Các đặc trưng của phong cách ngôn ngữ cổ động

Một phần của tài liệu 26090 17122020072129LVPhanThiThangLoi (Trang 25 - 27)

7. Bố cục đề tài

1.2.2.Các đặc trưng của phong cách ngôn ngữ cổ động

Dựa vào các chức năng của phong cách ngôn ngữ cổ động, nhóm tác giả Võ Bình – Lê Anh Hiền – Cù Đình Tú – Nguyễn Thái Hòa đã đưa ra các đặc trưng của phong cách ngôn ngữ cổ động gồm: tính tác động, tính cảm xúc và tính ngắn gọn [6, tr.88]. Chúng tôi thống nhất với 3 đặc trưng trên của ngôn ngữ cổ động, đồng thời nghiên cứu một số đặc trưng ngôn ngữ của các phong cách ngôn ngữ khác có chức năng gần giống với ngôn ngữ cổ động, chúng tôi nhận thấy ngôn ngữ cổ động cũng có thêm 2 đặc trưng: tính thời sự (như ngôn ngữ của phong cách báo chí và phong cách chính luận) và tính chiến đấu (như ngôn ngữ của phong cách báo chí).

Như vậy phong cách ngôn ngữ cổ động có các đặc trưng như sau:

a. Tính tác động

Ngôn ngữ cổ động đánh mạnh vào nhu cầu, nguyện vọng, thị hiếu của đông đảo quần chúng, kêu gọi, thúc giục người ta phải hành động, mời mọc khuyến khích người ta tham gia vào một việc gì đó.

Ví dụ:

“Đoàn kết ra sức thi đua xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu mạnh, văn minh!”;

“Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng!”;

Trong các áp phích cổ động (áp phích nghệ thuật, áp phích cổ động bầu cử..) còn kèm theo tranh vẽ, màu sắc vui tươi đập mạnh vào thị giác của mọi người.

b. Tính cảm xúc

Ngôn ngữ cổ động có màu sắc cảm xúc phong phú, thể hiện trong kết cấu và cả trong cách trình bày. Phần lớn các khẩu hiệu đều ở dạng cảm thán, cầu khiến.

Ví dụ:

“Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!”; “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”;

“Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!”; “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!”;

“Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!”…

c. Tính ngắn gọn

Ngôn ngữ cổ động là thứ ngôn ngữ ngắn gọn bậc nhất, hàm súc bật nhất. Có khi chỉ có một từ hay một ngữ. Các khẩu hiệu chính trị có thể thâu tóm toàn bộ sách lược, chiến lược đấu tranh trong một thời gian dài mà muốn chứng minh có khi phải viết cả một cuốn sách hay một loạt sách. Ví dụ: “Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước

mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Hoặc khẩu hiệu của Đại hội Đảng

Thành phố Đà Nẵng lần thứ XXI là: “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới”.

d.Tính thời sự

Tính thời sự thể hiện ở chỗ là các câu khẩu hiệu luôn bám sát những vấn đề thời sự nóng hổi, các vấn đề bức xức của xã hội nhất như an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm…Hoặc đôi khi nội dung của khẩu hiệu chính trị là những thông tin thời sự về các sự kiện chính trị xã hội sắp diễn ra… Ví dụ:

“Nhiệt liệt hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2015” “Nhiệt liệt chào mừng Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021”.

e. Tính chiến đấu

Khẩu hiệu là công cụ đấu tranh chính trị hữu hiệu được các tổ chức Đảng phái triệt để tận dụng phục vụ cho cuộc đấu tranh tư tưởng, chính trị của giai cấp mình.

Cụ thể đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, khẩu hiệu chính trị chính là một công cụ, phương tiện hữu hiệu, là vũ khí sắc bén cho cuộc đấu tranh với các luận điệu sai trái của thế lực thù địch hiện nay. Ví dụ:

“Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!” “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!”

Có thể nói, ngôn ngữ cổ động có hiệu lực lớn trong đời sống hằng ngày, có vai trò động viên tổ chức đời sống phục vụ những nhu cầu thiết thực của nhân dân.

Một phần của tài liệu 26090 17122020072129LVPhanThiThangLoi (Trang 25 - 27)