Không gian hiện thực đan xen không gian tâm tưởng, huyền thoại

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thiều qua tập mùa hoa cải bên sông (Trang 55 - 59)

5. Bố cục của luận văn

3.2.1.Không gian hiện thực đan xen không gian tâm tưởng, huyền thoại

Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “ Không gian nghệ thuật là hình thức

bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả, trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong trường nhìn nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc

lộ toàn bộ quảng tính của nó: cái này bên cạnh cái kia, liên tục, cách quãng, tiếp nối, cao, thấp, xa, gần, rộng, dài, tạo thành viễn cảnh nghệ thuật… Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ thuật” [12, tr. 160 - 161]. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học thường mang tính biểu trưng và tính quan niệm. Bởi nó vừa có nét giống vừa có nét khác với không gian thực, qua không gian, nhà văn bộc lộ được quan niệm của mình về con người cũng như về cuộc sống.

Hơn nữa, nếu truyện ngắn trước 1975 chủ yếu tập trung đặt nhân vật vào không gian hiện thực thì sau 1975, hình tượng không gian đã không còn mang tính xác định như vậy nữa. Nhân vật bây giờ hiện diện trong một không gian phức tạp và đầy bí ẩn. Đó là không gian ảo với những ám ảnh vô thức: không gian tâm tưởng, không gian huyền thoại, không gian tâm linh,… cũng có thể là không gian giả tưởng trước một giả định về cuộc sống.

Không gian nghệ thuật trong tập truyện ngắn Mùa hoa cải bên sông của

Nguyễn Quang Thiều là không gian lồng ghép, đan xen thực - ảo. Không gian hiện thực là không gian nơi nhân vật đang sống, cái không gian ấy dường như chỉ quanh quẩn ở làng Chùa (nơi nhà văn sinh ra và lớn lên). Bằng một lối kể chuyện bắt đầu từ ngôi thứ nhất: “nhà tôi…”, “làng tôi…”, “quê tôi…”,… Nguyễn Quang Thiều như đang tự thuật về những chuyện xảy ra nơi quê hương của mình. Đan xen không gian hiện thực đó là không gian tâm tưởng khi nhân vật trở về với những hồi ức, những kỉ niệm, những mơ ước, những khát vọng. Sự đồng hiện, đan dệt thực – hư đã tạo nên một màn sương bao trùm mọi sự kiện được trần thuật. Tuy trái logic hiện thực song lại hợp với quy luật tâm lí của con người.

Người phi công trong Bầu trời của người cha tuy vẫn quan niệm rằng mặt đất là không gian sống của cõi thực. Song khi chán nản trước thực tại, ông đã tìm đến một thế giới của vô thức. Thế giới đó chính là bầu trời. Bầu trời là nơi cho ông cảm giác bình yên và thanh sạch nhất. Bầu trời là nơi ông bước từng bước chân mê dại hướng về nó với một niềm khao khát lạ lùng: “Mỗi lần bay qua những vùng trời vô tận, sao mình cứ ước được bước ra khỏi khoang lái. Tất cả những gì trong khoảng mênh mông của vũ trụ mà mình cảm nhận được lại làm cho mình yên tâm, tin tưởng hơn khi mình đi trên mặt đất” [46, tr. 164]. Nó đối lập với không gian sống của ông, nơi căn buồng thấp tối, nhỏ hẹp với một chiếc cửa sổ đủ để thấy một vùng trời nho nhỏ. Lấy không gian hiện thực làm chiếu vật cho không gian tâm tưởng, nhà văn đã khẳng định một thực tế nghiệt ngã của cuộc sống: đôi khi đối diện với thực tại phũ phàng, con người ta vẫn thường phải trấn an mình bằng những điều không thực.

Không gian hiện thực – tâm tưởng còn được thể hiện ở sự đan xen giữa không gian trong quá khứ và không gian ở hiện tại. Bằng thủ pháp đồng hiện vận dụng từ điện ảnh, Nguyễn Quang Thiều đã để quá khứ và hiện tại ùa về cùng một lúc, hòa quyện, đôi lúc nhập nhằng thực - ảo trong ý thức các nhân vật. Câu chuyện vì thế trôi theo một mạch ngầm chơi vơi của dòng ý thức bất định. Nó đưa người đọc vào thế giới tâm linh huyễn hoặc, vào phần chìm khuất, bí ẩn của con người, nơi nhân vật chập chờn giữa hai miền hư ảo quá khứ - hiện tại.

