Trở về từ một trong những chuyến viễn hành săn bắn của mình, Denys Finch-Hatton ở đồn điền được một thời gian ngắn, nhưng khi tôi bắt đầu tháo gỡ đồ đạc chuyển đi và thấy chẳng thể lưu lại thêm nữa thì anh dọn qua tá túc tại nhà của Hugh Martin ở Nairobi. Từ đây hôm nào anh cũng lái xe ra đồn điền ăn tối cùng tôi. Giai đoạn cuối, lúc tôi bán đồ bán đạc, hai đứa tôi lấy một thùng đựng đồ làm ghế, một thùng khác làm bàn và cứ vậy ngồi chơi đến khuya.
Đã mấy bận Denys và tôi trò chuyện cứ như tôi thực sự sắp rời khỏi đất nước này. Bản thân nhìn nhận châu Phi như nhà mình, anh thấu cảm với tôi và vì thế đau cái đau tôi, thậm chí cả lúc cười đùa khi tôi buồn vì phải xa lìa người của mình.
“Thật em cảm thấy chẳng thể sống thiếu thằng nhỏ Sirunga sao?” anh hỏi. “Vâng, quả có thế,” tôi đáp.
Tuy nhiên hầu hết thời gian bên nhau, chúng tôi nói chuyện và hành xử như thể tương lai ấy chẳng hề hiện hữu. Denys không hề để mối lo cho tương lai làm mình bận lòng, bởi tựa như anh chắc chắn, nếu muốn, sẽ có thể viện đến những nguồn lực bí ẩn mà chúng tôi chưa hề biết. Denys hòa nhập đầy tự nhiên vào chiến thuật của tôi khi buông xuôi mọi thứ, thây kệ mọi người nói nghĩ tùy thích. Lúc anh tới, việc ngồi trên các kiện hành lí giữa căn nhà trống dường như trở nên điều bình thường, theo sở thích. Denys trích dẫn một bài thơ:
“Em phải phổ điệu buồn, Thành một khúc ca vui
Chẳng đến đây vì lòng thương hại Anh tìm đến chỉ bởi niềm vui*.”
Những tuần lễ ấy chúng tôi thường bay các chặng ngắn trên rặng Ngong hoặc lượn vài vòng dưới Khu bảo tồn hoang thú. Một sáng Denys tới đồn điền kéo tôi đi bay từ sớm, mặt trời chỉ mới vừa mọc, và chúng tôi bắt gặp một con sư tử trên phần đất bằng phía Nam của rặng núi.
Anh từng đề cập chuyện gói ghém chỗ sách đã để ở nhà tôi suốt nhiều năm rồi mang đi, nhưng chẳng bao giờ làm cả.
“Em cứ giữ hết đi,” anh nói, “giờ anh chả có chỗ nào chứa cả.”
Denys không biết sẽ tá túc ở đâu sau khi tôi bán nhà. Một bận, theo lời đề xuất dai dẳng của người bạn, anh thậm chí đã bỏ công lái xe tới Nairobi xem vài căn nhà trệt nhỏ đang cho thuê, rồi ghê tởm với những điều mục kích được tới độ lúc trở về chẳng muốn đả động gì đến, và trong bữa tối, vừa cất lời mô tả mấy nơi đó cùng đồ nội thất bên trong ra sao cho tôi nghe, anh đã liền ngưng bặt giữa chừng và ngồi lặng đi, vẻ gớm ghiếc và buồn bã lộ trên gương mặt, một điều hiếm thấy ở anh. Denys vừa tiếp xúc với một dạng tồn tại mà chỉ ý niệm về nó thôi cũng đã khiến anh không chịu nổi.
Tuy nhiên đó là sự bài xích hoàn toàn khách quan, không mang tính cá nhân bởi anh đã quên bẵng việc chính mình cũng dự định tham gia vào kiểu tồn tại ấy, và khi tôi đề cập điều này, anh liền ngắt lời. “Ôi chao, về phần mình,” Denys bảo, “anh sẽ hạnh phúc mĩ mãn với một túp lều ở Khu bảo tồn Masai, hoặc kiếm một ngôi nhà trong xóm Somali là được.”
