Đồn điền của tôi nằm hơi quá cao nên khó trồng cà phê. Vào những tháng trời lạnh, có sương muối đọng ở chỗ trũng thấp và tới buổi sáng chồi lá cùng quả non sẽ bị đổi sang màu nâu thẫm rồi héo úa đi. Từ thảo nguyên gió lại thổi ào ào vào, và ngay cả những năm mưa thuận gió hòa, chúng tôi cũng chẳng đời nào đạt được sản lượng tương đương các trại ở khu vực thấp hơn như Thika hay Kiambu, địa phương có cao độ chỉ bốn ngàn bộ. Vùng Ngong cũng ít mưa. Đã ba lần chúng tôi trải qua hạn hán thực sự nghiêm trọng và lâm vào tình cảnh hết sức lao đao. Năm lượng mưa đạt một ngàn hai trăm năm mươi mi li mét, chúng tôi thu hoạch tám mươi tấn cà phê, còn năm mưa đạt ngàn tư mi li mét, thu hoạch tròm trèm chín chục tấn; tuy nhiên ở hai năm thất bát lượng mưa chỉ sáu trăm ba thậm chí năm trăm mi li mét thành thử sản lượng vỏn vẹn còn mười sáu, mười lăm tấn và đấy là những năm thảm khốc ở đồn điền.
Cũng thời điểm này cà phê lại mất giá: trước kia một trăm bảng một tấn thì nay chỉ còn sáu bảy chục. Đồn điền lâm vào tình trạng khốn đốn. Chúng tôi không cách nào trang trải các khoản nợ, và chẳng có tiền vận hành đồn điền. Họ mạc nắm giữ phần hùn ở chính quốc viết thư sang yêu cầu tôi bán đồn điền.
Tôi đã nghĩ trăm phương nghìn kế ngõ hầu cứu vãn tình thế. Có năm tôi thử trồng lanh trên phần đất dư thừa. Trồng lanh rất thú nhưng đòi hỏi kĩ năng và kinh lịch. Một dân tị nạn người Bỉ cố vấn cho tôi trong chuyện này hỏi diện tích trồng dự kiến là bao nhiêu và lúc tôi đáp ba trăm mẫu thì anh này la lên: “Thưa bà, điều đó bất khả*.” Anh ta bảo có thể trồng thành công trên diện tích năm, thậm chí mười mẫu, tuy nhiên chỉ vậy thôi. Trồng mười mẫu chẳng thấm tháp gì nên tôi quyết định đầu tư một trăm rưởi mẫu. Cánh đồng lanh trổ bông dưới nền trời xanh vời vợi thực là cảnh tượng tuyệt đẹp - tựa như một khoảnh thiên đường nơi hạ giới và chẳng thứ sản phẩm nào khiến ta vừa lòng như sợi lanh dai, bóng mịn, dinh dính. Sau khi lanh gửi đi rồi, tâm trí bạn cứ vấn vương mãi về nó và hình dung
nguyên liệu này biến thành khăn trải giường hay váy ngủ. Nhưng chẳng thể nhanh chóng huấn luyện người Kikuyu, trong điều kiện không cần giám sát thường xuyên, thu hoạch, giầm và tách sợi lanh chuẩn xác; thành thử ý định phát triển lanh của tôi rốt cuộc chẳng đi đến đâu.
Hầu hết nông gia khắp vùng, trong những tháng năm ấy, gắng mày mò thử nghiệm một số ý tưởng kiểu như vậy, và vài người đã nảy ra sáng kiến. Tình hình của Ingrid Lindstrom ở Njoro dần dà trở nên khả quan: tại thời điểm tôi rời bỏ xứ này, sau mười hai năm ròng quần quật khổ sai nuôi lợn, nuôi gà tây, trồng rau, trồng thầu dầu, trồng đậu nành, từng chứng kiến và khóc than vì tất tật đều lụn bại, chị cuối cùng đã cứu được cơ nghiệp cho gia đình và bản thân nhờ trồng cây cúc trừ sâu bán sang Pháp chế nước hoa. Cá nhân tôi lại chẳng được diễm phúc với các thử nghiệm của mình, và trong thời tiết khô nẻ cùng gió thảo nguyên Athi tràn tới, cây cà phê héo rũ, lá chuyển vàng; ở nhiều vùng của đồn điền cà phê bị nhiễm dịch bọ trĩ hoặc bọ xít.
