5. Bố cục khóa luận
3.5.1. Ngôn ngữ hàm súc mang tính biểu cảm cao
Theo từ điển thuật ngữ văn học, ngôn ngữ văn học là: “công cụ, là chất liệu cơ bản của văn học, vì vậy văn học được gọi là loại hình nghệ thuật ngôn từ. M.Go-rơ-ki khẳng định: ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học (…) Trong tác phẩm văn học, ngôn ngữ văn học là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn” [7, tr.215].
Để tạo nên tự truyện Không gục ngã, Nguyễn Bích Lan cũng đã sử dụng
chất liệu đó để chắp bút cho tác phẩm của mình. Vì đây là tự truyện của một nhà văn trẻ mới vào nghề, xét về bình diện ngôn ngữ, tác phẩm vẫn chưa có gì đặc sắc, nổi bật trên những trang viết là ngôn ngữ hàm súc mang tính biểu cảm cao. Khác với tự truyện của những tác giả khác như Tô Hoài, Duy Khán,… tự truyện của Nguyễn Bích Lan dường như “đơn điệu” hơn. Đối với các nhà văn thâm niên, khi có đủ điều kiện để nhìn nhận lại chặng đường đã qua luôn ở trong một nhãn quan đa chiều, ngôn ngữ đa dạng. Trong khi Nguyễn Bích Lan với xuất phát điểm “thiệt thòi” từ bé, hai mươi mấy năm
sống chung với bệnh tật, mục đích viết tự truyện Không gục ngã nhằm chia sẻ
kinh nghiệm, truyền nghị lực, niềm tin cho tất cả mọi người, đặc biệt là những con người bị khiếm khuyết về cơ thể. Với mục đích chính như vậy, ngôn ngữ được sử dụng trong tác phẩm thường hàm súc, mang tính biểu cảm cao. Toàn bộ tự truyện tưởng như không có một đoạn đối thoại nào, trong đó tác giả chỉ việc kể lại bằng điểm nhìn của chính mình. Tuy nhiên, bên cạnh những dòng hoài niệm rất thực đó, lại là sự sẻ chia chân thành qua những câu văn như muốn đối thoại với bạn đọc của nhà văn.
Mặc dù xuất thân từ miền bắc nhưng trong tác phẩm Bích Lan không hề sử dụng phương ngữ, tự truyện của Bích Lan được viết từ những câu văn đơn giản, ngắn gọn, gợi lên cảm xúc cho người đọc. Dù viết về vấn đề gì, ngôn
ngữ của Bích Lan cũng như đang gợi mở. Viết về kí ức, về tuổi thơ của trẻ con ở một làng quê nghèo, Bích Lan như vẻ ra cả chiều không – thời gian, câu chuyện sinh động như diễn ra trước mắt: “Vào những mùa gặt, trong lúc người lớn bận tối mắt tối mũi, tôi đầu têu lũ trẻ con lau nhau thi thố khả năng nghịch ngợm quanh mấy đống rơm. Chúng tôi vật nhau giữa những cọng rơm được phơi tái, đã mềm mềm, còn nồng mùi đồng nội” [13, tr.25]. Người ta thường nói, ngôn ngữ là công cụ để chuyển tải cảm xúc, để thể hiện tình cảm của con người. Với Bích Lan, trên những trang viết, đó là cơ hội thể cô thể hiện tình cảm với làng quê, với gia đình khi đi học xa nhà: “Tôi vẫn còn nhớ những buổi sáng đẹp trời, ngập tràn nắng gió. Chúng tôi đạp xe băng băng trên con đường xuyên qua những cánh đồng lúa rộng ngút ngát, nghe gió thổi vi vu trong rặng phi lao dài tít tắp, nghe niềm vui tuổi thơ tự do reo lên trong lòng theo những vòng xe. Ở cuối con đường ấy là trường học, là bạn bè, là những điều mới mẻ không ai có thể đoán trước. Buổi trưa ở cuối con đường là nhà, là nồi cơm tỏa hương, là không khí gia đình ấm áp. Về niềm hạnh phúc giản dị đó mà chị em tôi hăng hái đạp xe đi về” [13, tr.50].
