Những con người trở về từ chiến tranh

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thiều qua tập mùa hoa cải bên sông (Trang 36 - 42)

5. Bố cục của luận văn

2.2.1.Những con người trở về từ chiến tranh

Sau năm 1975, đề tài chiến tranh vẫn là đề tài nóng trên nhiều trang viết. Đội ngũ nhà văn nhìn lại chiến tranh như một hồi ức đen tối của cuộc đời. Họ nhận ra: “bằng những kiểm nghiệm bản thân, tôi hiểu ra rằng chiến tranh quả thật không vui vẻ gì, đối với bất cứ dân tộc nào, dù là tự vệ hay xâm lược, chiến tranh đều mang ý nghĩa bi kịch”[40]. Bởi vậy, họ viết không chỉ để thoả mãn mĩ cảm cá nhân mà còn viết như một sự tri ân với đồng bào,

đồng chí. Viết vì một sự thức nhận, viết vì không bằng lòng với cái hiện thực chiến tranh đã được lí tưởng hoá một chiều khi đi vào văn chương nghệ thuật. Đội ngũ nhà văn – chiến sĩ như Chu Lai, Thái Bá Lợi, Nguyễn Trí Huân, Bảo Ninh,… viết về chiến tranh bằng những trải nghiệm dưới con mắt chứng nhân nên chân thực và sinh động. Song, điều đặc biệt là chiến tranh không chỉ được tái hiện qua cây bút của những nhà văn - chiến sĩ mà còn được tái hiện bởi những nhà văn không trực tiếp tham gia chiến trận. Chiến tranh không chỉ được viết bằng kinh nghiệm cá nhân mà còn được viết trên cơ sở hư cấu nghệ thuật nhưng vẫn chân thật và đúng bản chất. Điểm chung của những nhà văn này là đều dành mối quan tâm hàng đầu vào thân phận con người sau cuộc chiến. Để từ đó họ đặt ra những suy tư về văn hoá, về giá trị của con người, về nhân tính và về nghệ thuật ở một chiều sâu triết học thực sự. Bởi vậy, đề tài chiến tranh không còn mang ý nghĩa thuần tuý là một đề tài văn học mà đã trở thành “chất liệu thử thách khả năng đổi mới tư duy của người viết”[40].

Nguyễn Quang Thiều tuy không phải thuộc lớp nhà văn đứng tuyến đầu trong hai cuộc chiến, song những kí ức kinh hoàng về cuộc chiến tranh chống Mĩ đã hằn in vào tuổi thơ của ông. Nó đi vào trang viết cũng không kém phần

cảm động và sâu sắc. Khảo sát 37 truyện ngắn trong tập Mùa hoa cải bên

sông chúng tôi nhận thấy có tới 11/37 truyện (chiếm 29,7 %) viết về chiến

tranh. Trong đó, nhà văn đặt trọng tâm miêu tả là thân phận của con người thời hậu chiến với những mất mát, đổ vỡ trong quá khứ còn dai dẳng mãi cho

đến hiện tại. Điều này được thể hiện trong: Hai người đàn bà xóm Trại, Lời

hứa của thời gian, Ngựa trắng, Cơn mơ hoa cỏ trắng, Gió dại, Tiếng đập cánh của chim thần, Chiều hoa tầm xuân, Gương mặt thứ ba,…

Nguyễn Quang Thiều tập trung thể hiện bản chất của chiến tranh qua hai góc nhìn: người lính và người ở lại. Do tiếp xúc với chiến tranh ở những góc độ khác nhau cho nên nỗi đau mà chiến tranh để lại cũng có phần khác

biệt. Hình tượng người lính trở về sau chiến trận được Nguyễn Quang Thiều xây dựng không phải lạc lõng trước hiện thực kinh tế thị trường xoá mờ nhân

tính để rồi phải ngậm ngùi trở về đơn vị như ông tướng Thuấn trong Tướng về

hưu của Nguyễn Huy Thiệp. Người lính trong sáng tác của Nguyễn Quang

Thiều có xu hướng “ăn mày dĩ vãng”, bị ám ảnh bởi quá khứ không thể dứt ra để hoà nhập với cuộc đời. Chiến tranh được nhìn nhận qua một chiều hướng hoàn toàn mới, được “khúc xạ qua tâm hồn nhân vật, số phận nhân vật và đặc biệt là hồi ức nhân vật”[48, tr. 48].