Hòng nâng sản lượng cà phê, chúng tôi thử bón phân cho cây. Bởi lớn lên trong môi trường làm nông nghiệp ở châu Âu, tôi luôn không tán thành chuyện thu hoạch mùa màng mà chẳng bón phân cho đất. Khi các lưu dân nghe được đề án này họ nhiệt tình giúp sức, và chở tới, từ khu nuôi bò và dê, lượng phân chuồng tồn đọng của hàng thập kỷ. Đó là thứ phân bùn hoai mục rất tiện dụng. Chúng tôi cày một đường giữa các hàng cây cà phê bằng lưỡi-cày-một-trâu mới tậu ở Nairobi, và bởi chẳng thể đưa cả cỗ xe vào giữa rẫy cà phê nên cánh phụ nữ phải gùi các bao phân trên lưng, len lỏi rải xuống rãnh cày mỗi cây một bao, để trâu quay lại cày phủ đất lên. Quy trình này diễn ra nom thật thích mắt, và tôi đã trông đợi những điều phi thường từ đấy, nhưng rốt cuộc chẳng một ai nhận thấy bất kì tác dụng nào của việc bón phân.
Khó khăn thực sự của chúng tôi là thiếu vốn, bởi nguồn tài chính đã khánh kiệt từ trước khi tôi tiếp quản đồn điền. Chúng tôi vô lực thực hiện bất kì biện pháp canh tân cơ bản nào, chỉ có thể tay làm hàm nhai và trong những năm cuối, kiểu sống này trở thành chuyện bình thường ở đồn điền.
Tôi nghĩ, nếu xông xênh, chúng tôi sẽ từ bỏ ngành cà phê, chặt sạch cây cà phê và gây rừng trên đất của mình. Ở châu Phi cây cối lớn mau như thổi, trong vòng mươi năm bạn sẽ có thể bước khoan khoái dưới những hàng
bạch đàn xanh rờn vươn cao, hay cây keo, mấy loại cây bạn đã tự mình, giữa trời mưa, mang chúng đựng trong hộp, mỗi hộp một tá, từ vườn ươm ra. Tôi nghĩ gỗ xây dựng hay củi đun đều dễ tiêu thụ và được giá tại chợ Nairobi. Trồng cây là công việc cao quý mà nhiều năm sau hồi tưởng lại bạn vẫn thấy hài lòng. Khi xưa đồn điền từng có những cánh rừng tự nhiên rộng lớn, nhưng thật đáng buồn đã bị đem bán cho người Ấn đốn hạ từ trước khi tôi tiếp quản. Bản thân tôi, trong những năm tháng lao đao, đã phải đốn cây mọc quanh xưởng máy làm nhiên liệu cho động cơ hơi nước, và khoảnh rừng đó, với những thân cây cao vút cùng bóng râm xanh mát cứ ám ảnh tôi hoài; trong đời chưa thứ gì làm tôi hối tiếc nhiều bằng việc chặt hạ chúng. Lâu lâu, mỗi dịp điều kiện cho phép, tôi lại bỏ công trồng bạch đàn vào chỗ đất trống song cũng chẳng được bao lăm. Cứ đà ấy, sẽ mất độ năm mươi năm trước khi tôi phủ xanh được hàng trăm hàng ngàn mẫu Anh, biến đồn điền thành một khu rừng rì rào ca hát, được vận hành theo khoa học, với một xưởng cưa bên sông. Dẫu thế, lưu dân đồn điền, những người vốn có quan niệm về thời gian khác với dân da trắng, vẫn trông đợi đầy hi vọng thời kì ai nấy đều dư thừa củi đốt - như hồi xưa - khai thác từ cánh rừng mà tôi sẽ sớm trồng.
