Hươu cao cổ đi Hamburg

Một phần của tài liệu Châu Phi nghìn trùng: Phần 2 (Trang 56 - 59)

Tôi đang ở Mombasa, ngụ tại tư dinh thủ hiến miền duyên hải Sheik All bin Salim, một ông già Ả Rập lịch thiệp, hào hiệp và hiếu khách.

Mombasa sở hữu mọi nét vẻ của một bức tranh thiên đường do thiếu nhi vẽ. Biển thọc sâu cánh tay vào đại lục và bao lấy hòn đảo tạo nên một hải cảng nước sâu lí tưởng; địa phương này cấu thành từ các vách đá san hô trắng đục, trên mọc nhiều loại xoài xanh tán rộng và những cây bao báp dị hình, xám xịt, trụi lủi. Biển Mombasa xanh màu hoa thanh cúc còn ở đại dương bên ngoài cửa vịnh, những con sóng lớn bạc đầu Ấn Độ Dương chạy dài vạch thành một đường trắng ngoằn ngoèo và phát ra tiếng ì ầm cả những khi trời yên bể lặng.

Là thành phố của những lòng phố chật hẹp, Mombasa được xây từ đá san hô, với toàn màu tuyệt đẹp như vàng sẫm, hồng hay hoàng thổ, và vượt cao trên tất cả là một pháo đài cổ bề thế, với các bức tường và lỗ châu mai, địa điểm ba trăm năm trước người Bồ Đào Nha và Ả Rập từng quần thảo nhau. Mang sắc màu đậm hơn cảnh vật xung quanh, dường như trên đỉnh cao, trải đằng đẵng nhật nguyệt dãi dầu, pháo đài đã uống cạn biết bao buổi tà dương rừng rực.

Trong những khu vườn Mombasa, mimosa khoe sắc hoa đỏ rực cùng những chiếc lá thanh tao đến khó tin. Mặt trời thiêu thành phố cháy sém, không khí nơi đây có vị mặn mòi, gió hây hây ngày nào cũng đưa nước muối từ mạn Đông qua khiến cả đất cũng mặn tới nỗi cỏ rất hiếm mọc và nền đất trở nên trơ trụi tựa sàn khiêu vũ. Nhưng các gốc xoài lâu năm có vòm lá xanh rậm rì lại mang bóng râm hiền hòa và tạo thành một vòng tròn thẫm màu, mát mẻ dưới gốc. Tôi chẳng biết loại cây nào hàm chứa một chốn tụ họp, một điểm giao lưu và mang tác dụng gắn kết hệt như các giếng làng giống như cây xoài. Những khu chợ lớn họp dưới tán xoài, bày la liệt kín đất quanh các gốc cây là lồng gà cùng dưa hấu chất đống.

Tư gia Ali bin Salim là một dinh thự trắng tráng lệ nằm trên phần đất liền, ngay góc lượn của vũng biển, với dải bậc thang đá trải dài dẫn xuống biển. Dọc theo bậc thang là các gian phòng khách, còn ở đại sảnh nằm sau hàng

hiên của tòa nhà chính có để những vật phẩm đẹp đẽ sưu tầm từ Ả Rập và Anh quốc: đồ cổ bằng ngà hay bằng đồng, đồ sứ tàu từ Lamu, ghế bành bọc nhung, nhiều ảnh, và một máy hát cỡ đại. Trong số này, được cất giữ ở cái tráp bọc xa tanh, là phần còn lại của bộ đồ sứ uống trà xinh xắn làm tại Anh thập niên bốn mươi, đây vốn là món quà cưới do Nữ hoàng Anh quốc trẻ trung cùng chồng trao tặng nhân hôn lễ giữa con trai Quân vương Zanzibar với con gái Hoàng Đế Ba Tư*. Bà hoàng và phu quân đã chúc đôi trẻ đạt được hạnh phúc như bản thân họ đang tận hưởng.

“Thế rồi họ sống có hạnh phúc không?” tôi hỏi Sheik Ali lúc ông đang lấy từng chiếc tách ra, để lên bàn cho tôi ngắm.

“Ôi chao, không đâu,” ông đáp, “cô dâu chẳng chịu bỏ thú cưỡi ngựa. Nàng ta mang theo cả tầu ngựa, trên chiếc thuyền buồm chở đồ tế nhuyễn của mình. Nhưng dân chúng Zanzibar nào có chấp nhận việc các quý bà đóng vai kị sĩ. Vô số rầy rà phát sinh từ đấy và bởi công chúa thà bỏ chồng còn hơn bỏ ngựa, cuộc hôn nhân cuối cùng tan vỡ còn con gái Hoàng Đế lại trở về Ba Tư.

