Nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý. Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa XII): Về “Tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”; Nghị quyết 45/2017/QH14 ngày 21/6/2017 thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016” do Quốc hội ban hành; Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ quy định của pháp luật về CPH DNNN, cụ thể hóa với từng địa phương để bảo đảm hiệu quả, tiến độ CPH.
Tiếp tục đẩy mạnh, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các DNNN theo hình thức chủ yếu là CPH, thoái vốn các DNNN, đảm bảo công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao nhất cho Nhà nước cũng như việc thực hiện quy định của pháp luật về CPH DNNN.
Củng cố mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cơ cấu lại của các DNNN. Tăng cường giám sát, kiểm tra của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu khác.
Tuyên truyền phổ biến kỹ các chủ trương chính sách về CPH cho người lao động trong doanh nghiệp và cán bộ, công chức Nhà nước thuộc các cơ quan quản lý. Đây là một giải pháp đặc biệt quan trọng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động với toàn Đảng bộ, chính quyền, đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp, người lao động và Nhân dân về chủ trương CPH DNNN để mọi người nhận thức đúng đắn những nội dung cơ bản trong chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ: CPH DNNN không phải là tư nhân hoá mà là quá trình chuyển đổi từ doanh nghiệp một chủ sở hữu thành doanh nghiệp đa sở hữu; CPH DNNN là biện pháp hữu hiệu để cơ cấu lại doanh nghiệp, từ đó lợi ích của các cổ đông, lợi ích của người lao động, lợi ích của Nhà nước, của xã hội mới được bảo đảm bền vững. Trên cơ sở quán triệt, thấu suốt đường lối chủ trương đó, các DNNN, người lao động và các cơ quan hữu quan sẽ có sự quan tâm và hưởng ứng tích cực. Vì vậy, cần thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị, hội thảo, khảo sát tại các doanh nghiệp đã CPH để tuyên truyền sự cần thiết phải CPH một bộ phận DNNN. Tạo sự nhất trí cao trong đảng bộ, chính quyền, sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, công nhân, viên chức hăng hái tham gia việc CPH trong thời gian tới. Do trình độ hiểu biết về kinh tế thị trường ở tỉnh Lai Châu còn thấp, nên đòi hỏi phải cập nhật các kiến thức chủ yếu này cho Nhân dân, các công ty, DNNN để họ nhiệt tình hưởng ứng, chấp hành chủ trương, chính sách CPH DNNN của Đảng, Nhà nước đã đề ra. Đồng thời, tỉnh cần tổ chức tiến hành việc phổ biến kinh nghiệm và thông tin về số doanh nghiệp đã CPH thành công để tăng cường niềm tin, sự ủng hộ của của các đối tượng. Cần khuyến khích mở rộng các hình thức tư vấn đầu tư, tư vấn CPH DNNN. Giải pháp này cần được tiến hành thường xuyên, kiên trì và kịp thời nhằm giải quyết được vấn đề nhận thức để tiến trình CPH DNNN được triển khai rộng rãi, đạt hiệu quả cao.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước: Vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh; rà soát, điều chỉnh lại các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2020 cho phù hợp với tình hình mới, trong đó, xây dựng các giải pháp ứng phó rủi ro, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực từ ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, thị trường, đề xuất, kiến nghị cụ thể giải pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau khi dịch kết thúc.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đối với người lao động, sắp xếp, bố trí lao động hợp lý, bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập ổn định, chăm lo đời sống cho người lao động. Trường hợp bất khả kháng phải cắt giảm tạm thời số lượng lao động, cần có chế độ, chính sách hỗ trợ, trợ cấp phù hợp, kịp thời.