Tôi cũng có nhiều kế hoạch chăn thả gia súc và lập xưởng làm bơ sữa tại đồn điền. Chúng tôi nằm trong vùng có tồn tại dịch sốt bờ biển phía đông, và nếu nuôi giống gia súc lai tạo bạn sẽ phải cho chúng nhúng qua dung dịch khử khuẩn. Điều này khiến bạn khó cạnh tranh hơn với dân chăn nuôi nơi không có dịch, song tôi lại ở sát Nairobi nên có thể chuyển sữa bằng ô tô vào buổi sáng. Có dạo chúng tôi sở hữu một đàn bò lai giống, và đã xây ngoài thảo nguyên cả một khu khử khuẩn bề thế. Nhưng rồi chúng tôi phải bán đàn bò, kể từ đó khu khử khuẩn bị cỏ bao phủ, đứng trơ trọi như đống tàn tích đổ nát của một pháo đài. Về sau, vào những buổi chiều muộn, tầm giờ vắt sữa, tôi đi bộ xuống khu trại nuôi của Mauge hay Kaninu, ngửi thấy mùi thơm ngòn ngọt của lũ bò, niềm khao khát có được dãy chuồng cùng xưởng chế bơ sữa của riêng mình lại nhói lên trong lòng. Còn lúc phóng ngựa trên đồng cỏ, tôi vẫn thấy khu trại của mình hiển hiện trong óc, được điểm xuyết lốm đốm bằng đàn bò sữa với bộ lông đốm, tựa những bông hoa.
Nhưng theo thời gian các cảnh mộng ấy càng lúc càng xa vời, và cuối cùng nhạt nhòa hẳn. Dầu vậy tôi cũng chẳng phiền lòng nếu tiền kiếm từ cà phê
có thể giữ cho đồn điền hoạt động được.
Quản lí đồn điền đồng nghĩa mang cả một gánh nặng trên vai. Kẻ ăn người làm bản xứ, kể cả nhóm da trắng làm thuê, đều bỏ mặc tôi với mọi nỗi hoang mang, quan ngại, và đôi khi tôi cảm nhận đàn bò hay cây cà phê cũng cư xử hệt thế. Dường như tất thảy giống loài biết nói lẫn không biết nói nhất trí rằng lí do mưa đến trễ hay trời đêm buốt giá nhường này nhất nhất là lỗi nơi tôi. Tối tối, việc im lặng ngồi đọc sách dường như thành ra trái lẽ và tôi bị thúc đẩy phải ra khỏi nhà bởi chính nỗi sợ mất nó. Farah tỏ tường mọi buồn đau của tôi, và anh chẳng bằng lòng cho tôi ra ngoài giữa đêm như thế. Đề cập chuyện có người thấy báo lởn vởn gần nhà lúc mặt trời đà khuất bóng, Farah thường đứng ngóng ở hàng hiên, dáng áo choàng trắng nổi bật trong bóng tối, đến tận lúc tôi trở vào nhà. Nhưng do đang héo ruột héo gan nên chuyện hổ báo không lọt nổi vào đầu tôi và mặc dầu vẫn hiểu ban đêm lang thang vô định trên mấy con đường đồn điền không hay ho gì, mà rồi tôi vẫn cứ đi, giống một bóng ma bị phái đi vơ vẩn chẳng hề vì mục đích, nguyên do nào.
Hai năm trước khi rời châu Phi, tôi có chuyến về thăm châu Âu. Đi châu Âu giữa vụ thu hoạch cà phê nên tôi không có thông tin gì về sản lượng mãi cho tới lúc trở về cập bến cảng Mombasa. Suốt những ngày trên tàu, tôi thầm phỏng chừng con số: Nếu khỏe khoắn yêu đời tôi kì vọng sẽ thu hoạch được bảy mươi lăm tấn, còn lúc mệt mỏi âu lo tôi lại ước đoán: Bề gì sản lượng cũng chỉ đạt sáu chục tấn là cùng.
