Sau thời gian gửi bảng khảo sát, tác giả thu về được 256 kết quả khảo sát hợp lệ và được đưa vào xử lý phân tích. Đặc điểm mẫu nghiên cứu được khái quát như sau:
Bảng 4.1: Thống kê đặc điểm mẫu nghiên cứu
Đặc điểm mẫu nghiên cứu Tần số Tỷ lệ (%)
Giới tính Nam 140 54,7 Nữ 116 45,3 Độtuổi Dưới 30 tuổi 62 24,2 Từ 30 đến 34 tuổi 104 40,6 Từ 35 đến 44 tuổi 78 30,5 Từ 45 tuổi trở lên 12 4,7 Trình độ học vấn Trung cấp 16 6,3 Cao đẳng 50 19,5 Đại học 168 65,6 Sau đại học 22 8,6 Vị trí công tác Nhân viên 191 74,6 Tổ phó/ tổ trưởng 44 17,2 Quản lý 21 8,2
Từ 3 - 7 năm 122 47,7
Từ 7 - 10 năm 79 30,9
Trên 10 năm 17 6,6
Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát
Về đặc điểm giới tính: Trong tổng số 256 mẫu khảo sát, có 140 người là nam, chiếm tỷ lệ 54,7% và 116 người là nữ, chiếm tỷ lệ 45,3%. Sự chênh lệch này phần nào phản ánh được đặc điểm của ngành dầu khí nói chung và mảng dịch vụ kỹ thuật nói riêng bởi đây được xem là một trong những ngành tương đối nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.
Về đặc điểm độ tuổi: có 62 người trong tổng số 256 người được hỏi có độ tuổi dưới 30, chiếm tỉ lệ 24,2%. Từ 30 đến 34 tuổi có số lượng đông đảo nhất là 104 người, đạt 40,6% trong khi nhóm người từ 35 đến 44 tuổi có 78 người, tỷ lệ 30,5%. Nhóm người có tỷ lệ thấp nhất nằm trong nhóm từ 45 tuổi trở lên, nhóm này chỉ có 12 người trong số những người khảo sát, chiếm 4,7%. Có thể thấy, lực lượng lao động của các doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật dầu khí nhìn chung tương đối trẻ, nhóm người dưới 35 tuổi chiếm đến gần 65%.
Về đặc điểm trình độ học vấn: chỉ có 16 nhân viên được hỏi có trình độ trung cấp, chiếm tỷ lệ 6,3%. Đây là nhóm có tỷ lệ thấp nhất trong số các nhóm được khảo sát. Nhóm nhân viên có trình độ cao đẳng có 50 người, đạt 19,5%. Số lượng nhân viên tốt nghiệp đại học có tỷ lệ đông đảo nhất khi có tới 168 người đạt trình độ này, chiếm tới 65,6%. Nhóm sau đại học có 22 người, đạt tỷ lệ 8,6%. Như vậy, nhóm nhân viên có trình độ từ đại học trở lên chiếm tỷ trọng rất cao khi chiếm gần 3/4 lực lượng lao động tại các doanh nghiệp. Với tính chất của một ngành đòi hỏi chất xám và ứng dụng khoa học kỹ thuật cao như ngành dầu khí thì nguồn nhân lực có chất lượng và trình độ cao là yếu tố bắt buộc phải có.
Về đặc điểm vị trí công tác: trong số 256 mẫu khảo sát thì có tới 191 người được hỏi đang đảm nhận công tác trong vai trò là nhân viên, đạt tỷ lệ 74,6%. Đây là nhóm người chiếm tỷ lệ cao nhất. Trên cấp bậc nhân viên là các tổ phó và tổ trưởng sẽ quản
lý trực tiếp các nhân viên của mình. Có 44 người được khảo sát đang đảm nhận các vị trí này, chiếm tỷ trọng 17,2%. Cấp bậc quản lý bao gồm các phó/ trưởng phòng ban, bộ phận có 21 người, đạt tỷ lệ 8,2%. Như vậy, có thể thấy, các cấp quản trị của
các công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được chia
thành 3 cấp theo thứ tự từ thấp lên cao bao gồm: nhà quản trị cấp cơ sở, nhà quản trị cấp trung và nhà quản trị cấp cao tương ứng với các vị trí: tổ phó/ tổ trưởng, phó/ trưởng bộ phận và giám đốc, chủ tịch công ty.
Về đặc điểm thâm niên công tác: có 38 đối tượng tham gia khảo sát có thâm niên dưới 3 năm chiếm tỷ lệ 14,8%, trong khi từ 3 đến 7 năm có số lượng đông đảo nhất với 122 người đạt tỷ lệ 47,7%. Chiếm 30,9% là nhóm người có thâm niên từ 7 đến 10 năm với 79 người. Trên 10 năm thâm niên có tỷ lệ ít nhất khi chỉ có 17 người được khảo sát trả lời họ gắn bó với công ty từ những ngày đầu thành lập, tỷ lệ 6,6%. Như vậy, tỷ lệ người gắn bó lâu với công ty từ 7 năm trở lên không quá cao, chỉ khoảng 37,5% trong khi phần lớn nhân viên có thâm niên dưới 7 năm có số lượng gần gấp đôi, đạt 62,5%.
Nhìn một cách tổng quát, các số liệu thu thập được đã phần nào phản ánh được đúng thực trạng nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí, đó là có sự chênh lệch về số lượng lao động nam và nữ, lực lượng lao động trẻ, có trình độ cao và mức độ trung thành của họ đối với doanh nghiệp tương đối thấp.