Để tiến hành CPH, cần phải tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi và cần thiết. Chú trọng nâng cao hiệu quả thực hiện của các đạo luật quan trọng liên quan đến CPH và điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp được CPH như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Chứng khoán, ....
Đến nay, Nhà nước ta liên tục hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi đối với quá trình CPH. Các đạo luật đã có liên quan liên tục được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới như Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Bộ Luật lao động 2019, Luật Thương mại hợp nhất năm 2017, Luật Phá sản năm 2014, … và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần thường xuyên rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật để tạo điều kiện cho quá trình CPH DNNN ở Việt Nam đạt kết quả tốt.
Để thực hiện thành công chương trình CPH, kinh nghiệm các nước đều cho thấy, ngoài các việc khác thì Nhà nước phải chịu một khoản phí tổn nhất định như: các khoản chi phí cho sự ưu đãi đào tạo lại nghề và tìm việc làm mới giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với những người lao động bị mất việc làm trong các doanh nghiệp được CPH, hoặc chi phí cho bộ máy thực hiện quá trình CPH. Phải xử lý các khoản nợ khó đòi, thất thoát do đánh giá lại tài sản, .... Những khoản phí tổn này là cần thiết và có tác dụng đảm bảo sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội cho việc thực hiện một chương trình có tầm quan trọng lâu dài trong quá trình cải cách kinh tế ở các nước. Việt cũng không nằm trong ngoại lệ đó. Nó hoàn toàn cần thiết để bảo đảm cho chương trình CPH DNNN được thực hiện đạt kết quả tốt [14].
Thứ nhất, cần xây dựng khung pháp lý minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện cho việc đẩy nhanh quá trình CPH DNNN.
Thứ hai, thường xuyên rà soát, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung kịp thời. Đặc biệt là các quy định về CPH, bán, giải thể, phá sản doanh nghiệp phù hợp với hệ thống pháp luật mới ban hành. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sắp xếp CPH; hoàn thiện các nguyên tắc quản trị công ty theo hệ thống quốc tế áp dụng đối với công ty đại chúng.
Thứ ba, cần phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, mua bán nợ để thúc đẩy cổ phần hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, huy động vốn phụ vụ tái cơ cấu và sản xuất kinh doanh. Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu DNNN, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần chủ động nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền biện pháp giải quyết những vấn đề phát sinh; những vấn đề cần điều chỉnh liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách.
Thứ tư, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021-2025. Trong đó tập trung vào các nội dung như hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử lý dứt điểm những dự án thua lỗ, kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, xây dựng danh mục tiêu chí DNNN thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo hướng tạo chủ động, gắn trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định tiến độ thời gian việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ này đề xuất có cơ chế giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ năm, xây dựng đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021-2025 một cách toàn diện về tài chính, nguồn nhân lực, đổi mới công tác quản lý doanh nghiệp thông qua áp dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế, cơ cấu lại sản phẩm, ngành nghề phù hợp với mục tiêu phát triển của vùng kinh tế, định hướng phát triển của ngành, lĩnh vực hoạt động.
Thứ sáu, người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, DNNN trực thuộc tiến hành xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án cơ cấu lại doanh nghiệp; tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án được duyệt.