5. Bố cục khóa luận
3.3.2. Không gian “Từ căn phòng nhỏ đến bảo tàng lớn”
Mở từng trang sách, bạn đọc như đang giở lại từng không gian bé nhỏ trong cuộc sống của Nguyễn Bích Lan. Bên cạnh những không gian “sáng” của một thời rong đuổi thơ dại vẫn thường trực trong tâm hồn của Bích Lan còn có không gian của những căn phòng. Hơn hai mươi năm sống chung với bệnh tật, Bích Lan luôn phải đối diện với bốn bức tường vây quanh. Người ta
nói, không gian là cái bình chứa, chứa đựng mọi thứ trong đó, nó bao hàm cả cái không thể sờ nắm được, đó là thời gian. Căn phòng của Bích Lan, như một thế giới thu nhỏ, chứa đựng cả một quảng đời bất hạnh của cô gái trẻ, đó còn là nơi chứng kiến những nổ lực không ngừng vượt khó để sống chung với bệnh tật, đó cũng là nơi chứa đựng tất cả những thành quả mà Bích Lan đã tự mình gặt hái trong suốt thời gian qua.
Căn phòng Bích Lan ở, là nơi thường ngày dõi theo diễn biến căn bệnh của Bích Lan. Hằng ngày, Bích Lan phải đối mặt với những bức tường bất động, cuộc sống đã có lúc trở nên nhàm chán, cũ rích, vì mọi thứ cứ thế lặp đi lặp lại: “Đối với tôi, phía bên kia của bốn bậc thềm là một thế giới khác hẳn với cái thế giới của bốn bức tường mà tôi buộc phải quen. Đó là thế giới của bầu trời rộng mở muôn hướng, của muôn mảnh vườn với những luống rau xanh mướt, những khóm chuối, những búi cỏ dại, là thế giới của những con vật nuôi và côn trùng” [13, tr.84]. Khi tầm mắt bị ngăn cách, không gian trở nên chật chội, nỗi khát khao được vươn ra với thế giới bên ngoài như trỗi dậy trong cô. Tuy nhiên, những điều được cho là quá đỗi bình thường với biết bao con người ấy lại là tất cả những gì mà Bích Lan từng phải “tạm chia tay”.
Cũng từ căn phòng nhàm chán này, là nơi đầu tiên hứng lấy những âm thanh lạ của thứ ngôn ngữ lạ, gợi nên trong Bích Lan sự tò mò, hứng thú. Khi giọng đọc tiếng Anh của em trai cứ “oang oang”, ngồi trong căn phòng của mình, đối với Bích Lan lúc đó “Những từ ấy như những mảnh nhỏ của một cái gì đó rất thực, rất lạ lẫm, rất dễ gợi tò mò đã ào ạt bay vào thế giới trống rỗng của tôi. Tôi dùng tâm trí chộp lấy những mảnh nhỏ đó như một đứa trẻ chộp lấy những món đồ chơi mới mà nó hằng ao ước” [13, tr.89]. Với sự khởi đầu ấy, căn phòng cũng dần trở thành nơi chứng kiến Bích Lan tự học ngoại ngữ như thế nào. Những khó khăn khi tự học ngoại ngữ, những đấu tranh với cái lạnh cắt da của miền bắc, những cơn đau không hứa hẹn kéo đến, Bích
Lan vẫn một mình trong căn phòng ấy, tuân theo kỷ luật của bản thân mình đặt ra. Những tháng ngày phải sống giữa bốn bức tường, lặng nhìn tuổi thanh xuân trôi qua, phảng phất những câu chuyện cưới xin của bạn bè cùng trang lứa, Bích Lan không dám để những nỗi buồn nổi lên “Tôi sợ không kiểm soát được nỗi buồn khi cảm thấy cuộc đời mình khuyết mất những tháng năm thanh xuân” [13, tr.104-105]. Không gian trong căn phòng cứ hiện ra, lặng lẽ soi chiếu một chặng đời miệt mài không ngừng nghỉ của Bích Lan. Đây cũng là nơi, Bích Lan đón dịch hơn hai mươi đầu sách gắn với cả một quá trình dài làm “con ngựa thồ văn hóa” đưa bạn đọc đến với những vùng đất xa xôi để biết, để hiểu thêm về cuộc sống của một số nước trên thế giới. Đáp lại những năm tháng ấy, về sau căn phòng của Bích Lan cũng dần trở nên rộn ràng, căn bệnh vẫn chưa có thuốc đặc trị nhưng lòng yêu đời của Bích Lan vẫn tràn trề, âm nhạc đôi lúc cũng vang lên trong không gian ấy, đó là “những bản rock & roll của Elvis Presley, của The Beatles, những bản rock Ballad của Scorpion, Guns & Roses, Nirvana thay nhau gieo vào không gian riêng tư của tôi sự mới mẻ, ngọt ngào, tha thiết” [13, tr.102-103]. Và khi những phóng sự về “Cô gái không gục ngã” được đăng tải trên các bài báo Tuổi trẻ đến với tay bạn đọc, ngôi nhà của Bích Lan trở thành điểm đến của nhiều độc giả. Ngôi nhà đã trở thành nơi đón tiếp những “vị khách không mời”, vì lòng ái mộ nghị lực của cô gái trẻ, những con người ở những vùng đất xa xôi cả trong lẫn ngoài nước đã tìm đến thăm hỏi Bích Lan.
Bằng chính sự nổ lực của bản thân, Nguyễn Bích Lan đã tạo ra phép
màu cho cuộc sống của mình. Từ căn phòng 10m2 ở một làng quê xa xôi, một
cô gái mắc bệnh nan y, từng dang dở việc học khi vừa hoàn thành xong chương trình cấp hai đã trở thành một nhân vật được giới thiệu tại một trong những bảo tàng quốc gia. Bắt đầu bằng chính khả năng, nghị lực tại một không gian bé nhỏ, Bích Lan đã lần lượt đưa bạn đọc đến với một thế giới đầy
ao ước – nơi tôn vinh những con người tài năng, cống hiến hết mình. Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam, có lẽ là điểm đến xứng đáng với một con người giàu nghị lực như Nguyễn Bích Lan.
Có thể nói, khoảng cách không gian từ “căn phòng nhỏ” đến “bảo tàng lớn” khá xa, không thể một bước mà chạm tới được. Đặc biệt với một cô gái bệnh tật như Nguyễn Bích Lan, hành trình ấy thực sự rất khó khăn và gian khổ. Đây là không gian mở cho tác phẩm, vừa là hướng đi cho ngòi bút, vừa là hướng đi cho tương lai của nhân vật. Việc tác giả khắc họa không gian theo chiều hướng tích cực ấy, đã cho bạn đọc thấy được hành trình của cô gái “Không gục ngã” với những trở ngại và chính tinh thần vượt khó kết hợp với một nghị lực phi thường đã giúp cô từng bước dịch chuyển đến “bảo tàng lớn” làm nên thành công trong đời.