Dịp ấy cũng là lần duy nhất anh đề cập tương lai của tôi tại châu Âu. Anh nghĩ tôi sẽ hạnh phúc ở đó hơn đây, và sẽ thoát khỏi thứ văn minh đang dần lan tràn ở châu Phi. “Em biết sao không, miền đất châu Phi này giỏi giễu nhại lắm.”
Denys sở hữu một mảnh đất ven biển, cách Mombasa ba mươi dặm về hướng bắc, bên bờ phá Takaunga. Nơi đây có các phế tích của khu dân cư Ả Rập, với một tháp giáo đường rất khiêm nhường, một cái giếng nước - một cấu trúc bằng đá xanh phong hóa dựng lên từ mặt đất phèn, còn ở trung tâm là mấy cây xoài già. Trên mảnh đất ấy Denys dựng một căn nhà con con và tôi đã từng ở đó. Quang cảnh chốn này chứa đầy cái bao la, sạch tinh, siêu phàm và hoang vu của đại dương với Ấn Độ Dương ngay trước mặt, còn phá nước sâu Takaunga mở xuống phía Nam, cùng dải bờ
biển hiểm trở, liền mạch với đá san hô màu xám nhạt và màu vàng trải ra hết tầm mắt.
Khi triều rút, bạn có thể rời nhà tiến sâu ra biển vài dặm, như trên một quảng trường mênh mông có bề mặt lát đá đôi chút gập ghềnh, để nhặt lấy những con sò hoặc sao biển to dài, dáng hình kì dị. Ở đây, các ngư dân
Swaheli, đóng khố đội khăn turban đỏ hoặc xanh, giống thủy thủ Sindbad
bước ra đời thực, lang thang bán dạo giống cá gai nhiều màu, vài loại trong số này ăn rất ngon. Bờ biển dưới ngôi nhà có một dãy hõm hàm ếch để bạn ngồi tránh nắng và ngắm làn nước xanh lấp lánh đằng xa. Khi triều lên, nước dâng ngập các hõm ấy mấp mé mặt móng ngôi nhà, và từ lòng đá san hô rỗng, biển hát và thở dài theo cách kì lạ nhất, như thể mặt đất dưới chân bạn đang sống vậy; những con sóng dài ào ạt đổ tới phá Takaunga giống một đạo quân hung mãnh.
Tôi xuống Takaunga đúng độ trăng tròn, và vẻ đẹp của những đêm yên ả, sáng ánh trăng nơi đây toàn bích tới độ con tim ta phải run lên thán phục. Bạn an giấc với cửa nẻo mở toang ra biển bạc; làn gió ấm nghịch ngợm xào xạc cuốn chút cát vào mặt sàn lát đá. Một đêm có đoàn thuyền buồm Ả Rập đi sát bờ, lướt êm ru theo ngọn gió mùa, từng cánh buồm nâu sẫm xếp hàng dưới trăng.
Đôi lần Denys nói về việc biến Takaunga thành mái ấm ở châu Phi của mình, thành điểm khởi hành các chuyến săn. Nghe tôi mở lời đề cập chuyện phải rời bỏ đồn điền, anh liền mời tôi tới nhà anh dưới đó, giống như anh đã trú ở nhà tôi trên cao nguyên. Nhưng dân da trắng chẳng thể sống lâu dài sát biển trừ phi có đủ tiện nghi, mà Takaunga lại quá thấp và quá nóng với tôi.
Năm tôi rời khỏi châu Phi, tháng Năm Denys đi xuống Takaunga một tuần. Anh dự tính cất một căn nhà lớn hơn rồi trồng thêm xoài trên mảnh đất ấy. Denys dùng máy bay để tới đó và trên đường trở về định vòng qua Voi* xem có còn voi ở đó cho các chuyến đi săn sắp tới chăng. Dân bản địa đang kháo nhau có một đàn voi di chuyển từ miền Tây tới đây và có một con voi đực khổng lồ, to gấp đôi kích thước thông thường, đang thơ thẩn một mình giữa những bụi cây nơi ấy.
