Vừa chớm mùa mưa dầm, mấy ngày cuối tháng Ba hay tuần đầu tháng Tư, tôi được nghe tiếng chim sơn ca trong những cánh rừng châu Phi. Đây không phải một bài ca hoàn chỉnh mà chỉ có mấy âm điệu ngắn - vài nhịp
mở đầu bản concerto, một dạng khúc dạo đầu, đột ngột ngưng bặt rồi lại
cất lên. Tựa như, giữa cái cô tịch của rừng cây sũng nước, có ai đó, trên
cây, đang so dây một chiếc đàn cello nhỏ xíu. Song, cũng chính giai điệu
này, cũng với cái đầy ắp và ngọt ngào như thế, sẽ nhanh chóng lấp đầy những khu rừng châu Âu, từ Sicily tới Elsinore*.
Ở châu Phi chúng tôi cũng gặp giống cò đen và trắng, giống cò vẫn làm tổ trên mái rạ những ngôi làng Bắc Âu. Tại Phi châu nom chúng kém đường bệ hơn, bởi tại đây còn các loài chim cao to, nặng nề khác như cò Marabou* hay chim thư kí*. Khác với châu Âu, nơi chúng sống theo cặp và là biểu tượng hạnh phúc gia đình, tập tính của cò châu Phi hoàn toàn khác. Ở đây chúng sống theo bầy, trong các đàn lớn và được gọi là chim châu chấu bởi chuyên bay theo và sống phè phỡn trên những đàn châu chấu mỗi khi giống côn trùng này xuất hiện. Cò còn bay ngoài thảo nguyên, tại những chỗ có đám cháy cỏ cây, lượn lờ ngay trước đường tiến của lưỡi lửa, trong không gian sáng rực sắc cầu vồng và mịt mù khói xám, để rình bắt chuột, rắn từ vùng lửa lao ra. No đủ tại châu Phi, nhưng cuộc sống đích thực của cò chẳng phải ở đây, và khi những ngọn gió xuân mang ý niệm về giao phối và xây tổ quay trở lại, con tim chúng liền hướng về phương Bắc, chúng nhung nhớ thuở xưa chốn cũ rồi bay đi, từng đôi từng đôi, để chẳng bao lâu sau lại lội bì bõm trong các đầm lầy giá buốt nơi bản quán.
Trên thảo nguyên, vào thời điểm khởi đầu mùa mưa, tại vùng cỏ rộng lớn từng cháy rụi, ở những chỗ chồi xanh lộc biếc bắt đầu nhú lên, có hàng trăm con chim choi choi. Thảo nguyên luôn có phong vị đại dương, chân trời rộng mở gợi nhắc về biển cả cùng bao bờ cát trải dài, ngọn gió hây hây vẩn vơ cũng hệt thế, cỏ cháy thành than mang vị mặn mòi của muối, và khi mọc cao chúng tạo thành những con sóng lô nhô khắp nơi nơi. Lúc hoa cẩm chướng nở trắng thảo nguyên bạn sẽ liên tưởng đến bọt sóng trắng xóa
tung tóe bốn phía xung quanh khi tàu bạn quay mũi hướng tới Sund*. Ngoài thảo nguyên, bầy choi choi cũng khoác lên mình dáng vẻ chim biển, và hành xử như thể đang ở trên trảng cát, co cẳng chạy hết tốc lực một đoạn trên cỏ rậm, rồi vừa bay vút lên trước đầu ngựa bạn vừa rít những tiếng lanh lảnh, khiến cả khung trời trong sáng trở nên sống động bởi những đôi cánh và tiếng chim.