Farah tới đón tôi tại Mombasa, và tôi chẳng dám hỏi thẳng anh con số sản lượng; hai chúng tôi chỉ nói các chuyện khác của đồn điền. Nhưng buổi tối, lúc sắp đi ngủ, không thể kìm nén nỗi thắc thỏm thêm nữa tôi hỏi anh đồn điền thu hoạch cả thảy được bao nhiêu tấn cà phê. Dân Somali thường khoái trá mỗi bận có dịp được loan báo tin thảm họa. Tuy nhiên lúc ấy đứng bên bậu cửa, nét vẻ Farah chẳng có gì thích thú, thần sắc nghiêm trọng, mắt nhíu lại, hơi ngửa đầu gắng nuốt buồn vào trong mà nói: “Bốn chục tấn, Memsahib ạ.” Tôi biết vậy là đồn điền không thể tiếp tục tồn tại được nữa rồi. Hết thảy màu sắc và sinh khí thế giới quanh tôi tan thành mây khói. Căn phòng khách sạn trống lạnh, ngột ngạt ở Mombasa, với nền láng xi măng, cái giường sắt cũ rích, tấm lưới ngăn muỗi hư mòn, chợt trở thành biểu tượng kinh hoàng của một thế giới trần trụi không món đồ trang
hoàng tô điểm cho cuộc sống con người. Tôi không nói gì với Farah, và anh, đối tượng thân thiện cuối cùng trên trái đất, cũng lui gót mà chẳng hề thốt thêm lời nào.
Thế nhưng trí não con người vẫn có những năng lực tự đổi mới rất ghê gớm, và giữa đêm ấy tôi chợt nghĩ, giống Già Knudsen, bốn chục tấn kia cũng ra tấm ra món lắm chứ, còn tính bi quan luôn là một thói xấu xa tệ hại. Và dầu gì giờ tôi cũng đang quay trở về, theo con đường trước nhà sẽ một lần nữa đậu xe ngay nơi cửa. Người của tôi ở đó, bạn bè sẽ kéo đến thăm nom. Trong vòng mươi tiếng đồng hồ, tôi sẽ thấy lại, từ tàu hỏa, ở hướng Tây Nam, dáng xanh rặng Ngong in trên nền trời.
Cũng năm ấy lũ châu chấu kéo đến. Người ta kháo nhau nạn châu chấu khởi phát từ Abyssinia* và sau hai năm hạn hán tại đây chúng bắt đầu di chuyển về phương Nam, chén sạch mọi thực vật trên đường. Trước khi chúng tôi thực sự trông thấy châu chấu, trong xứ đã lan truyền đủ loại chuyện lạ lùng về sự tàn phá chúng để lại đằng sau - trên mạn Bắc, các trang trại ngô, lúa mì hay cây ăn trái nhất nhất đã biến thành vùng hoang mạc mênh mông sau khi chúng qua. Dân khai khẩn gửi phái viên chạy tới láng giềng ở phía Nam loan báo đàn châu chấu sắp đến. Dẫu được cảnh báo, bạn cũng chẳng thể phòng chống gì nhiều, ở tất cả các trại, người ta chuẩn bị sẵn hàng đống củi hoặc đống thân cây ngô rồi châm lửa đốt lúc châu chấu tới, cũng như cắt cử toàn bộ nhân công mang theo thùng sắt tây hoặc hộp rỗng để ra ngoài gào hét và gõ ầm ĩ hầu dọa không cho châu chấu đậu xuống. Nhưng đấy chỉ là sự trì hoãn ngắn ngủi, bởi dù con người có làm chúng sợ tới đâu chăng nữa thì châu chấu cũng chẳng thể ở mãi giữa hư không, sở cầu duy nhất của nông dân chỉ là xua chúng dạt tới trang trại kế tiếp phía Nam, và càng nhiều trại dọa được chúng bỏ đi bao nhiêu thì chúng càng háu đói và liều lĩnh bấy nhiêu ở điểm đậu xuống, ở phía Nam đồn điền tôi tiếp giáp với các thảo nguyên mênh mông trong Khu bảo tồn Masai, nên có thể hi vọng khiến được bầy châu chấu bay tiếp qua sông vào Khu bảo tồn.