Tự coi mình là con người phi thường lí trí, Denys lại chịu tác động của một dạng tâm trạng và dự cảm điềm xấu rất đặc biệt. Dưới ảnh hưởng của chúng, nhiều khi anh trở nên lầm lì câm nín suốt mấy ngày thậm chí cả tuần, nhưng lại chẳng tự nhận ra được và luôn ngỡ ngàng lúc tôi hỏi có chuyện gì không ổn hay sao. Vào ngày hôm trước chuyến đi ra miệt duyên hải kia, Denys lại sa vào tình trạng đầu óc để tận đẩu đâu, như thể anh chìm sâu trong những suy tưởng; tuy nhiên lúc tôi nói vậy anh cười giễu tôi. Tôi đòi được bay cùng vì thích ngắm biển. Lúc đầu Denys bằng lòng nhưng rồi đổi ý thoái thác. Anh không mang em theo được, hành trình vòng qua Voi sẽ rất cực nhọc, Denys bảo, có thể phải hạ cánh, ngủ giữa rừng núi hoang vu, do vậy cần đem theo một cậu trai bản xứ. Tôi nhắc chuyện trước anh từng nói sẽ đưa tôi bay khắp châu Phi. Quả có thế, anh bảo, nếu thật sự có voi ở Voi, anh sẽ chở tôi tới để xem chúng, sau khi tường tận các điểm hạ cánh và cắm trại trên đường. Đây là lần duy nhất Denys cự tuyệt những lời khẩn khoản đòi bay theo của tôi.
Denys ra đi thứ Sáu ngày mùng tám:
“Hẹn em thứ Năm tới,” anh nói trước khi đi, “Anh sẽ về kịp để ăn trưa cùng em.”
Khởi động chiếc ô tô của mình để ra sân bay Nairobi; sau khi đã khuất dạng ở khúc cua của con đường trước nhà, Denys đột ngột trở lại để cầm theo tập thơ trước đó đã đưa tôi xem. Đứng gác một chân lên bậc xe, Denys dò ngón tay trên trang giấy, đọc cho tôi bài thơ hai đứa đang bình luận dở. “Ngỗng xám của em đây rồi,” anh bảo:
“Tôi thấy ngỗng xám trên bình nguyên Cả bầy dập dờn giữa không trung -
Trực chỉ từ chân trời này qua chân trời kia Với mảnh hồn kiên định phát ra từ cuống họng -
Và sắc lông xám bạc tựa dải khăn quàng lên những khung trời vô tận Và quấn quanh các tia nắng trời rắc rải mọi nếp đồi.*”
Và anh giơ tay vẫy chào tôi rồi lái xe đi, mãi mãi.
Hạ cánh ở Mombasa, máy bay Denys gãy một cánh quạt. Anh đánh điện tới Nairobi xin tiếp tế các phụ tùng cần thiết và hãng Hàng không Phi châu cử một nhân viên đem đến Mombasa. Sửa máy bay xong xuôi, lúc sắp sửa một lần nữa cất cánh Denys rủ cậu nhân viên nọ cùng bay. Nhưng cậu ta từ chối. Quen với việc bay, trước giờ từng bay cùng nhiều người, cả với Denys, trong khi Denys lại là một phi công giỏi, có tiếng tăm trong dân bản xứ ở lĩnh vực này cũng như mọi phương diện khác, vậy mà lần ấy cậu thanh niên kia đã cự tuyệt bay cùng anh.
Mãi sau này, chuyện trò cùng Farah ở Nairobi, cậu ta kể: “Khi ấy có cho cả
trăm rupee em cũng chẳng bay cùng Bwana Bedar.” Bóng đen số phận, thứ
bản thân Denys cảm nhận được trong những ngày cuối cùng ở Ngong, giờ hiển hiện rành rành trước mắt con người bản xứ kia.