Sếu mào là giống chuyên mò đến các nương ngô vừa mới được cào bằng và gieo giống để moi trộm hạt bắp từ dưới đất. Để bù đắp cho trò ăn cướp này chúng kiêm luôn vai trò loài chim của điềm lành, báo hiệu trời sắp mưa, đồng thời còn múa cho ta xem. Khi thứ chim lêu đêu này tụ lại thành đám đông, cảnh tượng cả bầy xòe rộng cánh múa nom thật mãn nhãn. Điệu vũ tao nhã và có chút màu mè, bởi trong lúc có thể bay hà cớ gì chúng lại nhảy lóc cóc như bị mặt đất hút chặt tựa nam châm vậy? Về tổng thể vở ba lê mang sắc thái thiêng liêng, giống một vũ điệu tôn giáo: bầy sếu như đang gắng kết nối Thiên đường và Hạ giới, nom chúng tựa các thiên thần có cánh đang di chuyển lên xuống trên chiếc thang Jacob. Với sắc lông tao nhã màu xám nhạt, cái mũ chỏm tí xíu đen mướt cùng chiếc vương miện xòe hình rẻ quạt, lũ sếu có đủ thần thái của những bức bích họa sáng màu, mang tính tâm linh. Sau điệu múa, chúng cất cánh bay, và để duy trì sắc thái linh thiêng của buổi biểu diễn, đàn sếu phát ra, chẳng rõ bằng đôi cánh hay cổ họng, một điệu chuông vang trong trẻo, như thể có một dây chuông nhà thờ xứ chợt thăng thiên, bay xa dần. Bạn còn nghe được tiếng chuông ấy văng vẳng từ xa tít, thậm chí sau khi bầy chim đã mất dạng giữa không trung: một khúc hòa âm nhạc chuông từ mây trời.
Chim hồng hoàng, một vị khách khác của đồn điền, tới để ăn trái cây cửu lí hương. Đây là loài chim rất kì lạ. Gặp chúng là một biến cố, hay trải nghiệm, chẳng phải lúc nào cũng thích thú, vì chúng nom cực kì ma mãnh. Một sáng, trước khi mặt trời mọc, bị đánh thức bởi thanh âm líu ríu bên ngoài, tôi bước ra hiên nhà và nom thấy bốn mươi mốt con chim hồng hoàng đang đậu trên mấy cái cây chỗ trảng cỏ. Nom chúng giống mấy món trang phục kì dị, lòe loẹt được một đứa trẻ giăng mắc đây đó trên cây hơn là giống chim. Cả bầy đen tuyền, màu đen mươn mướt và cao quý của châu Phi, thứ sắc đen thăm thẳm hấp thụ suốt qua nhiều thế kỷ, giống lớp bồ hóng đọng đã lâu ngày mà vẻ thanh tao, khỏe khoắn và ăm ắp sinh khí của nó chẳng màu nào địch nổi. Lũ hồng hoàng đang chuyện trò vui vẻ tột
bậc, nhưng với tư thái kìm nén, giống một nhóm người thừa kế sau tang lễ. Khí trời buổi sáng trong vắt tựa pha lê, cả bầy u tối đang tắm mình trong cái tươi mát, tinh khiết, đằng sau đám cây và lũ chim, vầng dương đang nhô lên, một quả cầu mờ đỏ. Bạn tự hỏi mình sẽ có một ngày ra sao sau một buổi sớm mai như thế.
Hồng hạc là giống chim châu Phi có màu sắc tinh tế nhất, với hai sắc hồng - đỏ, tựa một nhành trúc đào biết bay. Cẳng chân dài không tưởng cùng nét lượn thanh tú, lạ thường ở cổ cũng như thân, nom chúng, bởi cung cách kiêu sa truyền thống nào đó, như đang phức tạp hóa tối đa mọi cử chỉ và điệu bộ của mình.
Lần nọ tôi đáp chiếc tàu thủy của Pháp, từ Port Said tới Marseilles. Trên tàu có chở món hàng là một trăm rưởi con hồng hạc đang tới công viên Jardin d’Acclimatation. Chúng bị nhốt trong các lồng to, bẩn thỉu, bịt kín vải bạt, mười con một phải đứng chen chúc như nêm. Viên quản sự áp tải lũ chim kể với tôi ông ước tính sau cả chuyến đi số lượng chết lên tới hai mươi phần trăm. Hồng hạc sinh ra không phải cho hoàn cảnh sống ấy, tàu nghiêng ngả chúng mất thăng bằng, gãy chân, và bị các con trong lồng giẫm đạp lên. Ban đêm, lúc Địa Trung Hải nổi gió và mỗi lần chiếc tàu sa xuống giữa muôn sóng dữ đánh rầm, tôi nghe, trong bóng tối, lũ hồng hạc rít lên rền rĩ. Sáng sáng, tôi lại thấy viên quản sự lôi ra một vài con chim chết, quăng xuống biển. Giống thủy cầm cao quý của sông Nile, chị em của hoa sen, loài động vật nổi bồng bềnh trên nền cảnh vật như một đụn mây chiều trôi lạc, giờ thành ra mớ lông rũ rượi hai màu hồng đỏ đính trên một cặp que dài mảnh. Những con chim chết bồng bềnh trên mặt nước trong chốc lát, nhồi lên nhồi xuống theo sau con tàu trước khi chìm hẳn.
