Phân loại tín dụng ngân hàng thương mại

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG CỦA TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG ĐẾN NỢ XẤU CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ (Trang 25 - 27)

Dựa trên các tiêu chí khác nhau để phân loại tín dụng ngân hàng, chẳng hạn như thời hạn cho vay, đảm bảo tiền vay, quy mô khách hàng, hình thức tài trợ tín dụng (Tô Ngọc Hưng, 2009; Nguyễn Văn Lê, 2014):

- Căn cứ vào thời hạn cho vay: tín dụng ngân hàng được chi thành tín dụng ngắn hạn, tín dụng trung hạn và tín dụng dài hạn.

• Tín dụng ngắn hạn: Là hoạt động tín dụng có thời hạn dưới 1 năm. Các khoản tín dụng ngắn hạn được cấp cho các đối tượng khách hàng có nhu cầu bổ sung sự thiếu hụt về nhu cầu vốn lưu động và nhu cầu chi tiêu của các cá nhân, hộ gia đình.

• Tín dụng trung hạn: Là hoạt động tín dụng có thời hạn từ 1 đến 3 năm. Loại hình tín dụng này được sử dụng chủ yếu để đầu tư tài sản cố định, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng hoặc triển khai các dự án mới có quy mô nhỏ và vừa cũng như thời gian thu hồi vốn nhanh.

• Tín dụng dài hạn: Là hoạt động tín dụng có thời hạn trên 3 năm. Mục đích của loại hình tín dụng dài hạn nhằm sử dụng chủ yếu để đầu tư các dự án dài hạn như: xây dựng nhà ở, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng mới… - Căn cứ vào đảm bảo tiền vay:

• Tín dụng có tài sản đảm bảo (TSĐB): là loại hình tín dụng mà các khoản cho vay đối với khách hàng đều có tài sản tương đương thế chấp, dưới một số hình thức như: cầm cố, thế chấp, chiết khấu hoặc bảo lãnh. Loại hình tín dụng này còn được gọi là tín dụng thế chấp.

• Tín dụng không có TSĐB: là loại hình tín dụng mà các khoản cho vay khách hàng không cần tài sản thế chấp mà chỉ dựa vào tín chấp. Loại hình này thường được áp dụng với khách hàng có mối quan hệ tín dụng lâu năm, có uy tín đối với ngân hàng, ngoài ra các đối tượng khách hàng này phải có tình hình tài chính lành mạnh để có thể hoàn trả nghĩa vụ nợ đầy đủ, đúng hạn bao gồm cả gốc lẫn lãi. Loại hình tín dụng này còn được xem là tín dụng tín chấp, và có rủi ro tín dụng cao hơn so với hình thức tín dụng thế chấp.

- Căn cứ vào quy mô khách hàng:

• Tín dụng đối với cá nhân, hộ gia đình: chủ thể vay vốn chính là các cá nhân, hộ gia đình, có nhu cầu vay vốn để kinh doanh và tiêu dùng.

• Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV): chủ thể vay vốn chính là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong những lĩnh vực khác nhau có quy mô nhỏ lẻ, nhu cầu vốn không lớn. Tiêu thức phân loại này có thể thay đổi trong quá trình phát triển kinh tế và đặc thù của mỗi quốc gia.

• Tín dụng đối với doanh nghiệp lớn: chủ thể vay vốn chính là các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô hoạt động kinh doanh lớn, các tập đoàn kinh tế, có khả năng cung cấp hàng hóa dịch vụ với số lượng lớn và ảnh hưởng chi phối nền kinh tế.

- Căn cứ theo hình thức tài trợ tín dụng:

• Cho vay từng lần, cho vay theo hạn mức tín dụng.

• Cho vay theo dự án đầu tư, cho vay hợp vốn, sử dụng thẻ tín dụng… • Cho thuê tài chính, bảo lãnh, chiết khấu thương phiếu…

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG CỦA TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG ĐẾN NỢ XẤU CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(91 trang)
w