Nhân tố ngành

Một phần của tài liệu giải pháp phát triển thị trường cho xí nghiệp may minh hà (Trang 34 - 36)

5. Tổng quan nghiên cứu

1.3.2 Nhân tố ngành

1.3.2.1 Nhà cung cấp

Là những nguồn cung ứng sẽ cung cấp các yếu tố đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùa doanh nghiệp: nguyên vật liệu, vật tư, máy móc trang thiết bị, nước, điện,... các yếu tố đầu vào này ảnh hưởng một cách trực tiếp đến mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, quá trình hoạt động của các bộ phận phòng ban, chí phí sản xuất, năng suất hoạt động của doanh nghiệp qua từng giai đoạn.

Nhà cung cấp được xem như là một nguy cơ tiểm ẩn bởi họ có thể đòi hỏi nâng chi phí cung ứng đầu vào hay giảm chất lượng của sản phẩm cung ứng. Và vì vậy sẽ làm cho lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút.

Nhà cung ứng cũng có thể gây áp lực lên các doanh nghiệp trong các tình huống sau:

- Trên thị trường số lượng các nhà cung cấp là ít và doanh nghiệp không có nhiều quyền lựa chọn. Vì vậy các nhà cung cấp sẽ là độc quyền và doanh nghiệp buộc phải tuân theo các yêu cầu của họ mà rất hiếm khi có các đàm phán thương thảo. Gây ra tình trạng ép giá và doanh nghiệp sẽ phải mua với mức giá cao hơn nhiều so với giá trị thực của nó.

- Việc thay thế các nguồn nguyên liệu đầu vào là khó, nên phần lớn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị phụ thuộc vào nguồn cung của nhà cung cấp đồng nghĩa với việc áp lực đến từ nhà cung cấp sẽ ngày một tăng cao. Điều này sẽ càng trở nên nghiêm trọng nếu các nguồn cung đầu vào có vai trò quan trọng trong hoạt động hoạt xuất kinh doanh.

- Số lượng sản phẩm đầu vào mà doanh nghiệp mua từ nhà cung cấp là nhỏ hoặc có tỷ trọng không cao trong sản lượng của nhà cung cấp.

- Việc tìm kiếm và thay thế một nhà cung cấp mới đòi hỏi chi phí rất cao đối với doanh nghiệp.

Chính do những điều nêu trên, việc nắm bắt thông tin nhanh chóng và kịp thời về nhà cung cấp là vô cùng cần thiết, là cơ sở dữ liệu vô cùng quan trọng để giúp doanh nghiệp đưa ra định hướng chiến lược kinh doanh dài hạn, giúp cho quá trình sản xuất kinh doanh thông suốt và liền mạch.

Để đảm bảo nguồn cung yếu tố đầu vào là liên tục và ổn định, doanh nghiệp cần phải có những chính sách giúp tăng cường các mối quan hệ cũng như hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp. Một khi doanh nghiệp đã có sự phối hợp nhịp nhàng và ăn ý với đối tác, thì sẽ có thể cung cấp ra thị trường những sản phẩm dịch vụ với chất lượng là tốt nhất.

1.3.2.2 Đối thủ cạnh tranh

Việt Nam đang trên con đường xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp sẽ kinh doanh và cạnh tranh nhau một cách công bằng và sòng phẳng nhất theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp nào cung cấp được sản phẩm dịch vụ chất lượng tốt, giá cả phải chăng, nắm bắt được tâm lý và thị hiếu của người tiêu dùng thì sẽ có được lợi thế cạnh tranh rất lớn và thậm chí có thể chiếm lĩnh được thị trường. Ở đâu cũng vậy, có cạnh tranh thì mới có phát triển, nó sẽ giúp các doanh nghiệp tự hoàn thiện chính mình, doanh nghiệp nếu muốn tiếp tục theo đuổi cuộc chơi thì không còn cách nào khác là phải tự cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động để tạo điều kiện giảm giá thành, hạ giá cả, nắm bắt nhanh chóng và kịp thời các biến động trên thị trường,...

Doanh nghiệp chịu áp lực từ 2 loại đối thủ cạnh tranh trên trên thị trường: một là đối thủ tiềm ẩn và hai là đối thủ hiện tại đang cạnh tranh trực tiếp trên thị trường.

