Farah và tôi bán tài sản

Một phần của tài liệu Châu Phi nghìn trùng: Phần 2 (Trang 109 - 129)

Giờ chỉ còn trơ trọi mình tôi giữa đồn điền. Nơi đây cũng không còn thuộc về tôi nữa, nhưng bên mua bằng lòng cho tôi ở lại ngôi nhà bao lâu tùy ý

và, bởi các nguyên do pháp lí, cho tôi thuê với giá một shilling mỗi ngày.

Việc bán đồ đạc trong nhà khiến Farah và tôi khá bận rộn. Chúng tôi bày toàn bộ đồ sứ và cốc thủy tinh ra bàn ăn cho khách mua xem; sau đó, lúc bàn ăn đã bán, chúng tôi bày xuống sàn nhà thành mấy dãy dài. Chú chim trong chiếc đồng hồ cúc cu treo tường vẫn báo giờ đầy ngạo nghễ trên mấy dãy cốc chén ấy, cho đến một ngày chính chiếc đồng hồ cũng bị bán và chú chim bay đi mất. Một hôm ban ngày vừa bán sạch mớ cốc thủy tinh rồi đến tối liền nhận ra sai lầm, thế là sáng sau tôi vội vã lái xe vào Nairobi thương lượng với người phụ nữ đã mua xin được hủy giao kèo. Tôi không có chỗ cất số cốc này, nhưng những ngón tay và bờ môi của bao bằng hữu tri kỉ đã chạm vào chúng, từ chúng tôi cũng đã uống bao nhiêu rượu vang tuyệt hảo được họ tặng, chúng cũng đang lưu giữ âm vọng của các tâm tình bên bàn ăn thuở nào, và tôi chẳng hề muốn lìa xa chúng. Sau cùng, tôi nghĩ cốc thủy tinh là thứ rất dễ vỡ.

Tôi có một bức bình phong cũ bằng gỗ, trước giờ luôn được đặt cạnh lò sưởi, trên đó vẽ những hình người Trung Hoa, hoàng đế Hồi giáo và người da đen dắt chó. Tối tối, lúc lửa đã cháy đều, các hình bóng này sẽ bước ra minh họa cho những câu chuyện tôi kể cho Denys. Sau khi ngắm nghĩa chẳng nỡ rời mắt, tôi đành xếp tấm bình phong vào cái hộp, trong ấy các nhân vật sẽ có thể nghỉ ngơi một đỗi.

Cùng thời gian này, Phu nhân McMillan đang bước vào giai đoạn hoàn tất công trình tưởng niệm người chồng quá cố, Ngài Northrup McMillan, tại Nairobi. Đây là một tòa nhà rất đẹp, có thư viện với nhiều gian đọc sách. Bà lái xe tới đồn điền, rầu rầu ôn chuyện ngày xưa, và mua lại hầu hết mớ đồ đạc tôi đưa từ Đan Mạch qua cho thư viện. Tôi mừng rỡ khi mấy cái tủ, rương hòm đẹp mắt, thiết kế hợp lí và bề ngoài ấm cúng ưa nhìn sẽ được bên nhau, trong môi trường của sách vở và học giả, giống một nhóm mấy

phụ nữ, giữa thời kì cách mạng, tìm được chốn nương náu ở một trường Đại học.

Sách của mình tôi đem đóng vào thùng rồi dùng để ngồi hoặc làm bàn. Sách ở xứ thuộc địa, đối với cuộc sống bạn, đóng một vai trò khác ở châu Âu: chúng chi phối cả một phương diện đời bạn; vì lẽ đó, tùy theo chất lượng, bạn sẽ thấy cảm kích, hay phẫn nộ với chúng nhiều hơn mức độ cảm nhận khi còn sống tại các nước văn minh.

