Bị ép rời bỏ tôi trong thời kì chiến tranh, sau đình chiến Esa trở về và sống yên bình nơi đồn điền. Ông có bà vợ tên Mariammo, người gầy gò, đen nhẻm, hay lam hay làm, đảm trách mang củi đốt tới nhà tôi. Là gia nhân lành hiền nhất tôi từng có, Esa chẳng bao giờ cãi vã với ai.
Tuy nhiên có điều gì đó đã xảy ra với Esa trong giai đoạn phải đi đày, và khi trở về ông đổi khác rất nhiều. Lắm lúc tôi e ông sẽ chết dần chết mòn trước mắt tôi, tựa như một cái cây bị chặt đứt rễ.
Dẫu là đầu bếp của tôi, nhưng Esa chẳng hề thích nấu nướng mà muốn làm vườn. Cây cối là thứ duy nhất ông thực sự yêu thích. Song bởi đã có người chăm nom vườn cây trong khi lại chưa có chân nấu nướng nên tôi đã giữ ông ở bếp. Tôi có hứa sẽ để ông quay về làm vườn, nhưng rồi cứ lần lữa hết tháng này qua tháng khác. Esa khiến tôi ngạc nhiên khi dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi be bờ lập một khoảnh vườn kề sông để trồng trọt. Song ông chỉ có một mình, lại chẳng khỏe khoắn gì cho cam, thành ra mưa dầm đã làm vỡ đoạn bờ bao và tất tật công trình của ông bị dòng nước cuốn trôi.
Sự kiện đầu tiên gây xáo trộn kiếp sống lặng lẽ như cỏ cây của Esa là việc người anh trai chết trong Khu bảo tồn Kikuyu để lại cho ông một con bò đen. Khi ấy tình trạng bị đời vắt kiệt và chẳng thể chịu nổi bất kì xúc cảm mãnh liệt nào của Esa trở nên rõ ràng. Cá biệt, tôi tin chắc ông không còn tiếp nhận nổi cảm giác hạnh phúc nữa. Esa xin nghỉ ba ngày để dẫn con bò về, và khi quay trở lại tôi nhận thấy ông run rẩy bồn chồn tựa như tứ chi của một người vừa bị tê cóng được vào căn phòng ấm.
Người bản xứ thích liều lĩnh với may rủi, từ câu chuyện con bò đen Esa trở nên ảo tưởng từ nay vận may sẽ mỉm cười với mình, ông bắt đầu nảy sinh lòng tin mù quáng và ấp ủ những giấc mơ lớn. Ông cảm nhận cuộc đời vẫn rộng mở phía trước nên quyết định lấy vợ mới. Lúc thông báo kế hoạch này cho tôi, Esa đang đàm phán với ông bố vợ tương lai sống trên phố thị Nairobi, có vợ là dân Swaheli. Tôi gắng khiến ông hồi tâm chuyển ý. “Đang có một bà vợ tốt,” tôi bảo, “bóng xế về chiều tóc đã hoa râm, lão
đèo bòng một cô vợ khác làm gì. Hãy yên ổn sống với chúng tôi ở đây.” Chẳng phản bác nửa lời, người đàn ông Kikuyu nhỏ bé, hiền hậu đứng thẳng tắp trước mặt tôi, vẫn quyết bám riết lấy dự định kia, theo cung cách mập mờ của mình. Ít lâu sau, ông đưa cô vợ mới, Fatoma, về đồn điền. Quả tình Esa đã quẫn chí khi nuôi hi vọng sẽ gặt hái được bất kì điều tốt đẹp nào từ cuộc hôn nhân mới. Cô dâu còn rất trẻ, cau có khó chịu, ăn bận theo thời trang Swaheli, mang dâm tính từ bộ tộc của mẹ, tuy nhiên tuyệt chẳng thừa hưởng được chút phong thái duyên dáng, vui tươi nào. Nhưng việc cưới vợ cùng những ấp ủ lớn lao vẫn khiến mặt mày Esa rạng ngời; ông hành xử với sự ngây thơ của một người đang mất hết năng lực cảm nhận thông thường. Mariammo, kẻ nô lệ nhẫn nại chìm khuất ở hậu cảnh, dường như trơ lì lãnh đạm trước chuyện đang xảy ra.
Có thể Esa đã được hưởng một giai đoạn hạnh phúc đề huề, nhưng nó ngắn chẳng tày gang, và cuộc sống bình an của ông nơi đồn điền tan nát bởi người vợ mới. Một tháng sau ngày cưới, cô ả bỏ đến sống lang chạ cùng các chiến binh bản địa tại doanh trại của họ ở Nairobi. Trong suốt thời gian dài, lâu lâu Esa lại xin nghỉ một ngày để ra thành phố đón vợ, và đến tối thì quay trở lại cùng cô ả đen đúa, mang thái độ đầy bất mãn kia. Lần đầu ông khởi hành với tâm trạng tự tin và kiên quyết, sẽ tóm cô vợ về - Sao nào, đấy chẳng phải vợ hợp pháp của tôi sao? Sau này, ông rời đồn điền trong một cuộc kiếm tìm đầy hoang mang, buồn bã cho giấc mơ cùng vận may. “Lão muốn cô ta quay về làm gì?” tôi bảo Esa. “Để cô ả đi phứt đi. Ả ta đâu muốn về với lão, cứ thế này rồi sẽ chẳng đưa đến điều gì hay ho cả đâu.”