Đối thủ tiềm ẩn (DTTA)

DTTA chính là các công ty, doanh nghiệp hiện nay chưa trực tiếp cạnh tranh nhưng có khả năng sẽ cạnh tranh với doanh nghiệp trong tương lai gần. Nó không chỉ tăng thêm áp lực cạnh tranh lên doanh nghiệp mà còn lên cả các đối thủ cạnh tranh khác trong cùng ngành. Khả năng cạnh tranh của DTTA được đánh giá qua “rào cản ngăn chặn gia nhập ngành” và “tốc độ tăng trưởng của ngành”.

Rào cản ngăn chặn gia nhập ngành có thể hiểu là khoản chi phí mà một công ty hay doanh nghiệp phải bỏ ra để có thể tham gia kinh doanh về một mặt hàng hay một lĩnh vực nào đó. Chi phí này càng cao đồng nghĩa với việc rào cản gia nhập ngày càng cao và ngược lại. Có các loại rào cản gia nhập chính sau đây:

- Đầu tiên đó là việc tin dùng của khách hàng đối với sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp đã có mặt lâu ở trên thị trường. Thông thường, các sản phẩm này đã xây dựng được uy tín về chất lượng, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hay khả năng chuyên biệt hóa sản phẩm cao. Việc trung thành của người tiêu dùng với những sản phẩm này sẽ là bài toán lớn mà doanh nghiệp cần giải được, nếu không sẽ khó lòng chiếm được thị phần và trụ vững trên thị trường. Các doanh nghiệp sẽ phải tốn kém rất nhiều nguồn lực mới có thể công phá được niềm ưu ái mà người tiêu dùng đã dành cho các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh và có những khách hàng cho riêng mình.

- Các doanh nghiệp đã có mặt lâu trên thị trường thường có ưu thế tuyệt đối về giá thành. Họ sẽ áp dụng chiến lược cạnh tranh về giá để gia tăng áp lực lên các công ty hay doanh nghiệp muốn xâm nhập vào ngành.

- Lợi thế kinh tế theo quy mô, trong hầu hết loại hình sản xuất, khi quy mô sản xuất kinh doanh mở rộng tới một mức nào đó đồng nghĩa với việc chi phí bình quân để tạo ra một sản phẩm cũng giảm theo. Do vậy, nó cũng giúp cho những doanh nghiệp đi trước có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp mới gia nhập ngành.

Tốc độ tăng trưởng của ngành càng cao thì áp lực từ việc có thêm những đối thủ gia nhập ngành càng lớn. Khi đó miếng bánh thị trường đã bị xé nhỏ và giằng xé quyết liệt thì nay lại càng khốc liệt hơn.

Tổng kết lại, thì nếu như rào cản gia nhập thì trường thấp và ngành đang có tốc độ tăng trưởng cao thì sẽ có nhiều đối thủ tiềm ẩn xuất hiện và ngược lại.

Đối thủ hiện tại (DTHT)

Không giống DTTA, đây là những doanh nghiệp cùng ngành đang cạnh tranh trực tiếp từng ngày từng giờ với doanh nghiệp trên thị trường. Việc đưa ra các chiến lược kinh doanh, chính sách cũng như hoạt động của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất nhiều vào số lượng, quy mô của các đối thủ này. Cạnh tranh càng lớn, doanh nghiệp phải hạ giá sản phẩm, cải tiến nâng cấp và đưa ra sản phẩm mới, đẩy mạnh tiếp thị quảng cáo,... sẽ làm tăng chi phí hoạt động do đó giảm lợi nhuận.

Người xưa có câu: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”, việc tìm hiểu và đánh giá đúng về đối thủ cạnh tranh là vô cùng quan trọng. Thông tin về các đối thủ ở từng khu vực thị trường, từng phân khúc thị trường sẽ giúp doanh nghiệp cân nhắc và tính toán để đưa ra được chiến lược và các giải pháp kinh doanh có hiệu quả trong từng giai đoạn khác nhau.

Một phần của tài liệu giải pháp phát triển thị trường cho xí nghiệp may minh hà (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)