phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Thứ nhất, Hiện nay nhiều người vẫn quan niệm kinh tế nhà nước phải là thành phần kinh tế chủ đạo, giữ vai trò điều tiết nền kinh tế. Bởi vậy, theo logic, CPH sẽ làm giảm sức mạnh vật chất cũng như vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, thoát ly khỏi định hướng xã hội chủ nghĩa. Rõ ràng là khi nhìn vào hiệu quả của các DNNN trong những năm vừa qua, quan niệm này cần được xem xét, đánh giá tổng kết lại. Về mặt lý thuyết, sở hữu nhà nước luôn gặp phải vấn đề cố hữu - “cha chung không ai khóc”.
Thứ hai, Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa nghiêm. Đất đai và việc xác định giá trị đất là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho tiến độ cũng như kế hoạch CPH không đạt tiến độ. Thêm vào đó là việc xác định giá trị vô hình về thương hiệu; về giá trị sử dụng đất vào xác định giá trị doanh nghiệp gặp khó khăn, trong khi xác định giá trị hữu hình, giá trị nhìn thấy còn chưa xong. Cho đến bây giờ, không biết xác định giá trị doanh nghiệp như thế nào cho đúng quy định, cho phù hợp với tình hình, đặc điểm thực tế địa phương.
Thứ ba, Vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, phần vốn để CPH, thoái vốn khi chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần được Chính phủ quy định tại các Nghị định số: 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách
nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; 121/2020/NĐ- CP ngày 09/10/2020 sửa đổi Khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, đã được sửa đổi tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP; 140/2020/NĐ-CP ngày 31/11/2020 sửa đổi Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định 32/2018/NĐ-CP và các Quyết định số: 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển ĐVSNCL thành CTCP... Khâu rà soát phương án sắp xếp, xử lý nhà đất và phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp mất nhiều thời gian do sự phức tạp trong quy trình, thủ tục, nguồn gốc lịch sử, hồ sơ pháp lý đất đai phức tạp.
Hơn nữa, trong khi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP có nội dung chưa cụ thể dẫn đến cách hiểu khác nhau, gây lúng túng khi triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều nội dung về xác định lợi thế giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hằng năm, định giá thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử … quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP chưa được hướng dẫn cụ thể khiến cho việc xác định giá khởi điểm của doanh nghiệp dẫn đến khó khăn, ách tắc….
Thứ tư, Khung pháp lý quá phức tạp, chưa có sự rõ ràng nên rất khó để áp dụng. Nhất là đối với những địa phương vẫn còn khó khăn, chưa có đầy đủ cả trang thiết bị lẫn nhân lực để tiến hành công cuộc CPH DNN. Việc CPH DNNN và giải quyết các vấn đề phát sinh sau CPH quy định tại nhiều văn bản, chưa đồng bộ, thống nhất; thiếu hướng dẫn chi tiết, kịp thời của bộ, ngành liên quan (vấn đề tài chính, đất đai, con người, chế độ, …).
Thứ năm, Việc xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do Uỷ ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ CPH.
Đặc biệt là đối với tỉnh Lai Châu là một tỉnh thuộc vùng núi phía Tây Bắc, nơi cơ sở hạ tầng vẫn chưa được hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ, có hệ thống thì những nguyên nhân trên càng khiến cho quá trình CPH chậm, khó đạt được yêu cầu đã đề ra.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Chương 2 đã tập trung nghiên cứu thực trạng pháp luật CPH DNNN và tình hình và kết quả CPH DNNN ở tỉnh Lai Châu, trên cơ sở đó đã chỉ rõ các vấn để kinh tế - xã hội nảy sinh trong quá trình CPH DNNN của tỉnh. Thực tiễn chỉ rõ quá trình CPH DNNN tại Lai Châu đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực tại các doanh nghiệp này. Tuy nhiên nó cũng cho thấy: Các DN nhà nước nắm tỷ lệ cổ phần thấp, nhất là những CTCP mà Nhà nước không còn nắm cổ phần đã thực sự chủ động trong SXKD nên hiệu quả SXKD cao hơn, tạo được nhiều việc làm hơn so với trước CPH. Ngược lại, ở các CTCP mà Nhà nước giữ tỷ lệ cổ phần cao thường ít có sự thay đổi trong quản trị doanh nghiệp, trong nhân sự, tính tự chủ, chủ động của DN trong SXKD thấp, nhất là ở những CTCP mà các thành viên trong HĐQT chỉ nắm giữ tỷ lệ vốn cổ phần thấp, chỉ có một số ít cán bộ công nhân là cổ đông. Trong số này, sau CPH công ty vẫn hoạt động kinh doanh với hiệu quả thấp, thậm chí còn đứng trước nguy cơ bị phá sản. Bên cạnh đó, quá trình CPH cũng như sự vận hành của các doanh nghiệp sau CPH nhìn chung vẫn gặp nhiều khó khăn. Toàn bộ quá trình này vẫn đã và đang đối diện với nhiều vấn đề bất cập, cần tháo gỡ: Các lực cản kinh tế-xã hội này sinh trong quá trình chuẩn bị CPH các DNNN; những khó khăn trong việc xác định giá trị doanh nghiệp để CPH; vấn đề bán cổ phần ưu đãi cho người lao động trong các doanh nghiệp CPH, vấn đề cổ đông Nhà Nước, cổ đông chiến lược; vấn đề xử lý công nợ của các doanh nghiệp; vấn đề quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp đang trong quá trình CPH, vấn đề cần giải quyết đối với các doanh nghiệp sau CPH ... Giải quyết tốt các vấn đề này là nền tảng để thúc đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả của quả trình CPH các DNNN ở Lai Châu trong thời gian tới.
