Những tâm hồn đầy ắp ước mong, khát vọng

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thiều qua tập mùa hoa cải bên sông (Trang 44 - 48)

5. Bố cục của luận văn

2.2.3.Những tâm hồn đầy ắp ước mong, khát vọng

Nguyễn Quang Thiều là nhà văn luôn có ý thức phát hiện những khát vọng ẩn tàng trong tâm hồn nhân vật. Mỗi truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều đều xây dựng những hình tượng nhân vật có niềm tin và ý thức khao khát vươn tới những giá trị đích thực của loài người. Từ những mảnh đời chìm nổi, khuất lấp, được mổ xẻ đến tận cùng của bi kịch, Nguyễn Quang Thiều đã để cho nhân vật tự đấu tranh với chính mình, tự lội ngược dòng để tìm về với giá trị bền vững của cuộc sống. Bởi vậy, qua thế giới nhân vật, người đọc không chỉ hình dung về một hiện thực khắc nghiệt mà còn tràn đầy niềm lạc quan tin tưởng. Với một niềm ngưỡng vọng vươn tới chân – thiện –

mĩ, nhân vật của truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều luôn miệt mài trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc.

Trên hành trình đó, nhân vật luôn khao khát hơi ấm của con người.

Người đàn ông trong Bầu trời của người cha với một “tuổi thơ đầy cô đơn và

ốm yếu” luôn khao khát tình người: “Cái mình cần là hơi ấm của con người... Mình thèm khát được ngồi im lặng trong hoàng hôn và vùi bàn tay trong mái tóc đẹp lạ lùng của Lan”[46, tr.164]. Hành trình kiếm tìm hơi ấm của con người còn được cụ thể hóa trong niềm khát khao được làm mẹ của các nhân

vật nữ. Đó là Hiền trong Cổ vật, Mật và Ân trong Hai người đàn bà xóm trại,

người nữ thanh niên xung phong trong Gió dại, Thùy trong Tiếng gọi cuối

mùa đông, Tâm trong Thị trấn những cây bàng cụt,… Khát vọng được làm mẹ của họ quá lớn lao, ăn sâu vào tiềm thức, hiện diện trong cả những giấc mơ vừa ngọt ngào vừa đau đớn: “Ngay đêm đó em mơ em có mang. Lúc tỉnh dậy sờ bụng em thấy khang khác”[46, tr.8]. Khát vọng làm mẹ còn chiến thắng cả những di họa khủng khiếp của chiến tranh, mặc dù phải lấy cái chết

để đổi lấy sự sống (Thị trấn những cây bàng cụt). Nhưng hầu như, niềm khao

khát cháy bỏng này thường không được thực hiện trong hầu hết các truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều. Nhân vật vì thế khắc khoải kiếm tìm trong đau đớn, tuyệt vọng.

Có thể nói, nhân vật của Nguyễn Quang Thiều luôn giãy giụa để mong thoát khỏi cảm giác chới với khi thiếu tình người. Họ có thể ra đi để tìm lời

giải đáp cho cuộc đời và trú ngụ ở một bến bờ hạnh phúc (Gió dại, Cái chết

của bầy mối, Đứa con của hai dòng họ); có thể gửi niềm khát khao vào những

biểu tượng xa vời, vô thực (Bầu trời của người cha); cũng có thể ước mơ duy

trì sự sống để tìm hơi ấm và khỏa lấp sự trống trải (Thị trấn những cây bàng

cụt, Hai người đàn bà xóm trại, Cổ vật),.... Nhưng tựu trung lại, người đọc có thể cảm nhận khát vọng tìm kiếm hơi ấm tình người là niềm khao khát mãnh

liệt nhất của nhân vật. Bởi lẽ, nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều thường cô đơn. Nỗi cô đơn đến từ sự khắc nghiệt của chiến tranh, từ lòng hận thù và hủ tục. Cho nên, trong một bản thể đang tiến dần đến sự cô độc, khát vọng tìm kiếm tình người phải là khát vọng thành thực và bức thiết nhất.