Các nhân vật hư cấu trong sách chạy kè kè bên ngựa bạn cưỡi trong đồn điền, hay thơ thẩn bước đi giữa những nương ngô. Giống các chiến binh dày dạn, họ tìm ngay ra điểm chiếm đóng phù hợp cho mình. Vào buổi

sáng sau tối đọc cuốn Crome Yellow*, tôi đã mua nó tại hiệu sách ở Nairobi

dù chưa bao giờ nghe nói đến tên tác giả và thích thú như thể tìm thấy một hòn đảo mới xanh mướt giữa đại dương, tôi đang tế ngựa băng qua thung lũng của Khu bảo tồn động vật hoang dã, một chú linh dương nhỏ nhảy vọt ra, và lập tức biến thành con nai cho vợ chồng Ngài Hercules và cả bầy ba mươi con chó mặt xệ lông đen pha nâu vàng săn đuổi. Mọi nhân vật của Walter Scott* đều đang tại gia, trong xứ này, và có thể gặp họ ở bất kì đâu; tình trạng tương tự xảy ra với Odysseus và người của mình, kì lạ làm sao nhiều nhân vật của Racine* cũng vậy. Peter Schlemihl*đã dạo bước trên núi Ngong bằng đôi hài bảy dặm, ong mật Clown Agheb* trú ngụ trong mảnh vườn mé bên sông của tôi.

Những thứ khác đã bị bán, tháo gỡ đóng gói rồi gửi đi, đâm ra ngôi nhà,

ngày qua ngày trong mấy tháng đó, dần dà trở nên chính nó*, đẹp đẽ tựa

một vỏ sọ người, một địa điểm trú ngụ rộng rãi mát mẻ, sở hữu tiếng vọng, và cỏ ngoài bãi mọc lan tới tận bậc cửa. Vào thời điểm cuối các gian phòng trơ trụi chẳng còn gì và trong tình trạng đó, khi ấy theo tôi nhận xét, chúng dường như phù hợp để ở hơn cả trước kia.

Tôi bảo Farah: “Nhà mình nhẽ ra tứ thời phải để trống trải thế này mới phải.”

Farah hiểu rõ tôi muốn nói gì, bởi dân Somali ai ai cũng phần nào là người khổ hạnh. Giai đoạn này Farah dồn toàn tâm toàn ý đỡ đần tôi mọi việc có thể; nhưng anh cũng ngày càng giống một người Somali thực thụ, như hồi được gửi tới đón tôi ở Aden buổi đầu cập bến châu Phi. Rất lo cho mấy

đôi giày tã của tôi, Farah thổ lộ là ngày nào cũng khấn khứa để chúng trụ được đến Paris.

Trong những tháng ấy, ngày nào Farah cũng bận mấy bộ cánh diện nhất. Anh có vô khối quần áo đẹp: mấy tấm áo gi-lê Ả Rập có đính các sợi dây vàng ròng mà tôi cho, chiếc áo gi-lê đỏ tươi viền vàng cực kì tao nhã mà

Berkeley Cole tặng, cùng nhiều khăn lụa turban màu sắc bắt mắt. Thường

khi anh chỉ cất chúng trong rương, để dành mặc vào những dịp đặc biệt. Nhưng giờ Farah chưng ra những gì bảnh nhất. Anh lẽo đẽo theo tôi, đằng sau ở khoảng cách một bước chân, trên đường phố Nairobi, hay đứng chờ trên cầu thang dơ dáy ở các tòa nhà công quyền hoặc văn phòng luật sư, trong trang phục lộng lẫy như vua Solomon. Để hành xử như vậy bạn phải là người Somali.

Giờ tôi còn phải an bài số phận bầy ngựa và chó của mình. Từ đầu tôi định bắn chết chúng, song có nhiều bạn bè viết thư xin mang về nuôi. Sau đó, mỗi lần cưỡi ngựa ra ngoài cùng lũ chó, tôi lại thấy dường như bất công nếu bắn chúng khi vẫn còn tràn trề sức sống thế này. Nan đề này khiến tôi lần lữa nhiều ngày và tôi chẳng nhớ nổi đã khi nào, trong bất cứ chuyện gì, mình lại thay đổi xoành xoạch quyết định như vậy. Sau rốt tôi quyết định giao chúng cho bạn bè.

