5. Bố cục khóa luận
2.2.3. Cho và nhận – “Dám sống với đam mê để gieo mầm hy vọng”
Cuộc sống luôn tồn tại hai chiều, chiều “cho” và chiều “nhận”. Nhưng thỉnh thoảng cũng xuất hiện chiều thứ ba, đó là không dám nhận và cũng chẳng muốn cho. “Cho” không có nghĩa là khi chúng ta có đầy đủ về vật chất mới có thể giúp đỡ người khác, mà đôi khi chỉ cần một lời hỏi han, một lời động viên đúng lúc để giúp người khác có thêm sức mạnh, niềm tin và nghị lực sống. “Nhận” không phải là thu vén tất cả mọi thứ về mình, “nhận” là quá trình được bắt nguồn từ sự “cho”, cho đi để rồi một ngày nào đó con người ta sẽ nhận lại, đó là quá trình hết sức tự nhiên của cuộc sống. “Cho và nhận” không bao hàm sự tính toán, nó xuất phát từ tấm lòng của con người mà ra, làm được những điều đó, con người sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc tràn ngập từ trong sâu thẳm trái tim, hạnh phúc đó đang đến từ chính hành động đẹp đẽ của chính bản thân mình.
Ở cuối chương thứ nhất, tác giả đã chia sẻ một chút về sự chiêm nghiệm cuộc sống: “Tôi nghĩ rằng khi cuộc sống cho tôi cái may mắn có thể cảm nhận hạnh phúc từ mức độ giản dị nhất đến tầm lớn lao nhất thì đó cũng chính là cơ hội để tôi chia sẻ hạnh phúc với những người khác” [13, tr.232]. “Cho và nhận” có thể nói là nghĩa cử cao đẹp nhất của con người, bởi “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, con người cũng đừng quên đi nhiệm vụ cao cả ấy. Cuộc sống vốn dĩ không hoàn hảo, không có điều gì là trọn vẹn, mỗi cá thể con người là những điểm khuyết mà tạo hóa đã ban cho. Song, đó không phải là những sai lầm mà là cơ hội để con người hoàn thành quy luật “bù trừ” cho nhau để cuộc sống luôn được gắn kết yêu thương, để tình cảm của con người luôn được san sẻ. Con người ta chỉ cần có: “ý chí, lòng quyết tâm và sự kiên trì (…) những thứ nhỏ bé, ít ỏi đó qua sự lao động bền bỉ và sáng tạo có thể trở thành những hạt giống quý giá làm nên mùa màng” [13, tr.251] cho mai sau.
Nghĩa cử cao đẹp của Bích Lan qua cuốn tự truyện Không gục ngã như
một thông điệp gửi đến tất cả độc giả khi đón nhận cuốn tự truyện này. Chắc có lẽ, khi gấp lại trang sách, đã có không ít người trăn trở, thắc mắc, giống như một người bạn trẻ ở Hải Dương của Bích Lan đã từng đặt ra câu hỏi (trong bức thư gửi cho Bích Lan): “Sao những người bình thường như em mà chưa làm được gì có ích cho gia đình và cho xã hội” [13, tr.234]. Với Bích Lan, dù “của cải” có trong tay không nhiều, nhưng cô sẵn sàng cho đi: “Bạn hãy cho đi những gì người khác thực sự cần để giá trị của sự giúp đỡ được phát huy ở mức cao nhất. Bạn hãy tạo ra những phương tiện, những công cụ lao động, chiếc “cần câu” và chia sẻ nó với những người đang cần những thứ ấy để họ tự câu lấy những con cá. Như thế, việc “cho” sẽ bền vững, sẽ được nhân lên nhiều lần” [13, tr.284-285]. Cái thế giới mà Bích Lan đã sống chỉ ở đằng sau cánh cổng nhà, thứ mà cô có được là những cuốn sách, thế giới bên
ngoài đến với cô qua những cuốn sách ấy và sau này là internet. Nhưng cô đã không ngần ngại cho đi những thứ ít ỏi mà mình có được. Cho đi vật chất thôi chưa đủ, cái vốn giàu có nhất mà cô sở hữu được, đó là nghị lực, cô cũng cho đi. Cho đi, tức là gieo những hạt giống trên những vùng đất mới để rồi chúng: “lặng lẽ nảy mầm ở một nơi nào đó rất xa, rất xa…” [13, tr.101].