Đôi khi Bích Lan sử dụng những câu tục ngữ để biểu đạt trường hợp của mình: “Tục ngữ có câu: “Cái khó ló cái khôn”. Vì không có thầy dạy, không có bạn học để trao đổi nên tôi phải tìm mọi cách để tạo cơ hội thực hành những gì mình đã học” [13, tr.94]. Khi ngôn ngữ thường ngày, không biểu đạt đầy đủ nội dung cần chuyển tải thì tục ngữ là kho tàng được lựa chọn. Ngoài ra, ngôn ngữ trong tự truyện của Bích Lan còn nổi bật với cách lựa chọn từ ngữ để so sánh. Khi Bích Lan nói về mẹ trong giai đoạn bố âm thầm bỏ đi, để mặc cho ba đứa con đang tuổi ăn học, riêng cô thì phải chống chọi với bệnh tật. Lúc ấy, Bích Lan đã ví nỗi buồn của mẹ như “những cơn sóng ngầm dưới lòng biển sâu”, chỉ bằng một câu ấy bạn đọc có thể hiểu được sức chịu đựng
hy sinh của người làm mẹ là như thế nào. Bích Lan hiểu rõ lòng mẹ, cô luôn trân trọng và biết ơn sâu sắc những tình cảm, hi sinh của mẹ dành cho mình.
Bên cạnh đó, tác giả đôi khi còn đặt ra những tiền giả định và tự dự đoán những hệ quả xảy ra trong suy nghĩ của bạn đọc: “Nếu bạn là độc giả của cuốn Mạch buồn thì chắn chắn bạn sẽ dừng lại giây lâu trước ảnh bìa cũng như những bức ảnh được in ở các trang cuối của cuốn sách …” (nói về bộ mặt của chiến tranh) [13, tr.165]. Hay ở một đoạn khác trong tác phẩm: “Nếu bạn đã đọc từ đầu cuốn tự truyện này có lẽ bạn sẽ không đặt câu hỏi, nhờ có phép mầu nào mà (…) một cô gái mắc bệnh nan y (…) trở thành một nhân vật được giới thiệu tại một trong những bảo tàng quốc gia” [13, tr.188]. Cũng cách thức đó, có lúc tác giả dùng câu hỏi, hỏi nhưng không phải để nhận được câu trả lời mà như đối thoại với bạn đọc: “Bạn có nghĩ rằng việc tự học suốt đời là dễ dàng không? Chắc chắn không!” [13, tr.91]. Những chiêm nghiệm về cuộc sống trong cuốn tự truyện có khá nhiều, mục đích viết tự truyện là để chia sẻ với bạn đọc nên ngôn ngữ được Bích Lan sử dụng thể hiện ngắn gọn, nhưng sâu sắc: “Sống trên đời này con người ta cần phải trải qua nỗi buồn để hiểu được giá trị của niềm vui, biết trân trọng và nâng niu hạnh phúc” [13, tr.259].
Người ta nói ngôn ngữ là chất liệu cơ bản của văn học, nếu không có ngôn ngữ thì không có tác phẩm văn học và cũng không thể hình thành nên phong cách của nhà văn. Nguyễn Bích Lan đã vận dụng ngôn ngữ để tạo nên tác phẩm nghệ thuật, nhằm chuyển tải hình tượng nhân vật trung tâm với những trạng thái, diễn biến của tâm lí, cảm xúc chủ thể cũng đồng thời hiện lên với những sắc thái khác nhau. Mặc dù phương thức chính được Bích Lan sử dụng là tự sự, song lối kể chuyện quá khứ của cô không hề rườm rà, mà thường hàm súc ngắn gọn, gợi lên được nhiều chiều suy nghĩ sâu xa. Qua đó, có thể thấy được những diễn biến tâm lí, những dòng văn giản dị như đánh thức những cảm xúc, những khả năng vốn có của độc giả để họ thêm yêu mến
một con người giàu có về nghị lực sống như Bích Lan. Bởi tự truyện được viết bởi một cô gái có nghị lực phi thường với khát khao được cống hiến, sống để “gieo mầm hy vọng”, ngôn ngữ được sử dụng trong tác phẩm luôn gợi lên cảm xúc, tình cảm sâu sắc mà tác giả dành cho bạn bè, người thân và cho cả độc giả của mình. Đọc tự truyện, người đọc luôn có cảm giác tin yêu và nể phục một con người giàu có về nghị lực trong suốt hành trình vượt khó mà số phận đã dành cho Nguyễn Bích Lan.