Tôi cưỡi chú ngựa yêu Rogue vào Nairobi. Nó đi rất chậm, hết nhìn hướng Bắc lại ngoảnh về đằng Nam. Tôi nghĩ Rogue hẳn thấy lạ lắm khi theo đường cái tới Nairobi rồi chẳng quay lại nữa. Sau khi hì hục mãi mới đưa được Rogue vào tàu ngựa trên tàu hỏa đi Naivasha, tôi đứng trong toa và cảm nhận, lần cuối, cái mõm mượt như lụa của chú cọ lên tay, lên mặt mình. Ta sẽ không để mi đi, Rogue ơi, trừ phi mi chúc phúc cho ta. Hai đứa mình đã cùng nhau lần mò tìm ra lối mòn dẫn xuống sông giữa nhằng nhịt

các shamba và lều trại dân bản địa, để rồi mi lẹ bước như một con la trên

lối xuống dốc đứng, trơn trượt ấy, và giữa dòng nâu của con sông hôm ấy, ta đã thấy đầu mình và đầu mi sát kề nhau. Cầu chúc cho mi lúc này, đang thảnh thơi tung tẩy giữa thung mây gặm hoa cẩm chướng bên phải, nhá hoa cải bên trái.

David và Dinah, cặp chó săn hươu non tơ tôi sở hữu lúc ấy, đều thuộc dòng giống con Pania, tôi đem giao cho người bạn ở một nông trại gần Gil- Gil, chỗ chúng sẽ có cơ đi săn thỏa thích. Cả hai rất khỏe, nghịch ngợm, và

lúc được đưa lên một chiếc ô tô chở khỏi đồn điền, chúng thở phì phò, hai cái đầu thò ra ngoài xe, áp sát vào nhau, lưỡi thè lè, như thể đang theo dấu một loài thú mới hay ho nào đó. Những cặp mắt tinh tường, những đôi chân lanh lẹ và những con tim nồng nhiệt đã rời bỏ nhà tôi và thảo nguyên, để hít thở, đánh hơi và khoan khoái chạy nhảy nơi vùng đất mới.

Một số người của tôi giờ cũng bắt đầu rời khỏi đồn điền. Vì không còn cây cà phê, và xưởng chế biến cũng chẳng tồn tại nữa, Pooran Singh nhận ra mình thất nghiệp. Ông không muốn nhận công việc khác ở châu Phi, và cuối cùng quyết định quay về Ấn Độ.

Vốn là bậc thầy trong lĩnh vực khoáng chất nhưng ngoài đời Pooran Singh lại giống một đứa trẻ. Ông chẳng thể ngộ ra, dù chỉ mơ hồ, rằng đồn điền đã tới hồi kết; ông đau xót sụt sùi, dòng nước mắt chảy dài xuống chòm râu đen, và quấy nhiễu tôi nhiều ngày nhằm cố gắng trì kéo tôi ở lại đồn điền, cùng nhiều đề xuất giúp đồn điền tiếp tục vận hành. Thường tự hào về hệ thống máy móc của chúng tôi, dẫu thực trạng chúng có thế nào chăng nữa, giờ Pooran Singh như bị cột vào khối động cơ hơi nước và chiếc máy sấy cà phê trong xưởng, đôi mắt đen dịu dàng ngấu nghiến ngắm từng con ốc trên mấy cỗ máy. Sau rốt, nhận thức ra tình thế vô vọng, ông tức thời buông xuôi, dẫu vẫn ngậm ngùi, nhưng đã chấp nhận và ở mấy dịp gặp nhau ông nói nhiều tới chuyến đi trước mắt. Lên đường, Pooran Singh chẳng đem hành lí cồng kềnh ngoại trừ chiếc hộp nhỏ đựng dụng cụ, thiết bị hàn, như thể trước đấy ông đã gửi trái tim và cuộc sống của mình qua đại dương nên ở đây giờ còn lại có chăng chỉ là tấm thân thon gọn, làn da bánh mật cùng bộ đồ nghề hàn.