Ấy vậy mà Esa vẫn chẳng thể buông bỏ cô ả. Tới lúc cuối ông thậm chí hạ thấp mức kì vọng với đời, chỉ còn gắng bảo toàn giá trị tiền bạc của người đàn bà kia. Cười nhạo khi nom Esa lê gót lên thành phố, đám gia nhân còn kể cho tôi chuyện đám lính cũng cười cợt ông. Tuy nhiên Esa chẳng bao giờ để tâm người khác nghĩ gì về mình, dù sao giờ ông cũng đã qua giai đoạn đó rồi. Bền bỉ, thủy chung lên đường giành lại món tài sản bị mất, Esa giống một người đi kiếm tìm con bò sổng chuồng.
Một sáng Fatoma thông báo với mấy cậu gia nhân của tôi là Esa đổ bệnh, và không thể nấu ăn ngày hôm đó, nhưng rồi chắc mai ông ấy sẽ dậy được,
ả nói. Song tới chiều gia nhân chạy lại báo Fatoma đã biến mất, còn Esa thì bị đánh thuốc độc và đang hấp hối. Lúc tôi hớt hải tới nơi, họ đã khiêng ông, nằm trên giường, ra khoảnh sân vuông giữa những túp lều gia nhân. Rõ ràng ông chẳng còn sống được mấy nỗi nữa. Esa bị đầu độc bằng thứ độc dược của người bản xứ, tương tự mã tiền, và hẳn đã quằn quại khổ sở ghê gớm trong lều của mình, trước mắt người vợ trẻ sát nhân, đến tận lúc ả đoan chắc đã trừ khử được ông rồi lẩn mất. Esa còn co giật vài lần, nhưng toàn thân đã cứng đờ, lạnh ngắt, hệt một cái xác. Khuôn mặt ông biến dạng khác hẳn, bọt mép lẫn máu rỉ ra từ hai bên khóe miệng tái nhợt. Farah đã lấy xe xuống Nairobi nên tôi chẳng thể chở ông tới bệnh viện, tuy nhiên tôi không nghĩ mình lẽ ra phải làm thế bởi điều ấy cũng sẽ chẳng giúp gì được cho ông.
Trước khi tắt thở Esa nhìn tôi hồi lâu, không rõ ông có nhận ra tôi chăng. Trong đôi mắt đen giống mắt loài vật của Esa, cùng với sự linh mẫn, thứ đang biến mất dần là những kí ức về xứ sở tôi hằng khát khao được biết, dạo nó còn giống như con thuyền ông Noah với bầy thú vây quanh chú mục đồng bản xứ bé nhỏ đang chăn đàn dê của cha ngoài thảo nguyên. Tôi nắm chặt bàn tay Esa, một bàn tay con người, một công cụ mạnh mẽ tài tình để cầm vũ khí, để trồng rau và hoa; tôi đã dạy bàn tay này cách làm món trứng tráng. Liệu Esa xem đời mình là thành công hay thất bại? Thật khó có câu trả lời. Ông đã theo những lối đi riêng của mình, nhỏ hẹp, chậm chạp, quanh co, đã trải qua vô vàn gian nan thử thách và vẫn luôn là con người yêu hòa bình.
Về tới đồn điền, Farah xoay xở mọi cách để Esa được chôn cất theo đúng nghi lễ chính thống, bởi ông vốn là tín đồ Hồi giáo ngoan đạo. Vị tu sĩ chúng tôi mời từ Nairobi chỉ tới được vào tối ngày hôm sau nên đám tang Esa đã diễn ra trong đêm, với dải ngân hà trên trời, cùng vô số ngọn đèn của người dự lễ. Mộ ông được xây bao theo lối Hồi giáo, dưới bóng một cây rừng to. Mariammo lúc này đã xuất hiện trở lại, đứng vào chỗ của mình giữa những người đưa đám, và rền rĩ khóc chồng trong đêm.
Farah và tôi bàn cách xử trí Fatoma nhưng rồi quyết định chẳng làm gì cả. Farah bác bỏ phương án đưa ả đàn bà đó ra trước pháp luật. Anh cho tôi biết luật Hồi giáo không bắt tội phụ nữ. Người chồng sẽ chịu trách nhiệm và phải nộp phạt cho những gì cô vợ gây ra, giống như chủ nhân một con
ngựa sẽ phải chịu phạt cho tổn thất nó gây nên. Nhưng nếu con ngựa kia hất ông chủ xuống đất rồi giẫm giết ông ta thì sao? À, đó sẽ là một tai nạn đáng tiếc, Farah đáp. Từng có lí do than thân trách phận, sau cùng Fatoma được thỏa nguyện để sống theo cách ả chọn, trong những trại lính Nairobi.