5. Bố cục khóa luận
2.1.3. Nghị lực phi thường – Giá trị sống tồn đọng nơi bề sâu bản thể
Nói về chất người, ai cũng có nhưng tự mình có khơi dậy được hay không, điều đó mới quan trọng. Nhà văn Nguyễn Khải đã từng viết: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy” (Mùa lạc). Có thể thấy, cuộc sống, hạnh phúc chưa và sẽ không bao giờ đi đến chỗ tận diệt cả, chỉ có những thử thách, ranh giới đòi hỏi con người phải vượt qua, phải chiến thắng nó. Đó mới là vai trò, sứ mệnh của con người. Con người ta, ai cũng có những bản chất cần thiết, song mỗi người đều phải biết cách gọi lại, đánh thức bản năng của mình trỗi dậy thì mới có thể sống được trong bất kì hoàn cảnh nào. Cuộc sống đa chiều, phức tạp là vậy, ai cũng biết điều đó nhưng không phải ai cũng có đủ khả năng để tạo nên những cú bật, vực mình dậy bằng cái bản năng gọi là nghị lực sống.
Bài học từ tác giả Nguyễn Bích Lan, trong cuộc sống, vô tình chúng ta gặp phải những vật cản, rủi ro. Điều đầu tiên là mỗi người phải tin vào chính mình, tin là mình sẽ vượt qua được. Để làm được điều đó, bắt buộc phải có yếu tố tự thân, nghĩa là bản thân người đó phải có nội lực, kiên nhẫn với chính mình. Dần dần, Bích Lan đã tự học trong im lặng, trong cô đơn, đặt trong một kỉ luật rất khắt khe với chính mình. Mỗi ngày, thức dậy cô bắt đầu học từ 4 –
6 tiếng, trước khi đi ngủ, cô ôn lại những gì mình đã học. Suốt quá trình ấy, với Nguyễn Bích Lan là những tháng ngày chịu đựng gian khổ. Chính rủi ro đã đánh thức nghị lực trỗi dậy giúp cô có đủ sự kiên nhẫn, lòng yêu đời, vươn lên khỏi những đau đớn của bệnh tật, niềm tin được tiếp sức. Như Bích Lan đã chia sẻ: “Bạn và tôi không thể biết được bản thân mình chứa đựng những khả năng tiềm ẩn nào, những nguồn sức mạnh to lớn đến mức nào cho đến khi những khả năng đó, những nguồn sức mạnh đó được khơi dậy, được bộc lộ qua sự thúc đẩy của hoàn cảnh, của thách thức” [13, tr.251]. Người ta thường nói, vật cản đôi khi cũng có thể là một cơ hội tốt cho những ai có nghị lực, với Bích Lan, khi đối mặt với “vật cản” lớn trong đời, cô đã tự mình làm khơi dậy những khả năng tiềm ẩn để đối mặt và vượt qua bệnh tật bằng một lối đi mới cho mình. Cùng nói về nghị lực sống phi thường, nhân vật nữ Chiyo trong bộ
phim Hồi ức một Geisha của Nhật Bản đã nhìn nhận lại chặng đường đã qua
của bản thân và kết luận rằng: “tôi (…) giống như nước. Nước có thể ăn mòn lối đi của nó, kể cả đá. Và khi bị chặn lại, nó sẽ tạo ra dòng chảy mới”. Có thể thấy điểm tương đồng ở Bích Lan và cô gái Chiyo này, cả hai đều có nghị lực phi thường tồn đọng trong bản thể, cũng giống như sức mạnh của dòng nước, cứ chảy, cho đến khi gặp phải vật cản tất sẽ tự tìm ra dòng chảy mới, lối đi mới để được sống mạnh mẽ, sống có ích cho đời.