Định bụng tặng Pooran Singh một món quà chia tay, và đã thầm hi vọng ông sẽ thích thứ gì đó mình đang có sẵn nhưng lúc nghe tôi ngỏ lời ông lại mừng quýnh bảo muốn một chiếc nhẫn. Tôi không có nhẫn mà cũng chẳng có tiền mua. Chuyện này xảy ra từ mấy tháng trước, dạo ấy Denys có ghé đồn điền ăn tối và tôi đã thuật lại cho anh nghe. Trước đó Denys có đưa tôi một chiếc nhẫn vàng, nạm đá quý Abyssinia và điều chỉnh được kích cỡ cho vừa mọi ngón tay. Nghe chuyện, nghĩ tôi đang có ý định tặng nó cho Pooran Singh, vì Denys thường phàn nàn bất cứ thứ gì anh tặng là tôi lập tức đem cho những người da màu của mình, anh liền tháo chiếc nhẫn từ tay tôi rồi đeo vào tay mình và bảo sẽ giữ nó cho tới khi Pooran Singh rời đi.

Ấy là mấy ngày trước khi anh đi Mombasa, và vì thế chiếc nhẫn đã bị chôn cùng anh. Dầu sao tới thời điểm Pooran Singh ra đi, nhờ bán đồ bán đạc, tôi cũng gom đủ tiền mua ở Nairobi chiếc nhẫn ông muốn. Đây là một chiếc nhẫn vàng nặng trịch, nạm viên đá to sụ màu đỏ nom như miếng thủy tinh. Pooran Singh hạnh phúc đến độ lại nhỏ lệ một lần nữa và tôi tin chiếc nhẫn đã giúp ông vượt qua cuộc chia li sau cuối với đồn điền và những cỗ máy của mình. Bởi ở tuần lễ cuối, ngày nào ông cũng đeo chiếc nhẫn và bất cứ khi nào tới nhà tôi, ông lại giơ bàn tay lên cho tôi xem với nụ cười hiền lành, rạng rỡ. Trên sân ga Nairobi, thứ cuối cùng của ông đập vào mắt tôi là bàn tay đen thon từng thao tác trên đe với nhịp độ mãnh liệt, giờ đang thò ra ngoài toa tàu bản địa đông nghịt, nóng như nung mà Pooran Singh ngồi bên trong trên hộp đồ nghề, và lúc nó vẫy chào từ biệt thì mặt đá đỏ kia lại lấp lóe tựa ngôi sao nhỏ.

Pooran Singh trở về Punjab đoàn tụ người thân. Nhiều năm không gặp nhưng họ vẫn giữ liên lạc bằng việc gửi cho Pooran Singh những tấm ảnh gia đình mà ông giữ gìn cẩn thận trong ngôi lán quây tôn múi kề xưởng máy để rồi đem ra khoe cùng tôi với vẻ rất mực yêu thương, tự hào. Tôi nhận được mấy lá thư của Pooran Singh lúc đã đáp tàu thủy đi Ấn Độ. Thư nào thư nấy đều mở đầu như nhau: “Quý bà thân mến, xin tạm biệt.” và tiếp theo là tin tức cũng như sự kiện xảy ra trên hành trình.

Một tuần sau cái chết của Denys, sáng nọ có một chuyện lạ lùng đã xảy đến với tôi.

Nằm trên giường, suy ngẫm về các biến cố trong mấy tháng qua, tôi cố gắng hiểu thấu chúng. Trong mắt tôi dường như hẳn mình đã đi chệch, theo cách này hay cách khác, con đường nhân sinh bình thường, và lạc vào một vùng xoáy nước không được phép đặt chân. Bất cứ bước ở đâu mặt đất dưới chân tôi cũng chìm sâu còn sao trời thì sa cả xuống. Tôi nghĩ tới bài thơ về Ragnarok* có tả quang cảnh các vì sao rơi xuống, các chú lùn trong hang núi thở dài rồi lăn ra chết vì sợ. Tất cả việc gần đây, tôi bụng bảo dạ, chẳng thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên các sự kiện mà người đời thường gọi là vận rủi, mà hẳn phải có quy luật chung. Nếu khám phá ra, nó sẽ cứu vớt tôi: Nếu tìm đến đúng chỗ, tôi thầm nhủ, ta sẽ phát giác mối dây liên kết mọi sự. Tôi nghĩ mình cần trở dậy và truy tìm dấu hiệu chỉ báo.

