Một sự việc kì lạ

Một phần của tài liệu Châu Phi nghìn trùng: Phần 2 (Trang 71 - 75)

Lần vào Khu bảo tồn Masai thực thi nhiệm vụ tải hàng cho chính phủ, một hôm tôi đã chứng kiến điều kì lạ mà chẳng ai trong số những người tôi biết từng mục kích. Ấy là giữa trưa, lúc đoàn xe bò của chúng tôi đang băng qua miền thảo nguyên rậm rì cỏ mọc.

Khí trời Phi châu ảnh hưởng tới phong cảnh nhiều hơn ở châu Âu; nó chứa đầy những hình hài cùng ảo cảnh mông lung, và theo một cách riêng chính là sân khấu đích thực của biết bao sự việc. Giữa cái nóng ban trưa, không khí nhiễu động, rung rinh tựa dây đàn vĩ cầm, khiến lớp lớp đồng cỏ, vạt cây gai và rặng núi bốc lên cao, tạo nên cả những khoảng nước bạc mênh mông giữa một vùng cỏ khô cháy.

Cả đoàn đang bước trong không khí hừng hực, tựa một thực thể sống ấy, và tôi, trái với thói thường, đang đi đằng trước đoàn xe một quãng xa, cùng

Farah, con Dusk và chú Toto quản chó. Tiết trời quá nóng nực khiến mọi

người chẳng ai buồn hé răng. Đột nhiên cả vùng thảo nguyên phía chân trời chợt di chuyển rồi phi nước đại, chẳng phải không khí lay động mà là một đàn thú hoang lớn từ cánh phải, cắt ngang sân khấu, đang lao sầm sầm tới chúng tôi.

Tôi bảo Farah: “Cả đoàn linh dương đầu bò kìa.” Nhưng chỉ thoáng sau, không rõ đó là linh dương đầu bò hay loài khác nên tôi lấy ống nhòm ra quan sát, khốn nỗi thật khó nhìn cho tỏ vào giữa ban trưa thế này. “Farah, anh nghĩ sao, có phải linh dương đầu bò chăng?” tôi hỏi.

Lúc ấy tôi cũng nhận ra Dusk đang chú tâm vào đám linh dương, hai tai nó vểnh lên, đôi mắt tinh tường như căng ra dõi theo bước tiến bầy thú. Thường để anh chàng mặc sức rượt theo linh dương đốm vằn hoặc linh dương nói chung trên thảo nguyên, nhưng nghĩ hôm nay tiết trời quá nóng,

nên tôi bảo chú Toto buộc sợi dây da vào vòng cổ nó. Đúng lúc này, Dusk gừ lên rồi nhảy chồm hất văng chú Toto. Tôi chụp lấy sợi dây và phải tận

lực mới ghìm được nó lại. Đứng nhìn đám thú tôi quay qua Farah: “Con gì thế nhỉ?”

Trên thảo nguyên rất khó phán đoán kích cỡ, khoảng cách. Bầu không khí rung rinh và cảnh sắc đơn điệu là nguyên nhân, ngoài ra còn do đặc điểm những cây gai mọc đó đây có hình dáng hệt cây đại thụ rừng già, có điều thực tế chỉ cao tầm ba thước rưỡi và hươu cao cổ có thể vươn đầu bên trên. Bạn không ngừng bị lầm về kích cỡ con thú nhìn thấy đằng xa, và lúc giữa trưa hoàn toàn có thể nhầm chó rừng thành linh dương, hay đà điểu thành trâu. Một phút sau Farah đáp: “Đấy là chó hoang, Memsahib ạ.”

Thông thường ta bắt gặp chó hoang đi theo tốp, chừng ba bốn con, nhưng đôi khi tình cờ chạm trán cả tá cũng có. Dân sở tại khiếp đảm chúng và sẽ bảo bạn đó là quân khát máu ăn thịt người. Bận nọ, đang ruổi ngựa trong Khu bảo tồn ngay kế đồn điền, tôi đụng phải bốn con chó hoang và bị chúng lẵng nhẵng đeo bám cách độ năm chục thước. Hai con chó sục nhỏ tôi mang theo chuyến ấy liền dính chặt vào tôi, thực tế cả hai đã chạy ngay bên dưới bụng chú ngựa lùn, cho đến tận lúc vượt sông vào lãnh thổ đồn điền. Chó hoang không to bằng linh cẩu, chỉ tương đương con béc giê cỡ lớn, lông đen, riêng ở chót đuôi và ở tai nhọn có màu trắng. Da chúng không dùng được vào việc gì, lông cứng lởm chởm, bốc mùi gớm ghiếc. Ở đây số lượng chó hoang lên tới cả năm trăm con. Cả đàn phóng nước kiệu tới gần, theo cách thức kì lạ nhất: chẳng hề ngó nghiêng mà cơ hồ đang bị thứ gì đuổi sau lưng, hoặc như đang cắm cổ chạy tới một cái đích định sẵn. Tới gần chỗ chúng tôi, cả lũ chỉ hơi nắn lại hướng di chuyển và vẫn giữ nguyên tốc độ, tuy nhiên như trước, chẳng có gì cho thấy chúng nhìn ra chúng tôi. Khoảng cách sát sạt nhất giữa đôi bên chỉ tầm bốn mươi lăm thước. Đàn chó trải dài, hai hay ba hoặc bốn con sóng vai chạy nên phải mất một hồi lâu mới qua hết. Farah bảo: “Những con này đều mệt bã, chúng hẳn vừa vượt một chặng đường dài.”

