Thời gian hiện tại đan xen thời gian hoài niệm, phi thực

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thiều qua tập mùa hoa cải bên sông (Trang 59 - 61)

5. Bố cục của luận văn

3.2.2. Thời gian hiện tại đan xen thời gian hoài niệm, phi thực

Cũng như không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là một nhân tố quan trọng đảm bảo cho sự tiếp nhận toàn vẹn thế giới nghệ thuật và cấu trúc tác phẩm. Thời gian nghệ thuật là “hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Cũng như không gian nghệ thuật, sự miêu tả, trần thuật trong văn học nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định trong thời gian. Và cái được trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian, được biết qua thời gian trần thuật” [12, tr.322]. Khác với thời gian vật lí, thời gian nghệ thuật là một hình tượng mang tư tưởng của nhà văn về thế giới. “Thời gian nghệ thuật có thể đảo ngược quay về quá khứ, có thể bay vượt tới tương lai xa xôi, có thể dồn nén một khoảng thời gian dài trong chốc lát, lại có thể kéo dài cái chốc lát thành vô tận” [12, tr.322].

Quan niệm truyền thống cho rằng: “trần thuật theo ý nghĩa vốn có của nó là một hành vi hồi cố. Sự kiện được trần thuật bao giờ cũng là cái đã xảy

ra” [12, tr.320]. Nhưng Genette lại không đồng ý điều này. Ông cho rằng trần

thuật có thể kể những việc chưa xảy ra, đang xảy ra, hoặc đã xảy ra, chứ không nhất thiết cứ chằm hăm vào quá khứ. Điều này chứng tỏ, khi nhà văn đặt hầu hết nhân vật của mình vào một khoảng thời gian hoài niệm tức là nhà văn đang ngầm chuyển tải tới người đọc một thông điệp, một tư tưởng chủ đề.

Trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều, bên cạnh thời gian có thực trong hiện tại lúc nhân vật đang sống là thời gian hoài niệm, thời gian phi thực. Bởi phần lớn nhân vật đều bị những kí ức trong quá khứ ám ảnh. Khi

nhân vật lội ngược dòng về quá khứ thì hiện tại bị tước bỏ, có lúc quá khứ và hiện tại đan quyện vào nhau tạo thành một thứ thời gian đồng hiện. Kĩ thuật lắp ghép các mảnh thời gian là một công việc quan trọng trong thủ pháp montage (dựng hình) của điện ảnh. Nguyễn Quang Thiều sử dụng kĩ thuật này một cách điêu luyện đến mức người đọc tưởng chừng nó là sự “chuyển cảnh” tự nhiên của tâm lí con người.

Trong truyện ngắn Hai người đàn bà xóm trại có thể nhận thấy có hai

câu chuyện được kể đan xen: chuyện của Mật và Ân “mấy chục năm trước” và chuyện của hai bà cụ Mật và Ân trong cuộc sống hiện tại. Hai câu chuyện cứ được kể xen kẽ như một thước phim. Xuất phát từ hiện tại “hai người đàn bà đã sống với nhau mấy chục năm, đến nay tóc họ đã bạc trắng. Và lúc này họ đang ngồi trong chái bếp nhỏ ấm áp bởi hơi cơm, lá chuối khô và lửa bếp” [46, tr.5], câu chuyện trở về mấy chục năm về trước “những đêm mùa đông giáp Tết trong chái bếp như thế này. Hai bà lão ngồi trước bếp lửa và hồ hởi nói với nhau về chuyện gói bánh chưng. Ngày ấy họ còn trẻ lắm. Cả hai người mới ngoài hai mươi tuổi” [46, tr.8]. Quá khứ ùa về như vừa xảy ra ngày hôm qua, bởi quá khứ được miêu tả chi tiết như thể nó là hiện tại, có xúc cảm, có hương thơm, có cả âm thanh của gió: “Rồi cả hai lao vào ôm lấy nhau nức nở. Gió sông như ấm hơn thổi dạt dào qua bãi về phía chân đê. Và đâu đó thoảng mùi cỏ lên mầm hăng hăng” [46, tr.14]. Nếu trong quá khứ là những đêm nghịch cảnh đợi chờ khi chồng của Ân trở về lại chỉ gặp được một mình Mật thì những đêm trong hiện tại cũng dài vô tận khi hai bà lão lắng nghe tiếng mọt nghiến gỗ trèo trẹo từ cỗ áo quan. Có thể nói, tuy khác nhau về thời gian nhưng người đọc nhận ra điểm chung của chúng đều là những “đêm trắng” cô đơn với nỗi khao khát hạnh phúc chính đáng hiện hình mồn một. Xen những câu chuyện hiện thực là những câu chuyện của quá khứ, từ đó có thể đối chiếu hiện tại – quá khứ. Để nhân vật hoài niệm về quá khứ nhà văn đã tạo hiệu quả

đan xen hai chiều về thời gian. Song điều đặc biệt là nhân vật của Nguyễn Quang Thiều lại để quá khứ soi tỏ hiện thực, để lại dấu vết trên hiện thực. Nhân vật như thuộc về quá khứ, hiện tại chỉ khiến nhân vật cảm thấy chơ vơ, lạc loài. Quá khứ đó có thể là những kỉ niệm đen tối, kinh hoàng về hạnh phúc

bị bức tử trong vòng vây phi lí và tàn nhẫn của chiến tranh (Người ở với hoa

tầm xuân, Tiếng gọi cuối mùa đông, Hai người đàn bà xóm Trại, Gió dại,

Tiếng đập cánh của chim thần …); quá khứ đó cũng có thể là những kỉ niệm êm đềm về cái đẹp, về ước mơ, về tình yêu cao cả, về đức tin đã trở thành

những chốn trú ngụ suốt đời của tâm hồn nhân vật (Người thổi kèn lá dứa,

Bầu trời của người cha, Tiếng gọi cuối mùa đông)… Nhưng tất cả đều ám ảnh, đều đeo bám khiến nhân vật sống trong sự hoài niệm, dằn vặt đến đổ vỡ, khắc khoải đến cô độc. Và sự đan xen hiện tại và hoài niệm, phi thực cũng làm nên một đặc điểm trong tổ chức thời gian nghệ thuật của truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều.

Có thể nói, đưa nhân vật trở về với không gian, thời gian trong quá khứ khi chính họ không tìm được hạnh phúc ở hiện tại và tương lai, Nguyễn Quang Thiều đã làm một việc vô cùng nhân đạo khi để trái tim họ được sống lại, được chữa lành. Không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều vì thế vận động theo chiều hướng bộc lộ nội tâm nhân vật và hé lộ tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thiều qua tập mùa hoa cải bên sông (Trang 59 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)