Mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng và nợ xấu

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG CỦA TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG ĐẾN NỢ XẤU CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ (Trang 28 - 30)

CHƯƠNG 1 : GIỚI THIỆU

2.3 Mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng và nợ xấu

Mối quan hệ giữa của tăng trưởng tín dụng với nợ xấu được Keeton (1999) giải thích thông qua sự dịch chuyển các nhân tố chiều hướng tác động giữa tăng trưởng tín dụng và nợ xấu (Nguyễn Thị Hồng Vinh, 2017). Mối quan hệ giữa hai yếu tố này có thể là cùng chiều hoặc ngược chiều, tùy theo kết quả phạm vi và phương pháp nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới. Keeton (1999) cho rằng tăng trưởng tín dụng ảnh hưởng tích cực đến tỷ lệ nợ xấu, bởi vì khi các ngân hàng tăng lượng cung tín dụng, họ có thể hạ lãi suất cho vay và nới lỏng quy trình, thủ tục xét duyệt tín dụng để có thể thu hút các khách hàng vay vốn. Tương tự, Ahmad & Bashir (2013) đã chứng minh mối quan hệ cùng chiều giữa tăng trưởng tín dụng và nợ xấu. Hơn nữa, họ đưa ra giả thuyết về chính sách tín dụng theo chu kỳ, cho rằng sự tăng trưởng của nguồn cung tín dụng ngân hàng tuân theo một chu kỳ kinh doanh; điều đó có nghĩa là tín dụng tăng lên khi nền kinh tế đang bùng nổ bởi vì các ngân hàng nới lỏng các yêu cầu tín dụng của họ, và ngược lại.

Tuy nhiên theo nghiên cứu của nhóm tác giả Boudriga & cộng sự (2010) đã chứng minh sự gia tăng nguồn cung tín dụng làm giảm các khoản nợ xấu, cho thấy mối quan hệ ngược chiều giữa tăng trưởng tín dụng và nợ xấu. Nhóm tác giả đã lập luận rằng khi các ngân hàng cung cấp nhiều tín dụng hơn thì các ngân hàng cần có hệ thống chấm điểm tín dụng khách hàng và quản lý rủi ro tín dụng tốt để hạn chế nợ xấu.

Skarica (2014) nghiên cứu các nền kinh tế mới nổi của châu Âu; Festic và cộng sự (2011) đã phân tích năm quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU); Messai và Jouini (2013) đã nghiên cứu ba nền kinh tế châu Âu bị khủng hoảng là Hy Lạp, Ý và Tây

Ban Nha. Hầu hết các nghiên cứu này tìm thấy tác động cùng chiều của tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với các khoản nợ xấu.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã có những quan ngại tương tự về vấn đề tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam (Nguyen, 2018). Theo quan điểm của họ, thông thường tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đòi hỏi tăng trưởng tín dụng phảităng tương ứng. Do đó, khi Chính phủ nhắm đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn thì cũng có nghĩa là họ sẽ phải thực thi một chính sách tiền tệ nới lỏng tương ứng, làm tăng rủi ro bất ổn vĩ mô và nợ xấu gia tăng. Thêm vào đó, WB cũng đã cho rằng tăng trưởng tín dụng cao sẽ khuyến khích cho vay các lĩnh vực rủi ro và làm xấu đi chất lượng tài sản.

Tăng trưởng tín dụng nhanh có thể dẫn đến sự lựa chọn đối nghịch (adverse selection) và có thể đi kèm với việc giảm chất lượng tín dụng do việc chấp nhận rủi ro gia tăng trong những giai đoạn đó, ảnh hưởng xấu đến mức độ nợ xấu (Erdinç & Abazi, 2014). Suy thoái khiến chất lượng tín dụng giảm và nợ xấu (NPL) gia tăng.

Xu hướng tăng trưởng tín dụng ngân hàng cho phép chúng ta dự đoán các điều kiện kinh tế trong tương lai, và sự gia tăng tín dụng tăng trưởng nhanh có thể dẫn đến các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính tiếp theo từ đó làm chất lượng tín dụng dụng suy giảm và nợ xấu tăng lên, những điều đó thể dẫn đến suy thoái các hoạt động kinh tế (Awdeh, 2017). Có rất nhiều tài liệu thực nghiệm ghi nhận rằng nhiều cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra trước khi tăng trưởng tín dụng bất thường dẫn đến sự phát triển của bong bóng giá tài sản (Amador và cộng sự, 2013). Tăng trưởng tín dụng trong nước được coi là một trong những cảnh báo quan trọng nhất về khủng hoảng tài chính. Do đó, điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách phải biết các yếu tố quyết định tăng trưởng tín dụng để chủ động bảo vệ nền kinh tế của họ (Frömmel và Midilic, 2016). Để tránh các cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ tăng trưởng tín dụng, điều quan trọng là phải xác định nguyên nhân của tăng trưởng tín dụng và đẩy mạnh hoạt động quản trị chất lượng tín dụng của ngân hàng.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của tác giả Đặng Văn Dân (2018), khi tăng trưởng tín dụng của các NHTM tăng lên, các ngân hàng có xu hướng mở rộng hạn mức tín dụng đối với các KH vì khi đó việc định giá giá trị tài sản thế chấp có thể tăng lên trong chu kỳ tăng giá tài sản, và thường thì chu kỳ giá tài sản có xu hướng đi cùng chu kỳ tín dụng (Đặng Văn Dân, 2018). Khi tín dụng được mở rộng, điều này đặt ra cơ chế phản hồi làm tiếp tục tăng giá trị tài sản thế chấp và khuếch đại chu kỳ giá tài sản (Kiyotaki & Moore, 1997). Kết quả là, các ngân hàng sau cùng đã tài trợ cho người vay mà họ lẽ ra không thể tài trợ trước đó, nhưng sự gia tăng trong việc định giá tài sản thế chấp cho phép họ làm như vậy. Tuy nhiên, bất cứ khi nào có sự suy giảm về giá trị tài sản, các ngân hàng lập tức bị gánh nặng với các khoản nợ xấu (Đặng Văn Dân, 2018).

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG CỦA TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG ĐẾN NỢ XẤU CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ (Trang 28 - 30)