CHƯƠNG 3
PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ CỔ PHẦN HÓA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CỔ PHẦN HÓA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
TẠI TỈNH LAI CHÂU
3.1. Phương hướng hoàn thiện pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Ngày nay, CPH DNNN đã trở nên quen thuộc. CPH DNNN đã tạo ra sự thúc đẩy lớn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khung pháp lý cho các doanh nghiệp trong quá trình CPH và hậu CPH còn có những bất cập, hạn chế. Chính vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục có phương hướng hoàn thiện chính sách, văn bản pháp luật cụ thể hơn về CPH DNNN.
Thứ nhất, Tiếp tục hoàn thiện khung chính sách về CPH DNNN gắn với cơ cấu lại các doanh nghiệp trước khi CPH, trong đó tập trung nghiên cứu quy định nhằm nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp để CPH, thoái vốn nhà nước, hướng đến thuê các tổ chức tư vấn quốc tế thực hiện để bảo đảm tính khách quan; đồng thời, quy định thuê tổ chức tư vấn thực hiện bán cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp trên các thị trường chứng khoán quốc tế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Xem xét các quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai, quản lý đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao, đánh giá mức độ sử dụng so với nhu cầu và quỹ đất được giao cho doanh nghiệp để xem xét tính hiệu quả, đồng thời có biện pháp thu hồi lại phần đất đã giao cho doanh nghiệp nhưng không được sử dụng trước khi CPH, bổ sung các chế tài đối với việc doanh nghiệp làm thất thoát diện tích đất của Nhà nước giao trong quá trình sử dụng.
Bổ sung tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược. Nguyên tắc đối với quy định về cổ đông chiến lược cần phải bảo đảm tính phù hợp về lĩnh vực, ngành, nghề của cổ đông chiến lược với ngành, nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp sau CPH, bảo đảm các cam kết của cổ đông chiến lược về các vấn đề an sinh xã hội, giữ gìn thương hiệu quốc gia, an ninh quốc phòng, hướng đến gắn kết lâu dài với doanh nghiệp thay cho mục tiêu ngắn hạn.
Đối với vấn đề phải niêm yết trên sàn chứng khoán sau IPO: Cần đẩy mạnh việc yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ quy định về niêm yết sau IPO và kèm với đó là quyết liệt thực hiện các chế tài đối với các trường hợp chậm trễ hoặc chây ỳ. Sau thời gian quy định, doanh nghiệp chưa niêm yết được, cần có trách nhiệm báo cáo, giải trình các vấn đề, nêu rõ các nguyên nhân và cam kết thời hạn để tháo gỡ. Đồng thời, cam kết trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp cũng như người đại diện phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp này. Yêu cầu các doanh nghiệp sau CPH phải niêm yết trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu, đồng thời có thể xem xét nâng mức xử phạt vi phạm hành chính lên đủ mạnh để các doanh nghiệp phải tuân thủ.
Rà soát và bổ sung, hoàn thiện các quy định trong các luật chuyên ngành, bao gồm Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Chứng khoán; Luật Đất đai; ... để tạo sự đồng bộ giữa các quy định.
Thứ hai, Hoàn thiện các quy định về thoái vốn doanh nghiệp CPH: Cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, hợp nhất các Nghị định số: 32/2018/NĐ- CP, 121/2020/NĐ-CP, 40/2020/NĐ-CP quy định về thoái vốn, ... và cụ thể hóa thực hiện các nội dung tại Thông tư số 36/2021/TT-BTC ngày 26/5/2021 hướng dẫn nội dung về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử
dụng vốn, tai sản tại doanh nghiệp quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Nghị định số 121/2020/NĐ-CP, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP do Bộ tài chính ban hành về vấn đề xác định giá trị tài sản vô hình, đặc biệt là giá trị văn hóa, lịch sử; giải quyết mối quan hệ giữa việc thuê tổ chức thẩm định giá với vấn đề chịu trách nhiệm của chủ sở hữu về kết quả định giá. Trên cơ sở đó, cần phải sửa đổi, làm rõ hơn các hướng dẫn, quy định đối với nội dung này, quy định rõ các yếu tố có thể tham khảo so sánh, mức độ chịu trách nhiệm với từng bên có liên quan.
Thứ ba, Xác định đối tượng mua cổ phần và cơ cấu phân chia cổ phần một cách hợp lý và đúng đắn đối với trường hợp thoái vốn, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược của các doanh nghiệp sau CPH.Để CPH DNNN đi vào thực chất, vai trò của các cổ đông rất lớn, nhất là các cổ đông tham gia thay đổi quản trị, hoạt động của doanh nghiệp. Cách thức mới trong thực hiện CPH DNNN đang theo hướng trực tiếp đàm phán với các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng. Nếu không giải quyết được bài toán về cách thức bán cổ phần phù hợp, tình trạng xé lẻ cổ phần, thậm chí ế, như đã từng xảy ra trong nhiều đợt IPO của các DN trước đó sẽ tái diễn, lộ trình thoái vốn của các doanh nghiệp sau CPH và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược sẽ không thể thành công.
Thứ tư, Tăng cường nhận thức đúng đắn về quản trị doanh nghiệp, vai trò, sứ mệnh của doanh nghiệp sau CPH. Theo đó, cải thiện quản trị doanh nghiệp là áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiện đại theo thông lệ quốc tế (tính độc lập của giám đốc, vai trò của ban quản trị và quyền lợi của cổ đông, công khai thông tin và minh bạch thông tin).