Cũng như người đàn ông tên Nick – tác giả của cuốn sách Cuộc sống
không giới hạn mà Bích Lan đã dịch. Sinh ra, anh đã mang trong mình những
khiếm khuyết cơ thể, anh không có cả tay và chân. Nhưng chính vì anh không có tay, có chân, đồng nghĩa với việc anh đã phải tự đối mặt với vô vàn thách thức trong cuộc sống nên anh đã có cơ hội cho bản thân tự rèn giũa nghị lực. Để anh có thể hiểu được những khó khăn của người khác, dễ cảm thông, chia sẻ với họ hơn. Với một tinh thần lạc quan, bản thân Nick đã nhận ra rằng: “Điều mà ngày ấy bản thân tôi và gia đình không thể tiên lượng được là
khuyết tật của tôi – “gánh nặng” của tôi – lại chính là một món quà, mang đến cho những cơ hội vô giá để tôi được gặp gỡ, cảm thông và thấu hiểu nỗi đau của những người khác, và an ủi họ” [28, tr.7]. Nguyễn Bích Lan và Nick đã có những đồng cảm sâu sắc như vậy, để rồi cuộc sống của họ luôn rộng mở, đầy ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn. Đã không ít lần Bích Lan nhận ra những giá trị về chặng đường đã qua của cuộc đời, cô hiểu ra rằng: “Chẳng ai muốn mình gặp khó khăn, nhưng khó khăn chính là cơ hội để chúng ta thách thức những khả năng tiềm ẩn trong chúng ta, cơ hội để ta rèn luyện ý chí và nghị lực, cơ hội để ta tạo ra những thay đổi trong cuộc sống của mình (…) Chính những khó khăn đã giúp tôi tôi luyện tinh thần vượt khó. Có được tinh thần vượt khó, bạn sẽ kiểm soát được cuộc sống hiện tại của mình, thậm chí có thể kiểm soát được cả tương lai” [13, tr.263]. Những tấm gương về nội lực phi thường ấy dường như đã làm thức tỉnh tâm thức con người, mọi thứ đều có thể thay đổi được, chỉ bởi những con người giàu có nghị lực sống. Với Nick, những thành quả hôm nay anh có được là nhờ vào đức tin, một con người mộ đạo, sự tin tưởng vào Chúa đã cho anh niềm tin vào bản thân mình: “Nếu bạn có khát vọng và niềm đam mê để thực hiện một điều gì đó, và nếu đó là ý Chúa, bạn sẽ thành công” [28, tr.8]. Còn với Nguyễn Bích Lan, chẳng có một đức tin nào soi sáng dẫn đường, chỉ có nội lực trong chính bản thân cô, giúp cô vượt qua những trở ngại, khó khăn trong đời.
Có thể nói, nghị lực sống luôn có trong mỗi con người, ẩn chứa những sức mạnh vô hình mà không phải ai cũng nhận ra được. Bằng cách này hay cách khác con người phải tự đánh thức, khơi dậy bản năng tiểm ẩn trong con người mình. Nếu như cuộc sống bình thường, yên ả trôi đi thì chắc có lẽ con người ta cũng không cần đến nghị lực sống. Với Nguyễn Bích Lan, khi bắt tay vào viết cuốn tự truyện này, cô cũng từng chia sẻ rằng: “Nếu cuộc sống của bạn đang trôi đi êm ả, bình yên, thì việc đọc cuốn sách này có thể chỉ là cách
giết thời gian không hơn không kém. Nhưng vào một ngày nào đó, nếu số phận từ chối ban tặng cho bạn những điều tốt lành, tước đi của bạn hạnh phúc, sự lạc quan, niềm tin và cả hi vọng, thì câu chuyện của tôi có thể sẽ mang lại cho bạn điều gì đó cao hơn sự an ủi” [13, tr.9-10]. Nếu như ngày đó, cuộc đời của Nguyễn Bích Lan không rơi vào ngõ cụt thì làm sao cô có thể đánh thức, gọi dậy bản năng đang sống ngầm trong cô. Ngay trong giây phút tối tăm nhất, nghị lực sống trỗi dậy, kéo cô ra khỏi tuyệt vọng, bắt đầu con đường mới và tự đứng trên đôi chân của mình để rồi hôm nay cô cho đi những lời
chia sẻ tận tình đến với mọi người qua cuốn tự truyện Không gục ngã này.