Khi cho đi, ắt sẽ nhận lại, đó là quy luật tất yếu của cuộc sống, đó là điều mà chính tác giả đã nghiệm ra: “Bạn hãy nhận lấy những công cụ giúp bạn tự lao động và tự tạo ra thành quả từ chính bàn tay và khối óc của mình. Và khi bạn đã có được thành quả đó, bạn hãy chia những gì đã từng giúp ích cho bạn tới những người đang thật sự cần nó để nhân rộng giá trị của sự chia sẻ. Và bạn hãy chia sẻ những giá trị sống đích thực bạn xây dựng, tích lũy được trong hành trình tồn tại của mình trên đời này. Hãy chia sẻ bài học về sự can đảm, tinh thần vượt khó bằng chính cách bạn đương đầu với khó khăn. Hãy cho đi những bài học về sự quan tâm, tình yêu thương bằng chính cách sống đầy tình người của bạn” [13, tr.286]. Bằng việc nhặt nhạnh những hạt mầm từ cuộc sống quanh mình, người con gái có số phận nghiệt ngã đã ươm trồng nên những câu chuyện hồn hậu cho người đọc và cho chính mình. Bằng cách cho đi tri thức như một hành động cao cả để tri ân cuộc đời, cô gái trẻ đã nhận lại nhiều hơn thế! Những thế hệ học trò của lớp học Cây táo đã lần lượt trưởng thành và thành đạt với lựa chọn ngoại ngữ. Chắc có lẽ không ai quên được hình ảnh của cô giáo Lan chịu thương chịu khó để truyền đạt tri thức đến những đứa trẻ ham học, cho đến những năm về sau, khi những cô cậu học trò ngày ấy đã lập gia đình đều bồng bế nhau về làng quê nhỏ thăm cô giáo Nguyễn Bích Lan. Kể cả hơn hai mươi cuốn sách dịch đến với tay bạn đọc cũng là công sức, sự kiên nhẫn, miệt mài với mong muốn mang đến cho độc giả bản dịch sát với nguyên tác của Nguyễn Bích Lan. Cô chính là chiếc cầu nối, chuyển tải tri thức, văn hóa của các nước đến với độc giả Việt Nam.
Có thể nói, “Cho” và “nhận” cũng giống như cặp phạm trù “nhân”, “quả”, trong Triết học. Trên đời này luôn có luật “nhân”, “quả”, “gieo gió thì sẽ gặp bão”, nếu chúng ta biết yêu thương người thì cũng sẽ được yêu thương trở lại, khi chúng ta giúp người khác thì cũng chính là lúc chúng ta tự giúp mình. Khi chúng ta cho đi cũng chính là lúc chúng ta nhận lại, là lúc chúng ta tạo được những điều kỳ diệu nhất của cuộc sống.
Bằng cách sử dụng chất liệu thật từ chính cuộc đời của mình, nhà văn
Nguyễn Bích Lan đã tạo nên một văn bản nghệ thuật. Tự truyện Không gục
ngã không chỉ là cách để Bích Lan quay về với quá khứ, tái hiện lại đoạn đời
đã qua mà đó còn là sự trở về tìm kiếm cái tôi bản thể, tìm kiếm thế giới bên trong của tác giả để chiêm nghiệm lại những gì đã trôi qua trong cuộc đời. Trong thực tế tự truyện bao gồm cả yếu “tố truyện” và yếu tố “tự thân” của người viết tự truyện. Người viết tự truyện có khi vận dụng, hư cấu, thêm thắt
hoặc sắp xếp lại các chi tiết của cuộc đời mình. Có lẽ, chính vì vậy mà Không
gục ngã trở thành tác phẩm hay về lẽ sống cho tất cả mọi người. Đọc tác
phẩm, đôi khi độc giả nhìn thấy mình trong đó, bởi những sự kiện những diễn biến tâm lí được tác giả “tái tạo lại” trên cái nền của sự thật làm nên cảm xúc chung cho tất cả mọi người. Một Nguyễn Bích Lan có thật, nay đã không còn là một bản thể riêng biệt nữa, tác giả nhân danh cái tôi có thật trong đời sống để làm nên một hình mẫu trong văn học, một kiểu mẫu con người giàu có về nghị lực sống với những nghĩa cử cao đẹp.
Chương 3
Tự truyện Không gục ngã - Nhìn từ một số phương thức nghệ thuật