Pania
Giống chó săn hươu, sau vô số thế hệ sống cùng con người, đã học được cảm quan hài hước của người, và thậm chí còn biết cười. Quan niệm của chúng về hoạt kê cũng giống dân bản xứ, những người thích thú khi có gì đó sai hỏng hoặc lầm lẫn. Có lẽ bạn chẳng thể vượt khỏi kiểu hài hước này, cho đến lúc nghệ thuật xuất hiện, hay có được một tôn giáo.
Pania là con trai của Duck. Ngày nọ, đang bước bên tôi gần một bờ ao trồng hàng khuynh diệp thân cao gầy, nó chạy tế tới một cái cây rồi quay về để mời gọi tôi theo. Đến bên gốc cây ấy, tôi nom thấy một con linh miêu ngồi tít trên cành cao. Linh miêu thường bắt trộm gà, nên tôi bèn gọi
một chú Toto đang ngang qua chạy về nhà lấy hộ khẩu súng, và lúc nhận
được tôi liền bắn hạ linh miêu. Từ cao tít con vật rơi đánh phịch, và chỉ một giây sau Pania vọt tới, cắn lôi xềnh xệch, tỏ vẻ rất thích thú với màn biểu diễn.
Ít lâu sau tôi lại có dịp đi ngang qua bờ ao, trên con đường ấy. Ra ngoài bắn gà gô nhưng chẳng được con nào thành thử lúc ấy cả Pania lẫn tôi đều ngao ngán. Chợt Pania lao như bay tới cây khuynh diệp xa nhất, rối rít sủa ông ổng vẻ kích động tột độ, chạy tế về chỗ tôi rồi lại phóng đến cái cây. Lòng mừng rỡ vì đang sẵn súng, khấp khởi bởi viễn cảnh kiếm được một con linh miêu nữa, do chúng có bộ lông lốm đốm tuyệt đẹp, tôi liền bám theo. Tuy nhiên khi tới ngước trông lên hóa ra đó lại là một con mèo nhà màu đen, dáng vẻ vô cùng tức tối, đang vắt vẻo trên ngọn cây lắc lư. Hạ súng xuống tôi bảo: “Pania, đồ ngốc! Đây là mèo nhà mà.”
Khi tôi quay qua, Pania đang đứng cách một quãng, nhìn tôi chăm chú và ngoác mõm cười toét. Khi bắt gặp ánh mắt tôi, cậu chàng tung tăng ào tới, nhảy nhót nhắng nhít, vẫy đuôi kêu ư ử và đặt chân lên hai vai tôi, dí mũi vào mặt tôi, rồi nhảy ngược ra xa cười cho thỏa.
Pania ra dấu như nói rằng: “Tôi biết. Tôi biết thừa chứ bá. Đó là mèo nhà. Từ đầu tôi đã biết thế. Nhưng giá như bà được thấy bộ dạng hộc tốc chạy tới chỗ một con mèo, súng ống lăm lăm của mình nhỉ!”
Suốt hôm ấy, chốc chốc Pania lại trở nên khoái chí, rồi cũng dùng cung cách tương tự bày tỏ thái độ chí thiết tột bậc dành cho tôi. và lùi ra sau một quãng để cười thỏa thích.
Ẩn trong vẻ thân tình của nó là một mánh khóe lấy lòng. “Bà hẳn cũng biết,” nó nói, “trong nhà này trước giờ tôi chỉ cười với bà và Farah thôi đấy.”
Thậm chí đêm ấy, khi Pania nằm trước lò sưởi, tôi cũng nghe nó híc híc cười khẽ trong giấc ngủ vùi. Tôi tin chắc một thời gian dài sau đó nó vẫn nhớ câu chuyện xảy ra, lúc chúng tôi đi ngang qua bờ ao và hàng cây.