Không chỉ thế, nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều cũng luôn khát khao tìm đường để cải thiện hoàn cảnh dù cho họ có ngoại hình tật nguyền, xấu xí. Cải thiện hoàn cảnh để khát vọng hạnh phúc cá nhân và tình yêu đôi lứa đã trở thành một nhu cầu rất tự nhiên của nhân vật trong truyện

ngắn Nguyễn Quang Thiều. Ngần trong Chiếc lông chim màu đỏ luôn tự ti về

nhan sắc của mình bởi theo lời tiên đoán của bà: “con gái mà da khô, tóc cứng và nóng như cháu thì đường tình duyên khổ lắm”[46, tr.24]”. Cô từ chối tình yêu của Thư bởi cô không tự tin vào chính mình. Cô mở cánh của mang tên “mặc cảm”, tự bước vào, khoá chặt cửa lại rồi ném chìa khoá đi thật xa mà chính cô cũng không tìm ra nó. Nhưng Ngần không buông xuôi mà luôn ước vọng thay đổi số phận. Cô tìm chiếc lông chim màu đỏ như tìm một phép màu. Vì người ta truyền tai nhau một huyền thoại: “ai nhặt được chiếc lông chim màu đỏ thì sẽ gặp phước lành… con gái nhặt được thì mỗi ngày một đẹp, một thảo hiền và sẽ lấy được người mình mong ước”[46, tr.21]. Sự chờ đợi vào phép màu của Ngần tưởng chừng như viễn vông. Nhưng người đọc có thể cảm nhận được hành trình đi tìm chiếc lông chim màu đỏ cũng chính là hành trình hoàn thiện bản thân để tự tin đón nhận tình yêu của Thư. Như vậy, sự xấu xí ở ngoại hình nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Quang Thiều không dẫn nhân vật đến chỗ bi phẫn, mà nhân vật vừa chối bỏ chính mình lại vừa tìm đường để thay đổi dung nhan. Sự xấu xí chính là một điểm thắt nút, mà chìa khoá mở nút chính niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống và khát khao hướng thượng của nhân vật.

Bên cạnh đó, hệ thống nhân vật là hiện thân của cái đẹp còn đem đến cho trang viết của Nguyễn Quang Thiều một khát khao hoá giải và “lập lại trật tự”. Cái đẹp ấy kết tinh trong dung mạo của Trương Chi bước ra từ cổ tích

trong Khúc hát của dòng sông đã thay đổi một tư duy đơn tuyến của dân gian

về môtip nhân vật xấu xí – đa tài. Cái đẹp ấy còn hiện hữu qua nhan sắc dịu

dàng mà bí ẩn của Chinh trong Mùa hoa cải bên sông, qua sự trong sáng của

Thảo trong Đứa con của hai dòng họ đã dẫn dụ Thao và Văn bước vào một

tình yêu bất chấp thù hận… Khát khao hoá giải những lời nguyền, những thiên kiến cố hữu, những hận thù, hủ tục và ngay cả tư duy máy móc của cha ông đã trở thành một khát khao thường trực trong tâm thức của nhiều nhân vật. Bởi chỉ khi bi kịch được hóa giải, trật tự với một lối tư duy hiện đại, của một cuộc sống yên bình mới chính thức được lập lại.

Bên cạnh những hình nhân ám ảnh bước ra từ chiến tranh, những phận người bi kịch trước lời nguyền truyền kiếp, Nguyễn Quang Thiều còn viết thêm những câu chuyện cổ tích với những tâm hồn đầy ắp ước mong và khát vọng. Điều đó chứng tỏ truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều không chỉ phản ánh đúng bản chất hiện thực mà còn nỗ lực hướng con người đến những điều tốt đẹp. Nâng niu ước mong, khát vọng của con người cũng thể hiện chất nhân văn và tinh thần nhân đạo trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều.

Chương III

CÁC PHƯƠNG THỨC NGHỆ THUẬT

TRONG MÙA HOA CẢI BÊN SÔNG

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thiều qua tập mùa hoa cải bên sông (Trang 44 - 48)