Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.3. Xử lý vi phạm hành chính về đất đai trong cả nước và một số địa phương
VÀ MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG
2.3.1. Xử lý vi phạm hành chính về đất đai trong cả nước
Nhằm phát hiện và xử lý dứt điểm các sai phạm, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước góp phần nâng cao hiệu lực pháp luật về đất đai trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1675/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2016 về việc phê duyệt Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến năm 2020.
Trước các vi phạm về quản lý đất đai diễn ra tại nhiều nơi, nhiều lĩnh vực có liên quan, thời gian qua cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường công tác tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về những hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng đất. Theo Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ khi thiết lập đường dây nóng (tháng 4-2016) đến nay, cơ quan này đã tiếp nhận khoảng 1.700 thông tin phản ánh tình hình sai phạm về đất đai, trong đó chủ yếu là tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu liên quan đến công tác cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay, cả nước đã có 48 địa phương thiết lập và công bố đường dây nóng. Thông qua công tác tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến đất đai nhanh chóng, công khai, minh bạch, nhiều vụ việc đã được xử lý nghiêm, hiệu quả trong quản lý được nâng cao, đặc biệt, qua đó đã được nhân dân hoan nghênh, hưởng ứng. Tuy nhiên, dù đã được tăng cường, đổi mới trong quản lý, song các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này ở một số nơi còn diễn biến phức tạp, vẫn xảy ra các vi phạm liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất tại các dự án chưa được làm rõ, chấn chỉnh kịp thời, dẫn đến khiếu kiện kéo dài gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước và lòng tin của người dân,...
Nguyên nhân khách quan do đất đai là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân; một số quy định về đất đai chưa thật sự đồng bộ với pháp luật khác có liên quan; công tác tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật về đất đai vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là một số địa phương, một bộ phận cán bộ có liên quan chưa làm tốt vai trò được giao. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh công tác quản lý đất đai trong thời gian tới, các cơ quan có trách nhiệm và các địa phương cần tiếp tục tổ chức thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, tăng cường công tác tổ chức tiếp nhận, xử lý tốt phản ánh của nhân dân về các vi phạm về đất đai; nắm bắt, xử lý kịp thời các thông tin mà báo chí và dư luận quan tâm. Thực hiện hiệu quả vấn đề này, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển (Dũng Minh, 2016).
2.3.2. Xử lý vi phạm hành chính về đất đai tại tỉnh Vĩnh Phúc
Trong thời gian qua, tình trạng các công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, không đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng,.. vẫn xảy ra nhiều, phức tạp tại một số địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc. Nhất là tình trạng
xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, lấn chiếm vỉa hè, hành lang an toàn giao thông có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng môi trường, gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Trước tình trạng đó, các cấp chính quyền chưa có biện pháp xử lý, ngăn chặn, răn đe chưa đủ mạnh. heo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, các hành vi vi phạm Luật Đất đai chủ yếu là lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích để xây dựng nhà, công trình trên đất nông nghiệp, dựng lều, quán bán hàng trên đất hành lang giao thông,… Hết tháng 12/2016, các cấp, ngành đã kiểm tra, lập hồ sơ xử lý 10.365 trường hợp, trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 2.164 trường hợp; vận động tháo dỡ 3.320 trường hợp; tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm đối với 643 trường hợp; rà soát, công nhận quyền sử dụng đất cho 4.238 trường hợp.
Trước tình hình đó, tháng 5/2012 UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10 về việc tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình sử dụng đất đai; công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố, thị xã nếu để xảy ra hành vi lấn chiếm làm nhà trái phép, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích, khai thác đất trên địa bàn quản lý. Đồng thời, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khóa 15 đã ban hành Nghị quyết 81 về tăng cường việc thực hiện chính sách pháp luật quản lý đất đai tại tỉnh. Thực hiện Nghị quyết, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm số vụ vi phạm Luật Đất đai. Với các biện pháp nêu trên, cộng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, nhất là trong việc tháo gỡ những vướng mắc từ cơ sở, những vi phạm đất đai trên địa bàn tỉnh đã dần được đẩy lùi. Kết quả, từ ngày 1/7/2014 đến hết ngày 31/8/2015, toàn tỉnh còn 350 vụ vi phạm lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích với diện tích 21.470m2 đất (Bích Phượng, 2017).
2.3.3. Xử lý vi phạm hành chính về đất đai tại thành phố Hà Nội
Theo thống kê năm 2016, UBND thành phố ban hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền 58 quyết định với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 3 tỷ đồng (Trong đó 11 quyết định xử phạt hành chính về đất đai với số tiền 126,5 triệu đồng, 47 quyết định xử phạt vi phạm hành chính vê lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước với số tiền 2,915 tỷ đồng). Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND thành phố ban hành 03 quyết định thu hồi đất với tổng diện tích thu hồi 1.955,9 m2 đất vi phạm pháp luật đất đai,...
