5. Bố cục khóa luận
2.2.2. Biết đứng lên và bắt đầu cuộc sống “từ những gì còn lại”
Thông thường, khi con người bất ngờ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống, họ sẽ rơi vào chán nản, tuyệt vọng, bi quan và thậm chí là muốn chết đi. Trong trường hợp này, ngoài yếu tố hỗ trợ từ bên ngoài: gia đình, người thân, bạn bè phải thường xuyên bên cạnh, an ủi, động viên. Thì nội lực của bản thân người đó mới chính là yếu tố quyết định.
Khi có nội lực, bằng việc chấp nhận những nghiệt ngã, Bích Lan đã đứng lên trước cú ngã của số phận. Với tinh thần “Không gục ngã”, còn một chút sức lực ở đôi chân, Bích Lan đã vực mình dậy và bắt đầu con đường mới. Vì nội lực trong người cô còn đó, vì những người thân luôn bên cạnh sẵn sàng chia sẻ tận tình, giúp đỡ cô hết mình. Đó là may mắn lớn nhất trong đời mà Bích Lan luôn trân trọng: “niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời tôi là
niềm hạnh phúc có được một gia đình giàu tình yêu thương” [13, tr.228]. Cũng giống như Euripiues đã từng nói: “Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống chọi lại những tai ương của số mệnh”. Chính từ gia đình, Bích Lan đã có đủ “sức đề kháng” để vượt qua những tai ương của số phận, bắt đầu một cuộc đời mới. Gia đình luôn là nơi trú ngụ bình yên nhất trong cuộc đời mỗi người, nhưng với Bích Lan, thời điểm cô cần được chở che nhất cũng là khi gia đình cô khuyết đi bóng dáng của người cha, vì những nút thắt của cuộc sống, bố của Bích Lan đã âm thầm bỏ đi. Với một đứa con gái, lại đang mang căn bệnh quái ác, không có bố bên cạnh có khác gì mất đi một trợ lý tinh thần. Nhưng Bích Lan vẫn trân trọng những gì còn lại, cô vẫn còn có mẹ, có bà, có chị gái và em trai, những người vẫn luôn bên cạnh an ủi, chở che.
Vẫn biết căn bệnh mình đang mang chưa có thuốc đặc trị, nhưng với tình yêu thương của gia đình, lòng tin yêu cuộc sống, Bích Lan đã đứng dậy bằng chính đôi chân gần như đã mất hết sức lực. Hai tay chỉ đủ sức dùng để nâng “một viên phấn”, nhưng tinh thần vẫn luôn kiên định cộng với lòng quyết tâm Bích Lan đã làm thay đổi cuộc sống của mình. Cô biết rằng: “Số phận đã đặt ra cho tôi những thử thách to lớn, nhưng chính trong hành trình vượt qua những thử thách đó tôi tìm thấy hạnh phúc (…) Tôi cho rằng hạnh phúc lớn lao và bền vững không nằm ở những bục cao, không ngự trên những tượng đài mà ở ngay trong cuộc sống đời thường của chúng ta” [13, tr.217]. Trong khi, ở ngoài cuộc sống kia, đã có không biết bao nhiêu người cứ mải miết đi tìm hạnh phúc ở tận những nơi xa xôi nhưng lại không hề biết rằng, hạnh phúc ở ngay bên cạnh mình, từ những điều giản dị nhất. Chính nghịch cảnh đã dạy cho Bích Lan biết trân trọng, nâng niu cuộc sống, vấp ngã có hề gì với Nguyễn Bích Lan, khi bản thân cô biết tự học cách đứng dậy và bắt đầu cuộc đời mới cho mình.
Đối với những ai là độc giả thường xuyên của Báo Tuổi Trẻ, chắc có lẽ cũng đã biết đến Nguyễn Bích Lan. Trước khi xuất bản cuốn tự truyện này, cô đã viết rất nhiều bài thơ, truyện ngắn và được đăng trên Báo Tuổi Trẻ. Đó là những thành quả văn chương đầu tiên của riêng cô, được viết nên bằng sự miệt mài, lặng lẽ. Người ta thường nói, văn tức là đời, hiện thực cuộc sống hiển nhiên làm chất liệu, xoay quanh những câu chuyện đời tư của Bích Lan. Đâu đó trong những tác phẩm truyện ngắn, thơ, độc giả có thể bắt gặp hình ảnh cô bé với những ước mong được nhảy chân sáo trên con đường làng (Người cha điếc), đó là những chuỗi ngày triền miên đấu tranh với bệnh tật nhưng bản thân nhân vật vẫn tiếp tục sống có ích bằng việc gieo chữ vào tâm hồn trẻ thơ (Sống trong chờ đợi),… Mỗi câu chuyện là một lát cắt nhỏ trong cuộc sống của nhà văn Nguyễn Bích Lan, tất cả được chắt lọc, lồng ghép đa dạng như vốn có của cuộc sống thực tại kết hợp với sự sáng tạo của mình, nhà văn đã tạo nên những món ăn tinh thần cho bạn đọc. Lòng yêu thích văn học đã đưa Bích Lan đến với sáng tác văn học, dẫu biết rằng: “Sáng tác văn học là cái nghiệp nặng nề chứa đựng nhiều thách thức đối với những ai lựa chọn nó. Nhưng cũng giống như những sự nghiệp chân chính khác, nghiệp văn chương cũng mang đến cho người theo đuổi nó niềm hạnh phúc” [13, tr.201]. Nhà văn
Dạ Ngân, người viết lời giới thiệu cho cuốn sách Sống trong chờ đợi của Bích
Lan đã đánh giá, nhìn nhận về những giá trị mà Bích Lan đã mang đến cho độc giả: “nhà văn đã vớt lên được rất nhiều điều, cho tôi, cho bạn, và cho độc giả trong thời buổi viết được một truyện ngắn hay hoặc làm được một bài thơ đáng đọc thật khó (…) May là có những tác giả xa khuất, miệt mài như Nguyễn Bích Lan” [12, tr.9].
Không ai có thể làm thay đổi cuộc sống của người khác ngoài chính bản thân họ. Những điều mới mẻ và đẹp đẽ luôn chờ những ai biết cách bắt đầu lại khi mọi thứ vượt khỏi tầm tay với, bằng những gì còn lại, với một sự khởi đầu
mới, hãy tin rằng: mọi thứ đều có thể khác đi. Và cuộc đời của Bích Lan đã mở sang một trang mới, hoàn hảo hơn, tốt đẹp hơn. Ít ai có thể ngờ được nữ dịch giả của hôm nay đã phải đấu tranh với bệnh tật như thế nào để nhận được những thành quả xứng đáng cho mình. Ngày 23/01/2011 Nguyễn Bích Lan
nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 cho bản dịch Triệu
phú ổ chuột. Với 22 cuốn sách văn học dịch, đặc biệt với giải thưởng dành
cho bản dịch Triệu phú ổ chuột, Nguyễn Bích Lan trở thành nhà văn. Chị là
một trong 26 người được kết nạp vào Hội nhà văn có tuổi đời trẻ nhất Hội. Cũng trong năm 2010, Nguyễn Bích Lan còn nhận được giải thưởng đặc biệt của cuộc thi Sáng tác về người khuyết tật và làm việc do bộ thương binh xã hội Việt Nam và Bộ Lao động – Xã hội Đức tổ chức nhân dịp lễ kỉ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tháng 10/2010, Nguyễn Bích Lan trở thành một trong tám người phụ nữ đương đại được Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam tôn vinh.