5. Bố cục khóa luận
3.4.2. Thời gian nghiêm ngặt trong hành trình tìm nguồn sống mới
Hai bốn tiếng đồng hồ trôi qua trong một ngày, nếu không dành một khoảng thời gian để ngủ thì với một cô gái mắc bệnh như Bích Lan khoảng thời gian còn lại sẽ như thế nào. Ngày đã trở nên quá dài đối với Bích Lan kể từ khi cô biết mình mắc bệnh. Câu hỏi đặt ra là “phải làm gì cho hết mười hai giờ đồng hồ phía trước”. Không khóc vì đau đớn, Bích Lan đã khóc vì ngày cứ dài vô tận, nỗi bất lực khi bản thân không biết phải làm gì để giết bớt thời gian, cô nhìn vào tận hư vô, những nỗi trống rỗng đang vây lấy tâm hồn. Với lý do chính đáng ấy, Bích Lan đã có điều kiện thiết lập lại thời khóa biểu cho những chuỗi ngày nhàm chán.
Tự học ngoại ngữ, Bích Lan vừa giải quyết vấn đề tri thức, vừa giải quyết được quỹ thời gian “quá dài” chỉ để chờ đợi của mình. Bích Lan từng trải qua những ngày dằng dặc và chông chênh khi thời gian trở thành nỗi ám ảnh: “Buổi sáng hễ cứ mở mắt ra là y như rằng tôi phải đối mặt với nỗi sợ khủng khiếp: phải làm gì cho hết mười hai giờ đồng hồ phía trước. Có cách nào để giết từng giờ, từng phút, từng giây? (…) Không khóc vì đau. Không khóc vì tuyệt vọng. Nhưng tôi đã khóc vì ngày của mình dài quá mà chẳng có cách nào giết chết thời gian” [13, tr.88]. Với sáng kiến mới về ngoại ngữ như một lực hấp dẫn vô hình, Bích Lan đã tận dụng khoảng thời gian tưởng chừng vô ích ấy để làm nên kỳ tích cho mình. Bắt đầu bằng việc học lỏm tiếng Anh từ em trai, chuỗi thời gian vô tận ấy đã dần trở nên có ích với Bích Lan hơn bao giờ hết. Từ học lỏm chuyển sang tự học, việc tự áp đặt kỷ luật cho bản thân trở nên có ý nghĩa: “dành sáu tiếng một ngày cho việc tự học tiếng Anh. Tôi chấp nhận rằng bảy ngày trong tuần của mình đều có các bài học giăng khắp. Tôi chấp nhận học ngữ pháp ba buổi một tuần và phải học viết, học đọc vào những buổi còn lại. Tôi cũng chấp nhận những buổi sát hạch định kì do chính mình đặt ra” [13, tr.93]. Tất cả được thiết lập, quỹ thời gian này đã được tận dụng hết tính năng, Bích Lan đã đặt mình vào kỷ luật mới, nghiêm ngặt về thời gian, cảm giác mất phương hướng dường như không còn nữa: “Kể từ khi việc tuân theo thời khóa biểu trở thành việc hiển nhiên đối với tôi, ngày của tôi có mục đích rõ ràng hơn bao giờ hết. Tôi có lý do để thức dậy sớm mỗi buổi sáng. Khi tôi đã ngồi vào bàn học, không gì có thể làm tâm trí tôi lạc khỏi bài học (…) Căn phòng 10m2 nơi tôi ngồi học là một thế giới riêng. Thế giới ấy chỉ có tôi và tiếng Anh” [13, tr.94]. Quá trình ấy được lặp đi lặp lại trong suốt ba năm, một cô gái vốn không thể tự mình vận động cơ thể đã tận dụng tất cả thời gian có được ngồi giữa bốn bức tường và hầu như không bước chân ra khỏi ngõ.
Khi tìm được hi vọng mới để khắc phục nỗi sợ hãi về thời gian với Bích Lan: “Việc học tập trung cao độ của tôi “nuốt” đi từng giờ đồng hồ” [13,
tr.94]. Thời gian đã từng trôi đi trong sự vô ích nay lại trở thành thứ hữu ích cho Bích Lan tận dụng để dung nạp món ăn tinh thần. Thời gian như “một kẻ thong thả” nay lại bị thuần phục trong một khuôn khổ học tập của Bích Lan. Nếu bạn đọc đã từng có cảm giác ngày dài lê thê theo mạch truyện của tác giả thì nay lại nhận ra sự dồn dập, “thiếu thốn” thời gian, cảm thấy gấp gáp như hùa theo guồng quay, kỷ luật mà Bích Lan đã đặt ra cho bản thân mình. Có lẽ, con người chỉ có cảm giác được sống khi họ tự làm chủ được thời gian. Bích Lan cũng vậy, khi cô thiết lập được thời gian “nghiêm ngặt” cho mình và bắt đầu “hành trình đi tìm nguồn sống mới”, cô mới lại cảm nhận được cuộc sống với muôn vàn điều ý nghĩa xung quanh mình.
Bên cạnh việc tác giả để cho thời gian “ngưng đọng” khi nhân vật sống chung với bệnh tật ở giai đoạn đầu, thì ở giai đoạn sau tác giả lại mở ra thời gian “nghiêm ngặt” khi nhân vật dần bắt nhịp với một kỷ luật mới cho quá trình tự học của mình. Nhà văn đã đặt thời gian trong một khuôn khổ để cho nhân vật không còn cảm nhận sự bất lực của bản thân, thay vào đó, chủ thể thiết lập lại thời gian, không hề chạy trốn mà dồn hết tâm huyết của mình, tuân thủ những quy định của bản thân, chạy đua với thời gian để được học và vượt thoát khỏi ý chí, nghị lực để vươn lên.
Khi bị cuộc đời đẩy đến đường cùng, thời gian có lẽ là thứ mà Bích Lan cảm thấy “dư giả” nhất. Cảm giác bất lực mà Bích Lan từng có là đã để thời gian trôi đi vô ích. Vậy nên, hành trình đi tìm nguồn sống mới trong thời gian “nghiêm ngặt” là cơ hội giải thoát sự nhàm chán, giải thoát cho một cuộc đời vô vị đối với Bích Lan. Việc tác giả đưa ra thời gian “nghiêm ngặt” như vậy làm mất đi tính chất dàn trải như trước, nay được tác giả kéo căng ra nhằm mở ra khoảng thời gian mà nhân vật đã không ngừng cố gắng để vượt qua mọi trở ngại, tuân theo những kỷ luật “sắt” để tự học ngoại ngữ, sống chung với bệnh tật và tìm một con đường mới trong cuộc đời.