Từng tiếp nhận vài ba phái viên do những láng giềng là dân khai khẩn trong vùng cử đến thông báo châu chấu đang tới, nhưng chẳng thấy có gì xảy ra, tôi đã bắt đầu tin tất thảy chỉ là cảnh báo nhầm. Một buổi chiều tôi
cưỡi ngựa tới dhuka, cửa hàng tạp hóa bán nhu yếu phẩm cho nhân công cũng như lưu dân đồn điền, của Abdullah, em trai Farah. Dhuka nằm bên
vệ đường cái, và một người Ấn trong chiếc xe hai bánh lừa kéo đậu ngoài
dhuka nhổm lên vẩy tay ra dấu khi thấy tôi ngang qua, vì anh ta chẳng thể
dong xe lên được chỗ tôi dừng ngựa trên đồng cỏ.
“Đàn châu chấu đang tới đất của bà đấy,” anh ta nói khi tôi thúc ngựa đến nơi.
“Họ đã báo nhiều bận,” tôi đáp, “có điều nào thấy gì đâu. Có lẽ tình cảnh không tệ như người ta nói.”
“Xin bà hãy ngoảnh lại,” người Ấn kia bảo.
Tôi ngoái nhìn và thấy một dải sẫm dọc chân trời đằng Bắc, tựa vệt khói dài trên một thành phố đang cháy, “thành phố dân số cả triệu người đang xả khói lên không trung” tôi thầm nghĩ, hoặc như một đám mây mỏng đang bốc lên cao.
“Cái gì vậy?” tôi hỏi.
“Châu chấu đấy,” người Ấn kia đáp.
Lúc cưỡi ngựa quay về, tôi bắt gặp một dúm chừng hai chục con châu chấu trên lối mòn cắt qua nội cỏ. Tôi tạt qua nhà viên quản lí, lệnh cho anh này sẵn sàng mọi thứ chờ châu chấu tới. Khi cả hai chúng tôi cùng trông về mạn Bắc, đám khói đen trên trời giờ đã bốc cao thêm chút nữa. Chốc chốc, giữa lúc chúng tôi đứng đó, lại có một con châu chấu đập cánh vụt qua, hoặc rơi xuống bò trên mặt đất.
Sáng hôm sau tôi mở cửa nhìn ra ngoài, khắp nơi đã nhuộm một màu hoàng thổ xỉn nhạt. Cây cối, bãi cỏ, con đường, mọi thứ trong tẩm mắt, bị phủ thứ thuốc nhuôm ấy, tựa như đêm qua một lớp tuyết dày màu hoàng thổ đã đổ xuống khắp vùng. Lũ châu chấu đang đậu ngoài kia. Giữa lúc tôi đang nhìn thì toàn bộ cảnh vật bắt đầu dịch chuyển và tan rã, châu chấu bò lổm ngổm rồi cất cánh. Sau vài phút bầu không khí rung lên bởi hàng triệu đôi cánh, cả đàn đang rời đi.
Lần ấy châu chấu không gây nhiều thiệt hại vì chỉ ở lại đồn điền qua đêm. Chúng tôi đã tận mắt thấy loài côn trùng ấy, dài chừng bốn phân, màu nâu
xám và hồng, chạm vào nhơm nhớp. Châu chấu chỉ đậu lên mà làm gãy hai cây to mọc ven con đường dẫn vào nhà, cứ nhìn cái cây và nhớ mỗi con nặng chưa tới ba gam, bạn sẽ bắt đầu mường tượng ra số lượng chúng. Châu chấu tiếp tục kéo tới; trong vòng hai hay ba tháng đồn điền bị chúng tấn công không ngớt. Chúng tôi nhanh chóng từ bỏ nỗ lực vô vọng và bi