Vậy là Denys mang theo Kamau, gia nhân của anh, tới Voi. Kamau tội nghiệp rất sợ bay. Hồi ở đồn điền cậu từng kể với tôi từ lúc máy bay cất cánh tới khi hạ xuống đất Kamau chỉ gằm mặt nhìn chăm chăm vào bàn chân mình, mỗi lần bất chợt thoáng thấy khung cảnh bên ngoài từ độ cao ghê gớm ấy là cậu lại thót cả tim.
Thứ Năm tôi mong ngóng Denys quay về, trong bụng tính anh sẽ bay từ Voi lúc bình minh, mất hai giờ để tới Ngong. Rồi chẳng thấy Denys đâu trong khi sực nhớ ra một số việc cần phải làm ở Nairobi nên tôi lái xe vào thành phố.
Ở châu Phi, mỗi bận hễ ốm mệt hay quá lo lắng, tôi lại bị một ám ảnh kì lạ đeo bám. Đó là dường như xung quanh tôi mọi thứ đều đang lâm vào hiểm nguy hay bất trắc, và giữa lúc tai ương như thế chính tôi, vì lí do này khác, lại đứng nhầm phe, do đó bị cả thiên hạ nghi ngờ, e ngại.
Trong thực tế cơn ác mộng này là hồi ức về thời chiến tranh. Bởi dạo đó vài năm liền, người ở xứ thuộc địa này tin rằng trong thâm tâm tôi là kẻ ủng hộ bọn Đức, và nhìn tôi với ánh mắt ngờ vực. Mối tị hiềm này xuất phát từ thực tế chẳng bao lâu trước khi nổ ra chiến tranh tôi, do suy nghĩ chân thành ngây thơ, đã lên tận Naivasha mua sắm ngựa cho người đứng đầu quân Đức ở Đông Phi, tướng Paul von Lettow. Ông ta, trên chuyến tàu
cùng tới châu Phi, đã nhờ tôi mua giúp mười con ngựa giống Abyssinia, nhưng lúc chân ướt chân ráo mới qua tâm trí tôi còn để ở nhiều thứ khác thành thử nhãng đi, tới mãi sau này khi ông liên tục viết thư bàn chuyện ngựa giống tôi mới thu xếp lên mạn Naivasha mua chúng cho ông. Liền sau đó chiến tranh bùng nổ nhanh tới độ số ngựa này chẳng bao giờ được chuyển đến tay người Đức. Tuy nhiên tôi không thể lẩn tránh được sự thật là vào thời điểm nổ ra chiến tranh lại đang mua sắm ngựa cho quân Đức. Mối hiềm nghi tôi phải gánh, tuy nhiên không kéo dài tới cuối cuộc chiến mà chấm dứt khi cậu em tôi tự nguyện tham gia lực lượng Anh rồi được tặng thưởng huân chương chữ thập Victoria trong trận tổng tấn công Emiens*; phía Bắc Roye. Sự kiện này thậm chí được loan tin trên tờ East
African Standard dưới hàng tít: Một tấm huân chương chữ thập của Đông
Phi.
Dạo ấy tôi chẳng mấy để tâm đến tình thế bị ghẻ lạnh, bởi nhìn từ bất kì góc độ nào tôi cũng không hề thân Đức và tự cho hoàn toàn có thể giãi bày ngọn ngành nếu cần. Nhưng sự việc hẳn hằn sâu hơn tôi tưởng, và nhiều năm sau, mỗi bận mệt mỏi hay bị sốt, cảm giác này lại ập tới. Trong mấy tháng sau cuối ở châu Phi, lúc vạn sự quanh tôi đều hỏng bét, đôi khi tâm trạng này thình lình bủa vây tôi giống như một thứ bóng tối, và khiến tôi khiếp đảm nghĩ đến chứng loạn thần.