Có một con tàu hàng hoen gỉ chạy bằng hơi nước của Đức neo đậu trong hải cảng Mombasa. Tôi đi ngang qua nó lúc ra thăm đảo rồi quay về trên chiếc thuyền với những tay chèo người Swaheli của All bin Salim. Trên boong chiếc tàu kia đặt một cũi gỗ cao, và nhô khỏi nóc cũi là hai cái đầu hươu cao cổ. Cùng có mặt trên thuyền lúc đó, Farah bảo với tôi chúng đang trên đường từ Đông Phi thuộc Bồ Đào Nha* đến Hamburg cho một đoàn xiếc thú lưu động.

Hai con hươu cao cổ hết quay cái đầu xinh xắn nhìn qua bên này rồi lại ngoảnh sang phía kia, như thể kinh ngạc, mà có lẽ thế thật vì lũ hươu chưa từng thấy biển. Trong chiếc cũi chật hẹp, chúng chỉ đủ chỗ để đứng. Thế gian đã hốt nhiên co lại, biến đổi và bó chặt quanh chúng.

Chúng chẳng thể biết hay hình dung nổi tình cảnh nhơ nhớp hạ tiện mà chuyến tàu đang đưa chúng tới. Là giống loài kiêu hãnh, trong trắng, quanh năm ngày tháng tiêu dao giữa mênh mông thảo nguyên, lũ hươu chẳng biết chút gì về cảnh giam cầm, cái lạnh, mùi hôi hám, khói bụi, và bệnh ghẻ lở, hay về nỗi buồn tẻ khủng khiếp trong một thế giới muôn đời chẳng có gì xảy ra.

Đám đông, nặng mùi trong áo quần u tối, sẽ bước vào từ gió rét và mưa tuyết ngoài phố để ngắm nghía lũ chúng, và để nhận ra vị thế siêu việt của loài người trước thế giới ngu muội. Họ sẽ chỉ trỏ, cười cợt những cái cổ thon dài lúc hai mái đầu thanh tú, nhẫn nại, mang cặp mắt màu khói nhô lên khỏi lớp rào chắn ngăn cách đám thú; ở nơi ấy mấy cái cổ nom dài quá thể. Trẻ nhỏ sẽ phát hoảng trước cảnh ấy rồi òa khóc, cũng có thể chúng sẽ trở nên yêu mến và giơ bánh mì cho hươu ăn. Rồi các ông bố bà mẹ sẽ coi hươu cao cổ là quái thú đáng yêu, và tin họ đang đem lại cho lũ hươu một khoảng thời gian dễ chịu.

Trong những năm tháng đằng đẵng phía trước, có khi nào hươu cao cổ sẽ mơ về quê hương bản quán đã mất của chúng? Đâu rồi, giờ biến đâu hết đồng cỏ cùng những bụi cây gai, các dòng sông, nguồn nước, những ngọn núi xanh lơ? Không khí vùng cao ngọt ngào trên thảo nguyên giờ đã bay sạch đi đâu. Chúng bạn từng nhong nhong kề cận trên xứ sở nhấp nhô lượn sóng giờ đâu hết? Bạn bè đã rời bỏ chúng đi mất, và dường như sẽ chẳng còn quay lại nữa.

Vầng trăng tròn vằng vặc giữa đêm giờ đâu?

Hươu cao cổ vật vã tỉnh giấc trên xe moóc chở thú, trong chiếc thùng chật chội nồng nặc mùi rơm thối rữa và bia.

Tạm biệt, tạm biệt, tôi cầu mong các bạn được chết giữa chuyến hải trình, cả đôi cùng chết, để chẳng có cái đầu nhỏ thanh cao đang nghển lên sửng sốt trên nóc cũi giữa trời xanh Mombasa nào phải đơn độc ngoảnh qua ngoảnh lại ở Hamburg, nơi chẳng kẻ nào biết về châu Phi.

Còn với chúng ta, ta sẽ phải tìm cho ra ai đó đối xử vô cùng tàn tệ với mình, trước khi có thể xin lũ hươu cao cổ miễn thứ cho mình, vì đã nhẫn tâm xử tệ với chúng.

Một phần của tài liệu Châu Phi nghìn trùng: Phần 2 (Trang 56 - 59)