Khi những con cuối cùng qua hết và dần khuất bóng, chúng tôi nhìn quanh, thấy đoàn xe vẫn ở phía sau. Toàn thân rã rời vì quá căng thẳng, cả tốp ngồi phịch luôn tại chỗ chờ xe tới. Dusk kích động cực độ, cố giật sợi dây da hòng đuổi theo bầy chó hoang. Choàng tay ôm ghì cổ nó, tôi nghĩ nếu vừa rồi chẳng kịp níu lại, hẳn Dusk đã chẳng còn lại gì dẫu chỉ là mẩu xương.

Mấy người dong xe chạy tới hỏi có chuyện gì. Tôi không cách nào giải thích với họ, hoặc cho chính tôi, duyên cớ gì đã xui khiến bầy chó hoang

với số lượng lớn đến vậy chạy ngang qua như thế. Nhóm người bản xứ nhất trí đây là điềm rất gở - báo hiệu chiến tranh - vì chó hoang là loài ăn xác chết. Sau đó, khác với thông lệ luôn bàn ra tán vào mọi sự kiện xảy ra, họ thôi ngay chẳng đôi hồi gì thêm nữa.

Tôi thuật lại câu chuyện này cho vô khối người mà chẳng một ai tin. Dẫu sao nó vẫn là câu chuyện có thật, những người làm của tôi có thể làm chứng.

Con vẹt

Một ông già chủ tàu người Đan Mạch ngồi hồi tưởng chuyện thời trẻ, lúc mới mười sáu, có lần qua đêm tại nhà thổ ở Singapore. Đến đó cùng kíp thủy thủ trên chiếc tàu của cha, ông đã ngồi trò chuyện với một bà già Trung Hoa. Nghe bảo ông đến từ một đất nước xa xôi, bà lão bèn mang con vẹt già của mình ra. Xa xưa, xưa lắm rồi, hồi ta còn trẻ măng, bà kể, một anh tình nhân người Anh, con nhà thế phiệt, đã đem nó tặng cho ta. Chàng thanh niên thầm nghĩ con vẹt hẳn đã cả trăm tuổi. Lượm lặt từ môi trường giang hồ tứ chiếng của ngôi nhà, vẹt ta có thể nói một số câu bằng hầu như mọi thứ tiếng khác nhau trên địa cầu. Nhưng bà lại chẳng hiểu được một câu mà người nhân tình đã dạy cho con vẹt trước khi đưa nó tới và cũng chưa từng có vị khách nào hiểu cả. Vậy nên suốt nhiều năm qua bà lão đã thôi tìm hỏi ý nghĩa câu ấy. Tuy nhiên nhân có chàng trai đến từ quốc gia xa xôi thế này ghé chơi, nhỡ đâu câu ấy lại chẳng phải tiếng nói xứ ấy, và chàng sẽ có thể dịch được ra cho bà.

Lời thỉnh cầu khiến chàng trai thấy xúc động sâu xa lạ thường. Khi chăm chú nhìn con vẹt, nghĩ mình có thể sẽ được nghe tiếng nói Đan Mạch từ cái mỏ khoằm cong tựa móc câu kia, thiếu chút nữa chàng đã bỏ chạy khỏi căn nhà. Ý muốn giúp đỡ bà cụ người Trung Hoa là thứ duy nhất giữ chàng ở lại. Nhưng khi bà lão khiến con vẹt nói ra câu ấy, hóa ra đó lại là tiếng Hi Lạp cổ. Con vẹt nói rất chậm còn chàng trai cũng biết tiếng Hi Lạp đủ để nhận ra đây là một đoạn thơ của Sappho*:

“Trăng đà khuất cùng chòm Thất nữ. Và canh ba cũng đã qua rồi

Mà giờ khắc vẫn đều đặn trôi Còn mình anh trơ trọi nằm đây.”

Bà cụ, trong lúc được chàng thanh niên dịch cho nghe, chép chép đôi môi và hấp háy cặp mắt xếch một mí. Bà nhờ chàng đọc lại lần nữa rồi gật đầu.

PHẦN V

Một phần của tài liệu Châu Phi nghìn trùng: Phần 2 (Trang 71 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)