Theo thống kê năm 2016, UBND thành phố ban hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền 58 quyết định với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 3 tỷ đồng (Trong đó 11 quyết định xử phạt hành chính về đất đai với số tiền 126,5 triệu đồng, 47 quyết định xử phạt vi phạm hành chính vê lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước với số tiền 2,915 tỷ đồng). Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND thành phố ban hành 03 quyết định thu hồi đất với tổng diện tích thu hồi 1.955,9 m2 đất vi phạm pháp luật đất đai,...
Tình hình đó cho thấy nhiều địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến công tác quản lý đất đai, thậm chí còn buông lỏng, né tránh e ngại trong phát hiện và xử lý vi phạm. Để từng bước đưa công tác quản lý đất đai tại đi vào nề nếp; tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân về quyền và nghĩa vụ trong việc quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên đất đai. Từng bước ngăn chặn, hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng buông lỏng quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên đất trái phép, không đúng quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đi đôi với xử lý cương quyết, dứt điểm số vụ vi phạm Luật đất đai; Thành ủy, UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội và cơ quan có thẩm quyền tại thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện việc xử lý số vụ vi phạm Luật đất đai trong đó có Kế hoạch số 210/KH-UBND, tổ chức thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến năm 2020” tại Thành phố Hà Nội nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Kết quả bước đầu đã xử lý được một số các vi phạm, ngăn chặn các vi phạm phát sinh, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai (Hương Dung, 2017).