Đó là kí ức của con người độc hành tìm về quá khứ như ông Miêng

trong Lời hứa của thời gian. Vì ông luôn ám ảnh bởi một cơn ác mộng:

“Chính trên những quả đồi này, năm 1972, cả tiểu đội của ông chỉ còn sót lại một người… Ông đã cất tiếng gọi. Tất cả đã hi sinh. Tiếng gọi của ông đêm ấy vang trên những quả đồi trơ trụi và vọng mãi đến bây giờ”[46, tr.48]. Cho nên, trong suốt cuộc đời còn lại, ông canh giữ quả đồi như báu vật, ông trồng thông quanh khắp, trồng tự nguyện và cần mẫn như thể tình nguyện canh gác cho giấc ngủ của đồng đội mình. Với ông, được sống không còn là một sự may mắn mà là một sự lựa chọn của tạo hoá để người ở lại lo hậu sự cho những người đã ra đi. Bởi lẽ, hiện thực không thể dung chứa ông như một cá thể bình thường. Thứ hoá chất màu da cam đã cướp đi của ông khả năng làm cha. Khi người vợ của ông bỏ đi, khi Hoa – người đồng cảm với ông cũng chết do mảnh bom sót lại sau cuộc chiến, ông Miêng như một kẻ vô hồn. Ông tìm về quá khứ, như đi tìm một điểm tựa, một điểm tựa của lí tưởng, của sự sống. Cuộc sống của những người lính như ông Miêng chính là cuộc đoạ đày từ quá khứ, sống như vậy, chết cùng đồng đội trong cái ngày càn quét năm 1972 đó còn là một đặc ân. Chiến tranh không chỉ là nơi chôn đi quá khứ như một giấc mộng kinh hoàng, mà nó còn là nơi chôn đi của người lính cuộc sống thực tại.

Cũng cùng một niềm hoài vọng quá khứ, người con gái thanh niên

xung phong trong Gió dại luôn khắc khoải mộng mị về một thời sống cùng

đồng đội ở cánh rừng Trường Sơn ác liệt. Đó là một đơn vị thanh niên xung phong toàn con gái. Lúc buồn, họ cùng tổ chức trò chơi lễ cưới, bà lúc nào cũng làm “chú rể” vì bà có dáng người cứng và khuôn mặt thô. Đôi lúc hoá trang mà cứ ngỡ như là thật, “mỗi khi bà dắt tay “cô dâu” của mình vào buồng “cô dâu” thì tự nhiên trái tim bà đập rộn lên. Giọng nói của bà tự nhiên cứ ồm ồm mặc dù và không có ý định bắt chước”[46, tr.112]. Kỉ niệm vừa đau khổ vừa hạnh phúc đó đã theo suốt cuộc đời bà với giọng nói đàn ông khô cứng và dáng người gầy quắt. Chiến tranh đã ngấm ngầm huỷ hoạn cả thiên tính của một người đàn bà. Để rồi, giấc mơ đến với bà hàng đêm là hình ảnh “… “cô dâu” của bà trở về. Cả người “cô dâu” đẫm máu và được cài kín bằng những bông hoa dại của rừng Trường Sơn”[46, tr.113]. Nếu theo sự lí giải về giấc mơ của Sigmund Freud: “Giấc mơ là một phản ứng đối với sự kích động trong giấc ngủ, làm cho giấc ngủ không yên”[10, tr.97] thì có thể khẳng định quá khứ đã hằn in vào tiềm thức, trở thành những “kích động” thường xuyên trong giấc ngủ chập chờn của bà. Hơn nữa, trong cơn mơ, bà đã ôm ghì và vuốt ve người con gái ở cùng bà như đang âu yếm “cô dâu” năm xưa của mình. Nếu “Giấc mơ là sự thực hiện các điều ham muốn”[10, tr.240] thì ham muốn lớn nhất của bà chính là khoả lấp được sự thiếu thốn “giọng nói và bóng dáng đàn ông” trong tâm hồn của đồng đội. Đó là một ước nguyện đầy tính nhân văn, một niềm thao thức, hối tiếc trong suốt cuộc đời của bà sau này. Tái hiện một thế giới tâm hồn đầy những ẩn ức trong đó có cả ẩn ức tính dục, Nguyễn Quang Thiều đã cho người đọc thấy được những tổn thương trầm trọng ẩn lấp trong tâm hồn của những con người bước ra từ chiến tranh. Với một niềm đồng cảm, xót xa; với một góc nhìn đầy tính nhân văn, nhân bản, nhà văn đã phản ánh đầy đủ sự khốc liệt của chiến tranh. Nó không chỉ

lấy đi tuổi thanh xuân, lấy đi thiên tính mà còn cướp đi nụ cười trong phần đời còn lại của họ.

Song song với hình ảnh người lính, Nguyễn Quang Thiều còn dành khá nhiều thời gian và tâm huyết khi viết về số phận của những người ở lại. Đó là những người phụ nữ, những người mẹ, người vợ phải đưa đôi vai mỏng manh của mình gánh chịu những thương tổn từ chiến tranh. Cùng với sự hi sinh lớn lao của các chiến sĩ trên chiến trường, người phụ nữ nơi hậu phương cũng có những hi sinh thầm lặng. Nỗi đau của họ là nỗi đau của di chứng chiến tranh, của sự mòn mỏi chờ đợi, của sự khắc khoải hoài vọng về quá khứ. Nỗi đau đó