Tình hình đó cho thấy nhiều địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến công tác quản lý đất đai, thậm chí còn buông lỏng, né tránh e ngại trong phát hiện và xử lý vi phạm. Để từng bước đưa công tác quản lý đất đai tại đi vào nề nếp; tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân về quyền và nghĩa vụ trong việc quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên đất đai. Từng bước ngăn chặn, hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng buông lỏng quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên đất trái phép, không đúng quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đi đôi với xử lý cương quyết, dứt điểm số vụ vi phạm Luật đất đai; Thành ủy, UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội và cơ quan có thẩm quyền tại thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện việc xử lý số vụ vi phạm Luật đất đai trong đó có Kế hoạch số 210/KH-UBND, tổ chức thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến năm 2020” tại Thành phố Hà Nội nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Kết quả bước đầu đã xử lý được một số các vi phạm, ngăn chặn các vi phạm phát sinh, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai (Hương Dung, 2017).
2.3.4. Xử lý vi phạm hành chính về đất đai tại tỉnh Bắc Ninh
Tỉnh Bắc Ninh, sau 20 năm (1997-2017) tái lập, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã từng bước đi vào nề nếp. Việc quản lý sử dụng đất đai ngày càng hiệu quả, góp phần tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về đất đai cho phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ. Tuy nhiên công tác quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót, chưa được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, trong đó có tình hình vi phạm và xử lý VPHC trong quản lý, sử dụng đất đai “Tình trạng lấn, chiếm, làm nhà trái phép trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang, chuyển đổi, chuyển nhượng đất ở, đất nông nghiệp không đúng pháp luật, không đúng thẩm quyền diễn ra phổ biến ở các địa phương,…”
Đã có hàng nghìn vụ vi phạm Luật đất đai ở các thời điểm khác nhau, mức độ nặng, nhẹ khác nhau dưới nhiều hình thức. Tình trạng vi phạm Luật đất đai diễn biến phức tạp, giải quyết gặp nhiều khó khăn, thời gian giải quyết kéo dài đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý đất đai, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên
và nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh năm 2016 tại toàn tỉnh đã có 1.587 vụ vi phạm Luật đất đai dưới hình thức lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và đất hành lang giao thông,... với tổng diện tích đất vi phạm gần 32.89 ha.
Các tổ chức và cá nhân có thẩm quyền đã ban hành 1.213 quyết định xử phạt vi phạm hành, với tổng số tiền phạt thu trên một tỷ đồng. nhiều vụ sẵn sàng nộp phạt rồi lại tiếp tục vi phạm, không khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất như trước khi vi phạm. Vận động tự giác tháo dỡ được 109 vụ vi phạm, đạt tỷ lệ 6,86%; qua đây cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của người vi phạm còn hạn chế đó là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác xử lý. Tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm 73 vụ vi phạm, đạt tỷ lệ 4,59%. Nhìn chung, các vụ việc vi phạm xảy ra tại đều được các cơ quan, đơn vị phát hiện và xử lý kịp thời.
2.3.5. Nhận xét chung
Nhìn chung qua kết quả xử lý vi phạm hành chính về đất đai trong cả nước nói chung, một số tỉnh, thành phố như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội,… Có thể thấy rằng công tác xử lý vi phạm hành chính về đất đai đều được các địa phương chú trọng và đạt được những kết quả nhất định. Để đạt được những kết quả nêu trên có sự chỉ đạo quyết liêt của các cấp ủy đảng, chính quyền, đồng thời đã ban hành các văn bản, các Nghị quyết chuyên đề về xử lý vi phạm hành chính về đất đai để tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Tuy nhiên dù đã được tăng cường trong quản lý, song ở nhiều địa phương vẫn còn xảy ra các vi phạm trong sử dụng đất của người dân chưa được xử lý kịp thời dứt điểm.
Nguyên nhân chủ yếu do đất đai có nguồn gốc phức tạp, chính sách thay đổi qua các thời kỳ; ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận không nhỏ người dân chưa cao; việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai chưa thường xuyên; có nơi chính quyền địa phương còn tình trạng buông lỏng trong công tác quản lý đất đai,… Trong khi đó, trình tự, thủ tục lập hồ sơ xử lý vi phạm còn phức tạp, mất nhiều thời gian, khi củng cố xong hồ sơ thì giá trị tài sản vi phạm lớn làm cho thái độ cản trở, chống đối của các đối tượng vi phạm càng quyết liệt hơn.