7. Bố cục đề tài
2.1.2. Chữ viết, chính tả, cách trình bày
a. Chữ viết và kiểu chữ
Theo Nguyễn Thiện Giáp, thuật ngữ “chữ viết” chỉ chung hệ thống kí hiệu dùng để ghi lại ngôn ngữ. Nếu ngôn ngữ là hệ thống kí hiệu thì chữ viết là hệ thống kí hiệu của kí hiệu [23, tr.113].
Tác giả Vương Hữu Lễ, trong giáo trình Ngữ âm tiếng Việt, đã đưa ra khái niệm về chữ viết. Đó là hệ thống tín hiệu thị giác (gồm những đường nét) để ghi các âm thanh của ngôn ngữ vốn là những tín hiệu thính giác. Chữ viết không phải là ngữ âm, nó chỉ dùng để biểu thị ngữ âm mà thôi. Đối với loài người, chữ viết có tác dụng rất lớn. Chữ viết là công cụ phát triển của xã hội, nó tích lũy thành tựu của loài người trong việc nhận thức và cải tạo thiên nhiên và xã hội. Ngôn ngữ có hai mặt: ngữ âm và ngữ nghĩa. Vì vậy cũng có hai loại chữ viết là chữ ghi ý và chữ ghi âm [37, tr.109]. Trong tiếng Việt hiện nay, chữ viết (theo kiểu chữ ghi âm) là chữ quốc ngữ được xây dựng theo nguyên tắc ghi âm bằng chữ Latin. Chữ viết trong các khẩu hiệu đều sử dụng hệ thống chữ quốc ngữ này.
b. Chính tả
Nguyễn Thiện Giáp chỉ rõ: “Chính tả là hệ thống chuẩn cho chữ viết của một ngôn ngữ. Nó gồm một hệ thống chữ viết đặc biệt, một hệ thống chuẩn của cách viết và một hệ thống chuẩn của dấu chấm câu” [23, tr.130].
Chính tả là viết đúng theo các quy tắc của một hệ thống chữ viết. Tuy là những kí hiệu để ghi âm, nhưng mỗi hệ thống chữ viết có thể có những phản ánh ngữ âm khác nhau và cách phản ánh có thể không chính xác, thậm chí mâu thuẫn. Dẫu vậy, khi chính tả đã được xã hội chấp nhận rồi thì người sử dụng phải tuân thủ và coi đó là mẫu mực, nếu viết khác đi sẽ bị xem là sai [37, tr.124].
Vì vậy, các điểm cần lưu ý trong nội dung của chính tả là:
-Xác định và thực hiện cách viết đúng các từ ngữ theo quy tắc của hệ thống chữ viết. Ví dụ, chữ Việt phân biệt các con chữ tr/ch, s/x, d/gi và quy định phải viết cho đúng chính tả đối với các từ ngữ như trân châu, xổ số, dân gian…
- Xác định và thực hiện các quy tắc khác: viết hoa, phiên âm, dùng dấu câu. Chính tả là một mặt của vấn đề chuẩn hóa ngôn ngữ. So với chính âm, chính tả có yêu cầu chuẩn mực cao hơn rất nhiều. Ta có thể nói năng không theo chính âm nhưng viết thì không cho phép tùy tiện sai chính tả.
Từ các nội dung về chính tả nêu trên, chúng tôi nhận thấy: chính tả của ngôn ngữ khẩu hiệu chính trị tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy tắc về chính tả tiếng Việt. Phạm vi giao tiếp của ngôn ngữ cổ động có tính chính thức, diễn ra rộng khắp đến đông đảo người dân, cộng đồng nên hướng về chuẩn mực của chính tả là một yêu cầu tất yếu. Với những chuẩn mực của chính tả được trình bày ở bên trên, xem xét trên bản chữ viết của 500 câu khẩu hiệu, chúng tôi không ghi nhận có trường hợp nào vi phạm các quy định, chuẩn mực của chính tả hiện nay. Đó là sự tuân thủ cách ghi đánh dấu thanh điệu, cách viết hoa, cách viết tắt, dấu câu, cách ghi phiên âm tên nước ngoài…
Một số ví dụ:
“Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ TP Đà Nẵng!”
“Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là ngày hội toàn dân”
“Hãy hành động vì mục tiêu: Không còn người nhiễm mới HIV!”
“Đầu tư cho công tác Dân số - KHHGĐ là đầu tư cho sự phát triển bền vững” “Ma túy – hiểm họa của cộng đồng”
Qua khảo sát, không có các hiện tượng viết tắt hoặc hiện tượng sai chính tả do lỗi không phân biệt các âm đầu (như g/gh, ch/tr, s/x, d/gi, gi/r, v/d…) hoặc lỗi nhẫm lẫn giữa các vần: ai/ay/ây, ao/au, iu/iêu, ông/ong, ưi/ươi, an/ang, at/ac, ă/ăng, ăt/ăc, et/ec, ưt/ưc... hoặc cách ghi dấu thanh điệu trên chữ viết. Tuy nhiên, trong các câu khẩu hiệu được khảo sát, nổi lên một hiện tượng mà cần phải có sự thống nhất là cách viết hoa trong một số trường hợp của các khẩu hiệu.