Nhiều người cho đi tìm chỉ báo là việc làm rồ dại. Nguyên cớ là bởi bạn phải thực sự ở trong một tâm trạng đặc thù mới đi làm chuyện ấy, và chẳng có mấy người rơi vào tâm trạng này cả. Đi tìm chỉ báo trong tâm trạng ấy bạn sẽ luôn thấy câu trả lời; nó hiện ra như hệ quả tự nhiên của cuộc tìm kiếm vậy. Tương tự thế, một tay chơi thiện nghệ nhặt mười ba lá bài ngẫu nhiên sẽ nhìn ra một thế bài liên hoàn và ở nơi người khác chẳng biết đánh cách nào thì anh ta lại thấy được cơ hội giành thắng lợi hiển hiện ngay trước mắt. Liệu có chiến thắng nào náu bên trong các quân bài kia chăng? Câu trả lời là có, với những tay chơi phù hợp.

Tôi ra khỏi nhà, thơ thẩn vô định về hướng mấy túp lều gia nhân để tìm kiếm dấu hiệu chỉ báo. Bầy gà đã được thả ra, đang chạy tứ tung giữa các lều. Tôi đứng một lát ngó chúng.

Con gà trống to, lông trắng của Fathima khệnh khạng bước tới trước mặt tôi. Nó bỗng dừng lại, đầu ngoáy ngó, mào dựng lên. Mé bên kia lối đi, từ lớp cỏ chui ra một chú tắc kè hoa nhỏ xíu màu xám, cũng như con gà, đang giữa chuyến thám sát buổi sáng của mình. Con gà xộc thẳng về phía tắc kè - bởi đấy là món ăn của chúng - cục cục mấy tiếng khoái trá. Tắc kè dừng phắt khi thấy gà. Hoảng sợ nhưng đồng thời cũng quả cảm, chú đứng cắm chân xuống đất, hết sức há mồm, và để dọa kẻ thù, trong chớp mắt bắn cái lưỡi hình chùy về phía gà. Tên gà trống đứng im một giây như thể ngạc nhiên, rồi mau lẹ và quyết đoán, cái mỏ như búa kia mổ xuống rứt phăng lưỡi con tắc kè.

Toàn bộ cuộc chạm trán giữa hai con vật diễn ra trong mười giây. Tôi xua con gà của Fathima đi, nhặt cục đá đập chết tắc kè, bởi chú đừng hòng sống nổi nếu không còn lưỡi: tắc kè dùng lưỡi để bắt côn trùng làm thức ăn. Khiếp đảm bởi cảnh tượng vừa chứng kiến - bởi dẫu ở hình thái thu nhỏ nó vẫn là sự việc xấu xa, khủng khiếp - đến mức tôi phải quay về, ngồi phịch xuống ghế đá kê ở hàng hiên. Tôi ngồi chết lặng mãi khiến Farah phải mang trà ra đặt lên bàn. Cúi gằm xuống mấy phiến đá tôi chẳng dám ngước lên nữa, thế gian này sao đầy hiểm nguy rình rập đến vậy.

Dần dà qua mấy ngày kế tiếp, từng chút từng chút một, trí não tôi nhận ra mình đã nhận được câu đáp mang tính biểu tượng khả dĩ nhất cho lời cầu khẩn. Tôi đã được hồi đáp đầy trân trọng và khác biệt theo một cách lạ

lùng. Những đấng cao xanh tôi thỉnh cầu đã xem trọng phẩm giá tôi còn hơn cả chính tôi, và họ có thể đưa ra lời đáp nào khác đây? Rõ ràng hiện tại

Một phần của tài liệu Châu Phi nghìn trùng: Phần 2 (Trang 109 - 129)