Tại Nairobi ngày thứ Năm ấy, cơn ác mộng kia đột ngột xâm chiếm tôi, và càng lúc càng dâng lên mãnh liệt đến nỗi tôi thầm hỏi phải chăng mình bắt đầu phát điên. Chẳng rõ tự đâu, có một nỗi buồn sâu thẳm bao trùm thành phố cũng như những người tôi gặp, và đồng thời ai cũng ngoảnh mặt đi với tôi. Không ai dừng chân chuyện trò cùng tôi, thậm chí bạn bè lúc thấy tôi cũng chui tọt vào ô tô, lái đi. Ngay cả ông lão Duncan, dân Scotland, chủ hiệu tạp hóa mà tôi là khách hàng lâu năm, đồng thời là bạn nhảy trong buổi vũ hội ở phủ toàn quyền, thấy tôi bước vào cửa hiệu thì nhìn tôi vẻ hốt hoảng rồi bỏ đi mất dạng. Tôi bắt đầu cảm thấy trống vắng ở Nairobi như giữa một hoang đảo.
Tôi chẳng còn ai trò chuyện vì đã bỏ lại Farah ở đồn điền đón chờ Denys. Người Kikuyu không được việc trong các tình huống như thế này, bởi quan niệm về thực tại, và chính thực tại cuộc sống họ, khác với của chúng
ta. Thế nên tôi dự định ăn trưa cùng Phu nhân McMillan ở Chiromo, và nghĩ sẽ tìm thấy dân da trắng tại đấy để tâm tình, và bình tâm trở lại.
Tôi lái xe tới ngôi nhà cổ kính, đáng yêu kiểu Nairobi ở Chiromo, nằm cuối con đường dài trồng tre, và gặp một nhóm khách dự bữa trưa tại đây. Nhưng tình cảnh ở Chiromo cũng hệt như trên các con phố Nairobi. Người nào dường như cũng buồn hắt hiu, ngưng bặt câu chuyện khi tôi đến nơi. Ngồi kế tôi, ông bạn già Bulpett chỉ cụp mắt nhìn xuống và thốt ra có vài từ. Tôi gợi chuyện về những chuyến leo núi của ông tại Mexico, hòng phá tan bóng tối đang phủ nặng lên mình, song ông lão chừng như chẳng còn nhớ gì nữa.
Tôi bụng bảo dạ: Hỡi ơi nhân tình thế thái, những người này không phải dành cho ta thì quay về đồn điền vậy. Lúc này Denys hẳn đã ở đó. Chúng tôi sẽ trò chuyện và cư xử có đầu có cuối; trí óc tôi sẽ lành mạnh trở lại, nhận biết và thông tỏ được mọi sự tình.
Nhưng dùng xong bữa trưa, phu nhân McMillan gọi tôi vào gian phòng khách nhỏ, thông báo vụ tai nạn ở Voi. Máy bay Denys lật ngược rồi rơi, anh thiệt mạng.
Đúng như tôi nghĩ lúc trước, chỉ nội cái tên Denys cũng đã khiến sự thật bộc lộ, tôi hiểu và vỡ ra mọi cớ sự.
Sau này, vị Hạt Trưởng ở Voi có viết thư thuật lại cho tôi chi tiết vụ tai nạn. Denys qua đêm ở chỗ ông ta, đến sáng thì cùng cậu gia nhân cất cánh bay về đồn điền. Vừa đi anh đã vòng trở lại, bay là là cách mặt đất chỉ chừng sáu chục thước. Máy bay đột ngột chao đảo, sa vào tình trạng xoắn trôn ốc và bổ nhào xuống như một con chim. Lúc chạm đất máy bay bốc cháy, hơi nóng khiến những người đổ xô đến đều phải dừng bước. Sau khi dùng cành cây và đất dập được đám cháy, mọi người thấy máy bay đã vỡ vụn còn hai người bên trong đều tử nạn.