Ví dụ trong các câu khẩu hiệu đôi lúc vẫn bắt gặp cách viết: “…Thành phố Đà
Nẵng/thành phố Đà Nẵng…”, “…Quận Hải Châu/quận Hải Châu…”, “…Chủ tịch Hồ Chí Minh/Chủ Tịch Hồ Chí Minh…”, “…Nghị quyết/nghị quyết…”, “…Cuộc vận động/cuộc vận động …”, “Quyết tâm thực hiện thắng lợi Chiến lược Biển Việt Nam/chiến lược Biển Việt Nam…”
Nói về quy cách viết hoa trong tiếng Việt hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần tranh luận. Đối với ngôn ngữ cổ động trong các câu khẩu hiệu mà luận văn đang nghiên cứu là khẩu hiệu chính trị, cần lấy các quy định về cách viết hoa trong các văn bản hành chính để áp dụng cho viết hoa trong khẩu hiệu chính trị là cần thiết bởi chủ thể của các phát ngôn trong khẩu hiệu loại này chính là các tổ chức chính trị xã hội, các nhà lãnh đạo, đại diện các tổ chức thuộc bộ máy hành chính…Vì vậy cần lấy Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/1/2011 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết về viết hoa trong văn bản hành chính để áp dụng cho ngôn ngữ khẩu hiệu chính trị (đây là điểm khác so với ngôn ngữ trong các khẩu hiệu thương mại).
Theo đó, chỉ có thể viết hoa vì: phép đặt câu, danh từ riêng chỉ tên người, tên địa lý, tên cơ quan tổ chức, tên các huân chương, huy chương, các danh hiệu vinh dự, tên chức vụ, học vị, danh hiệu, danh từ chung đã riêng hóa, tên các ngày lễ, ngày kỉ niệm, tên các sự kiện lịch sử và các triều đại, tên các loại văn bản, tên các
tác phẩm, sách báo, tạp chí, tên các năm âm lịch, ngày tiết, ngày tết, ngày và tháng trong năm, tên gọi các tôn giáo, giáo phái, ngày lễ tôn giáo.
Trong khẩu hiệu chính trị không có sự tham gia của sơ đồ, kí hiệu nhưng đặc biệt có sự xuất hiện của những con số. Đó thường là đơn vị chỉ ngày tháng, thứ tự, số lượng đánh dấu những sự kiện có ý nghĩa, có tác dụng bổ sung, cụ thể hóa thông tin. Tuy nhiên cũng cần chú ý là ngày tháng năm phải là chữ số Ả Rập nhưng lần thứ thường là chữ số La Mã, cũng có trường hợp dùng chữ số Ả Rập. Một số ví dụ:
“Kỉ niệm81 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2011)!”
“Nhiệt liệt chào mừng cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016!”
“Nhiệt liệt chào mừng kỉ niệm 66 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2011) và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2011)!”
“Đội mũ bảo hiểm giảm được 80% tỷ lệ chấn thương sọ não.”
c. Cách trình bày
Trên các băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu thường được viết cùng cỡ chữ, với kiểu chữ in hoa trang trọng, rõ ràng. Đôi khi chúng ta vẫn bắt gặp một vài trường hợp trong khẩu hiệu có một số chữ in lớn hơn nhằm gây sự chú ý vào nội dung, chủ đề chính mà thông điệp của khẩu hiệu muốn truyền tải đến người đọc. Trên băng rôn, khẩu hiệu thường trình bày chỉ 1 dòng, còn trên áp phích, pano thì có thể trình bày trên nhiều dòng. Một số ví dụ:
“HÃY NÓI KHÔNG VỚI MA TÚY”
“MA TÚY – HIỂM HỌA CỦA CỘNG ĐỒNG”
“TẤT CẢ VÌ MỤC TIÊU: DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”
Tóm lại, về mặt ngữ âm và chữ viết, khẩu hiệu chính trị luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực về chính âm, chính tả và chữ viết. Để thực hiện tốt chức năng thông tin, các câu khẩu hiệu có số lượng âm tiết tương đối cao với trên
30 âm tiết trở lên. Để làm tốt chức năng tác động, giúp người nghe, người đọc dễ ghi nhớ, gây ấn tượng mạnh và sức thu hút, các khẩu hiệu cần sử dụng ít âm tiết hơn, khoảng từ 10 âm tiết – 15 âm tiết, dùng các cách ngắt nhịp, vần điệu, từ, cụm từ, nhất là sử dụng các âm tiết cuối của câu có mang thanh điệu cao để tạo ngữ điệu cho khẩu hiệu, giúp khẩu hiệu đi vào lòng người, tăng hiệu quả cho khẩu hiệu trong công tác tuyên truyền cổ động hiện nay.