Ngôn ngữ giàu chất thơ

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thiều qua tập mùa hoa cải bên sông (Trang 61 - 64)

5. Bố cục của luận văn

3.3.1.Ngôn ngữ giàu chất thơ

“Ngôn ngữ văn học liên quan mật thiết với ý thức văn học, phản ánh một cách cụ thể, chính xác, sinh động những biến đổi của tư duy văn học” [2, tr.168]. Đó là công cụ, là chất liệu cơ bản của văn học, là hình thái hoạt động ngôn ngữ mang ý nghĩa thẩm mĩ.

Trong văn học đương đại, khi các thể loại có sự giao thoa, xâm nhập nhau thì văn xuôi và thơ có sự xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Sự xích lại này “làm cho văn xuôi của chúng ta thêm nồng ấm, run rẩy, nhiều chất hội họa, cô đọng hơn trong những ẩn dụ thấm trong từng câu, từng đoạn” [29, tr.117]. Được xem là “thể loại gần nhất đối với thơ trữ tình” (Ý của nhà văn Frank O’connor (1903 - 1966) – nhà văn Ailen), truyện ngắn trở nên giàu chất thơ khi nó được gia tăng cảm xúc để trở thành những tác phẩm “giàu cảm xúc, nội dung cô đọng, ngôn ngữ giàu hình ảnh và nhịp điệu”[12, tr.310].

Trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều, chất thơ ở ngôn ngữ được biểu hiện ngay từ nhan đề của tác phẩm. Nhan đề truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều thiên về trực giác, cảm giác, bàng bạc chất thơ chứ không nhiều tự sự.

37 nhan đề truyện ngắn hầu như đều mang màu sắc của các nhan đề thơ: Khúc

hát của dòng sông, Lời hứa của thời gian, Gió dại, Tiếng gọi lúc hoàng hôn, Ngựa trắng, Chiều hoa tầm xuân, Cơn mơ hoa cỏ trắng, Chạy trốn khỏi vầng trăng, Lạc loài,… Chúng phá vỡ cả quy luật suy lí đơn thuần, thả trôi theo

những xúc cảm với những liên tưởng mới lạ: Khúc hát của dòng sông, Lời

hứa của thời gian, Gió dại, Bầu trời của người cha, Cơn mơ hoa cỏ trắng,…

Sự phá vỡ logic lí tính này chính là biểu hiện của một tâm hồn đủ mơ mộng để làm một nhà thơ và đủ mẫn cảm để rắc dày chất lãng mạn trên những trang văn của mình. Nhan đề không chỉ là một phương tiện thể hiện cảm hứng của nhà văn mà đôi lúc nó còn có khả năng khái quát hóa tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Những nhan đề giàu chất thơ là biểu hiện của một lối tư duy truyện ngắn hòa quyện giữa năng lực suy lí và năng lực cảm nhận tế vi cuộc sống.

Không chỉ thế, chất thơ còn được thể hiện qua ngôn ngữ miêu tả thiên nhiên giàu hình ảnh, thuần khiết, dịu dàng bằng một thứ tiếng Việt trong sáng và nhuần nhị. Ngôn ngữ miêu tả từ đường nét đến màu sắc, từ âm thanh đến hành động trên trang văn của Nguyễn Quang Thiều đều nên thơ và giàu mĩ

cảm: “Một đêm, trong ánh trăng trong vắt và như đọng hương cỏ, anh bỗng nghe từ chân đồi vang lên tiếng ngựa hí. Tiếng hí lanh lảnh như chuông vọng qua mặt hồ, vang mãi như không bao giờ tắt. Anh căng mắt nhìn về tiếng hí, chợt nhận ra trong ánh sáng đang ròng ròng từ trời cao chảy xuống và trên nền cỏ xanh như nước một vệt sáng trắng như bạc loang loáng lướt đi”[46, tr.238]; hay “Bầu trời mênh mang! Trăng như đang trôi miên man. Và hình như có những âm thanh như tiếng những chiếc chuông bạc, chuông vàng mỏng tang đang trôi bất tận không bến bờ. Sông như không còn đôi bờ đất nữa. Nước sông như dâng ngập cả đất trời hay đó là ánh trăng chảy giàn giụa xóa đi mọi giới hạn. Những lá cỏ bên bờ sông kia kìa. Chúng đang hắt những tia sáng trong vắt. Và xa hơn một chút là những vòm cây như những vòm ánh sáng xanh mơ màng và run rẩy. Và xa nữa là dãy núi. Dãy núi đang thiêm thiếp trong trăng. Cả dãy núi như bằng kim cương. Và xa nữa, xa nữa, những dải mây mỏng, ánh bạc, run rẩy và mơ hồ như đang trôi về xứ sở của thần thoại. Và gần lại, gần lại, dòng sông như một dòng ánh sáng chói lòa. Và trong dòng nước ấy có những con cá làm bằng pha lê” [46, tr.209]. Bằng lối so sánh giàu hình ảnh và những liên tưởng “lạ hóa” mang đặc trưng của chủ nghĩa tượng trưng thiên nhiên hiện lên sinh động và hết sức nên thơ.

Bên cạnh đó, việc sử dụng phép lặp cấu trúc, lặp ý tưởng cho những câu văn xuôi cũng tạo nên sự trùng điệp, mang nhịp điệu và cấu trúc thơ. Theo R. Jakovson, “nguyên lí tương đương” [16, tr.119] (lặp lại các chiết đoạn) vốn tối kị trong văn xuôi tự sự. Nhưng nó lại được sử dụng rất nhiều trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều: “Và xa hơn… Và xa nữa… Và xa

nữa, xa nữa… Và gần lại, gần lại” [46, tr.209] hay trong truyện ngắn Chạy

trốn khỏi vầng trăng hai câu văn: “Tôi ngửa mặt nhìn trăng. Ánh trăng chảy giàn giụa trên mặt tôi” [48, tr.315] được lặp đi, lặp lại rất nhiều lần. “Nó tạo ra hiện tượng dôi dư các yếu tố ngôn từ nếu xét về yêu cầu thuật truyện thuần

túy. Nó tạo ra sự trùng điệp khiến cho người đọc luôn ở trong trạng thái được “quay trở lại” chứ không phải “đi tiếp”[46, tr.45]. Nó làm cho lời văn trở nên da diết, từng đợt cảm xúc như gối vào nhau, nhanh dần, gấp gáp đến thổn thức. Nó cũng làm cho tiết tấu của câu văn giàu nhạc tính. Bởi vậy, qua ngôn ngữ giàu chất thơ, nhà văn như dẫn dụ người đọc vào thế giới của cảm giác để cho những giác quan tung tẩy phát huy hết năng lực tri nhận của mình. Việc gia tăng tính nhạc cho lời văn, Nguyễn Quang Thiều thực sự đã làm cho ranh giới giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ văn xuôi trở nên mờ nhạt.

Trước khi là một nhà văn, Nguyễn Quang Thiều đã là một nhà thơ nổi tiếng. Bởi vậy, chất thơ trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều như là biểu hiện của một quán tính nghệ thuật. Không cần phải “uốn éo, đỏm dáng” (Đông La), Nguyễn Quang Thiều vẫn trình làng những trang văn đẹp đến từng câu, từng chữ. Ngôn ngữ giàu chất thơ trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều là biểu hiện của một lối viết mang tinh thần đương đại khi để các thể loại có sự giao thoa, xâm nhập nhau.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thiều qua tập mùa hoa cải bên sông (Trang 61 - 64)