trong một chiếc thuyền đơn độc, leo lắt giữa lòng sông với một tư tưởng tự trị độc đoán. Những đứa con của ông quanh quẩn trong một một giới hạn định sẵn của cha mình. Đứa con cả chấp nhận trở thành “truyền nhân” của người cha. Đứa con thứ nhen nhóm sự bứt phá nhưng quẫy đạp trong vô vọng. Chỉ có Chinh dám vượt lên lời nguyền bằng tình yêu với Thao.

Nhưng khi bị phát hiện, bị trừng phạt, Chinh rối bời và quằn quại. Điều đó chứng tỏ sự hận thù đã làm hỏng cuộc đời của cả một gia đình. Nó biến ông Lư trở thành một kẻ “nghiêm khắc đến độc đoán, bảo thủ đến tàn nhẫn, kiên định đến cố chấp”[21]. “Ông bỏ tù chính ông, bỏ tù một cặp đực cái, bỏ tù một thằng hèn hạ như tôi, bỏ tù cả con bé đẹp nhưng mù chữ”[46, tr.71]. Với đôi mắt “lúc nào cũng u buồn, ngơ ngác như vừa đánh mất một điều gì”[46, tr.67], có lẽ người đau đớn nhất không phải là những đứa con mà chính là người cha phải sống một cuộc đời u tối, trơ lì trong dằn vặt.

Hay trong Đứa con của hai dòng họ lòng hận thù cũng trở thành lằn

ranh ngăn cách tình yêu của Văn và Thảo. Khiến cho hai con người nhân hậu phải bỏ xứ ra đi. Cái ngày dòng họ Lê “dõng dạc tuyên bố với tất cả họ từ giờ phút này Lê Đức Văn không phải người họ Lê nữa” chính là lúc con đường hồi hương của Văn và Thảo khép lại. Họ trở thành những kẻ tha hương, càng chạy trốn lại càng chơi vơi, vừa bước đi vừa nhìn lại với một niềm day dứt với quê hương, dòng tộc.

Đày đoạ con người không chỉ có lòng thù hận mà còn bởi những hủ tục lạc hậu hiện diện và chi phối cuộc sống thường ngày. Đó là sự mông muội, ấu trĩ, là tín điều của một thời còn chạy theo thành tích; là những lối định giá

nhân tính con người trên quan điểm máy móc, cực đoan. Trong truyện Chạy

trốn khỏi vầng trăng một giáo viên giàu lòng nhân từ đã đem lòng yêu một người goá phụ trẻ là vợ liệt sĩ. Tình yêu lớn lên từ đau thương của họ bị định kiến xã hội vùi dập. Bởi một thực tế: “người ta đã quàng lên cuộc đời em “vòng nguyệt quế”. Bằng những lời lẽ sáo mòn cho sự thủ tiết của những người vợ goá như em. Cả tôi và em hoảng sợ với ý định tháo bỏ cái “vòng nguyệt quế” độc ác kia”[46, tr.316]. Để rồi, cuối cùng người giáo viên bị làm nhục và đuổi ra khỏi nghề vì đã phá vỡ “truyền thống tốt đẹp của vợ bộ đội”, làm “tổn hại đến lòng chung thuỷ của vợ liệt sĩ”. Anh phải chạy trốn vào hang

đá, đau khổ “lắng nghe từng hơi thở của mình đang lặng lẽ ra đi”[46, tr.315]. Cái chết của người giáo viên chính là kết quả của việc chuẩn mực luân lí luôn thù địch với tự do cá nhân. Tư tưởng đó chính là giáo điều của chế độ phong kiến còn sót lại trong thời hiện đại.

Hay bà Nhim trong Người đàn bà tóc trắng cũng trở thành nạn nhân

của tư tưởng lạc hậu phong kiến xuất phát từ Trung Hoa. Bà Nhim đã phải từ bỏ thiên tính của một người đàn bà để chấp nhận di nguyện bất nhân của lão bố chồng người Tàu. Để đến lúc chết bà vẫn là một người đàn bà trinh tiết. Điều đó chứng tỏ lòng chung thuỷ cần phải được xem xét trên nhiều khía cạnh. Tiêu chí định giá nhân phẩm con người cần được “mềm hoá” và phải dựa trên lòng nhân đạo và tư tưởng nhân văn chính là chủ đề mà Nguyễn Quang Thiều muốn đề cập tới.

Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều luôn bị đoạ đày bởi những mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn trong làng xã, những tư tưởng lạc hậu, những hủ tục trong không gian sinh tồn. Họ quằn quại, đau đớn khi vừa muốn chối bỏ nguồn cội để chớp lấy khát khao bản ngã lại vừa day dứt, mặc cảm. Bi kịch thân phận bao trùm lên cuộc đời họ, càng vùng vẫy càng bị thắt chặt, càng cố tìm đường lại nhận ra không còn lối thoát. Sự hận thù và hủ tục vô hình trung đã trở thành những kẻ sát nhân giết chết tình yêu và hạnh phúc của con người.

Trong truyện ngắn Con chuột lông vàng, Nguyễn Quang Thiều đã dùng

hình ảnh đàn chuột lông vàng như một ẩn dụ nghệ thuật. Nó là hiện thân của lối tư duy ấu trĩ, chuyên thêu dệt và truyền bá sự mê tín cho cộng đồng: “Giữa cái năm cuối cùng của thập kỉ tám mươi này mà người làng tôi vẫn tin là con chuột lông vàng ấy có thật và vẫn đang sống”[46, tr.275]. Hơn nữa, nó còn chuyển tải tới độc giả một thông điệp: Một cá thể không thể làm thay đổi một lối tư duy đã in nếp vào từng ngóc ngách của cuộc sống. Sự đơn độc trên hành

trình hướng tới văn minh chỉ khiến con người chuốc lấy thất bại: “Ngày xưa ông Lẫm Cùi thua một con chuột lông vàng bởi vì chỉ một mình ông ấy tìm diệt nó. Muốn giết được con chuột chúa ấy để trừ hết lũ chuột thì cả làng phải hợp sức đồng tâm với nhau thì chuyện ấy mới thành”[46, tr.276].

Nếu Tạ Duy Anh viết về số phận của con người trước biến cố của thời cuộc mà xuất phát điểm là cuộc cải cách ruộng đất với sự đổi ngôi ghê gớm, thì Nguyễn Quang Thiều lại chọn môtip “Con người làm khổ con người” để giải thích cho nguyên nhân của hận thù và hủ tục. Con người là nạn nhân của thời cuộc đồng thời cũng là nạn nhân của chính mình. Lịch sử xô đẩy con người vào vòng xoáy của thù hận. Tuy nhiên, không ai khác ngoài con người cũng tạo ra nó. Nguyễn Quang Thiều đã mạnh dạn tố giác loại kẻ thù hiểm độc tồn tại trong mỗi con người đó là sự vị kỉ, là lòng tham, là nhận thức lệch lạc nhưng luôn bảo thủ và độc đoán. Chính điều này đã làm nên nét mới trong những sáng tác về nông thôn của Nguyễn Quang Thiều.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thiều qua tập mùa hoa cải bên sông (Trang 30 - 34)