Những nhân vật chìm đắm trong hai không gian này thường bị ám ảnh bởi quá khứ. Họ đa phần là những người lính trở về sau chiến tranh. Nỗi đau vẫn âm ỉ cháy, bởi vậy kí ức tang thương trở thành một nỗi ám ảnh trong tâm thức của họ. Đó là đồi thông gắn liền với quá khứ hãi hùng của ông Miêng: “năm 1972, cả tiểu đội chỉ còn sót lại một người” [46, tr.48], là cánh rừng

Trường Sơn, nơi ẩn chứa kỉ niệm vừa đau khổ vừa hạnh phúc của cô nữ thanh niên xung phong: “đêm đêm, bà mơ thấy đám cưới của mình trong cánh rừng khắc nghiệt Trường Sơn”[46, tr.113], là thềm giếng, nơi hình ảnh của Dịu vẫn nhập nhằng kêu gọi kí ức của Lợi trở về: “Đã bao lần anh cảm thấy mình sắp sửa bước qua thềm giếng và cái khoảng lặng im, thăm thẳm xa vời kia sẽ êm ái đón anh về. Nhưng khi chạm vào thành giếng mát lạnh thì anh lại dần dần hồi tỉnh” [46, tr.172]…

Nhân vật cứ sống trong không gian của những giấc mơ, không gian đan xen thực - ảo như hai mảng hiện thực lắp ghép với nhau giữa quá khứ và hiện tại. Không gian thực đôi lúc không còn là không gian chính yếu của sáng tác nghệ thuật, mà không gian ảo, không gian tâm tưởng lại xâm lấn nội tâm của nhân vật. Bằng sự đan xen giữa không gian hiện thực và không gian tâm tưởng, Nguyễn Quang Thiều đã tạo nên những trường nhìn rộng mở, đa chiều. Từ đó, bản chất hiện thực và bí ẩn nhân tâm được khai mở như nó vốn có.

Không gian nghệ thuật trong Mùa hoa cải bên sông còn là sự thêu dệt

giữa không gian hiện thực và không gian huyền thoại. Đó là dòng sông Đáy

nhập nhằng thực - ảo trong tâm thức của nhân vật tôi ở truyện Khúc hát của

dòng sông khi “bóng tối trùm kín. Khi bóng tối mênh mang và tiếng mưa trùm kín trên mặt sông… Và giữa dòng sông hiện lên một con đò” [46, tr.32]. Con đò đó dẫn Trương Chi từ cổ tích, từ lời kể của bà, của cụ kị ngày xưa bước ra đối thoại cùng nhân vật tôi. Câu chuyện của Trương Chi như được kể lại với một lối tư duy “giả cổ tích”, “phản huyền thoại” từ cái không gian huyền thoại, từ tiếng âm i vọng từ “hồn người chết thuở xưa”. Có thể nói, Trương Chi không trở về dòng sông của hiện tại mà nhân vật tôi như đang chìm đắm vào không gian dòng sông của cổ tích để lắng nghe những tiếng thổn thức, ỉ ôi oan ức của Trương Chi. Dẫn dụ nhân vật đến với không gian ấy chính là không gian mưa, không gian bao trùm của màn mưa “tiếng mưa dàn

dạt”, “tiếng mưa triền miên” và không gian đêm tối chập choạng, mơ hồ. Điều đặc biệt là từ không gian huyền thoại đó, nhân vật lại nhận ra những sự thật của cuộc sống: có những sự thật đôi lúc được thêu dệt lên từ lòng hận thù và đố kị. Vậy thì tại sao người ta cứ chấp nhận lối nghĩ từ thời cha ông truyền lại bằng một lối tư duy dân gian đơn tuyến, một chiều.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thiều qua tập mùa hoa cải bên sông (Trang 55 - 59)