được thể hiện trong các truyện: Hai người đàn bà xóm Trại, Người với hoa

tầm xuân, Tiếng đập cánh của chim thần, Đi chợ tết, Thị trấn những cây bàng cụt,…

Nhân vật Duyên trong Tiếng đập cánh của chim thần luôn phải sống

cùng cái bóng của người chị đã hi sinh nơi chiến trường. Mỗi lần ở bên Lợi hình ảnh của Dịu lại hiện về: “Từ phía trước con đường có một người con gái lướt nhẹ nhàng trên mặt đường như một cảnh phim quay chậm và mái tóc như một dải mây bồng bềnh trôi theo… Duyên kinh hoàng kêu lên: - Trời ơi! Chị Dịu”[46, tr.173]. Trong mắt Lợi, Duyên luôn phải sống dưới cái bóng của người chị đã khuất. Lúc nào nhìn thấy Duyên, Lợi cũng ngỡ đó là Dịu, nghe tiếng Duyên lòng Lợi lại vang lên tiếng Dịu. Để đến cuối cùng, Duyên đành phải sống dưới hồn cốt của người chị. Bóng dáng của Duyên hoà tan vào hình hài của Dịu và tình yêu của Duyên cũng được sống dưới cái căn cước của Dịu. Đó là nỗi đau của nàng Thuý Vân khi người chồng là Kim Trọng luôn mong nhớ người chị Thuý Kiều. Nỗi đau đó nói ra bản thân thành người vị kỉ, nhưng cứ sống trầm lặng và cam chịu lại thành uất ức.

Vết thương từ chiến tranh không chỉ hiện hình trên thế hệ F1 mà nó còn di chứng đến những thế hệ sau. Đó là nỗi đau của người vợ thương binh bị

chất độc màu da cam trong Thị trấn những cây bàng cụt. Chị luôn phải sinh ra những đứa con không thành người. Mỗi đứa con ra đời là thêm một lần tâm hồn người mẹ tan nát. Để khi sinh đứa con thứ năm, chị đành đánh đổi cả sự sống của mình. Từ đó, nhà văn nghẹn ngào đưa ra một chân lí: “Đôi khi sự sống sinh ra từ cái chết”[46, tr.135]. Sự hi sinh không chỉ được đong đếm bằng những thi thể lăn xả trên chiến trường, sự hi sinh đôi lúc thầm lặng trong ước mơ của người mẹ chỉ mong sinh ra những đứa con lành lặn.

Người đàn bà điên trong Gió dại cũng phải chịu một cú sốc lớn từ

chiến tranh. Cú sốc đó đã mãi mãi không bao giờ đưa bà trở lại làm một con người bình thường: “Một người đàn bà điên khi bước vào tuổi dậy thì. Bom Mỹ đã giết sạch gia đình bà. Nỗi đau đớn ấy làm bà hoá dại. Suốt ngày bà đuổi cào cào, châu chấu và đổ dế mèn trên đê nướng ăn. Tối đến bà ngủ trong chiếc điếm canh đê bẩn thỉu và nồng nặc mùi xú uế. Bà cười và hát suốt ngày. Những bài hát của một người điên”[46, tr.102]. Cú sốc đó đã cướp đi của bà đứa con mà bà sinh nó trong vô thức. Cú sốc đó còn đưa bà ra khỏi hành trình của một con người.

Nếu mỗi nhà văn đều có một nhân vật làm hạt nhân của thế giới nghệ thuật, thì có thể khẳng định nhân vật nữ là máu thịt, là linh hồn của truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều. Còn gì đau đớn hơn khi trên hình hài của những con người mỏng manh và yếu đuối lại là nơi khắc tạc nhiều nhất dấu vết của chiến tranh. Nỗi đau đó sẽ trở thành những hồi ức mà mỗi độc giả khi chạm vào sáng tác của Nguyễn Quang Thiều sẽ chẳng bao giờ quên nổi.

Rõ ràng chiến tranh chưa thể là câu chuyện của ngày hôm qua bởi di chứng của nó vẫn còn đeo bám, in dấu trên từng gương mặt, từng số phận. Còn lại sau cuộc chiến là những tâm hồn tật nguyền, hoang phế, những cá thể luống tuổi và hết thời. Vết chém từ chiến tranh không chỉ thay đổi nhân dạng của con người mà nó còn tạo ra một vết cứa trong tâm hồn nhân vật. Ở đề tài (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

chiến tranh, những nhân vật của Nguyễn Quang Thiều đa phần đều sống trong những hoài niệm về quá khứ. Bởi lẽ, họ không tìm thấy hạnh phúc trong thực tại. Quá khứ là mục đích sống, thực tại chỉ là một mớ hỗn độn mà ở đó họ luôn có cảm giác lạc loài, không thể hoà nhập. Sự cô đơn ngay trong chính bản thể chứ không phải chịu tác động của môi trường đó chính là sự cô đơn “tái phát” từ bi kịch của chiến tranh.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thiều qua tập mùa hoa cải bên sông (Trang 36 - 42)